Chăn nuôi gia súc thành công nhờ mô hình chuỗi sản xuất tuần hoàn
Tận dụng tối đa phế phẩm nông nghiệp
Trang trại bò giống chất lượng cao và trại bò nuôi lấy thịt nằm trong dự án Khu liên hợp sản xuất thức ăn chăn nuôi từ phế phụ phẩm nông nghiệp và Trại sản xuất bò giống chất lượng cao, tại xã Yên Mông, TP. Hoà Bình. Với diện tích gần 30 ha, trang trại được phân thành nhiều khu khác nhau như: Khu phối trộn thức ăn, khu sản xuất đệm sinh học, khu chế biến phân bón, khu bò giống, khu nuôi vỗ béo bò khu vỗ béo trâu…
Về thức ăn của gia súc, công ty áp quy trình tận dụng mọi phế, phụ phẩm của sản xuất nông nghiệp để chế biến thức ăn cho trâu, bò. Những thứ tưởng rằng như bỏ đi sau thu hoạch nông nghiệp như: Rơm rạ, lõi ngô, thân lá cây ngô, thân cây đậu, thân cây lạc, cỏ, mía… được công ty thu gom từ người dân, đưa về được ủ bằng các chủng loại men vi sinh. Ước tính mỗi năm khu vực nông thôn phát sinh khoảng 76 triệu tấn rơm rạ. Các phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, phần thân thải bỏ của các cây trồng ngắn ngày (ngô, đậu...) hay các loại vỏ, chất thải sau sơ chế (điều, cà phê...) nếu được tận dụng như mô hình của Công ty T&T sẽ tạo được nguồn thức ăn dồi dào cho gia súc ăn cỏ và giải quyết vấn đề môi trường tại khu vực nông thôn.
Chính nhờ sự đầu tư cả nhà máy chế biến thức ăn tại chỗ cho trâu, bò để tận dụng nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp, Công ty T&T 159 Hòa Bình đã tối ưu hóa được lợi nhuận, giảm giá thành chi phí cho chăn nuôi, lại đảm bảo nguồn thức ăn bền vững cho đàn gia súc.
Tại đây, dù số lượng trâu, bò được nuôi rất lớn, có thời điểm lên tới 7.000-8.000 con, nhưng không hề có mùi khó chịu của phế thải chăn nuôi. Dù lượng chất thải trong chuồng khá dày nhưng không có bóng dáng của ruồi, muỗi – loài côn trùng vốn thường thấy ở bất kỳ trại chăn nuôi gia súc nào, bất kể là đơn lẻ hay tập trung.
Nguyên lý của đệm lót sinh học là tự các vi sinh được cấy trong đệm lót sẽ phân giải mạnh, đồng hoá tốt các thành phần có trong chất thải động vật để chuyển hoá thành các chất vô hại, kìm hãm sự phát triển của các vi sinh vật có hại có trong nền chuồng nuôi. Sử dụng phương pháp này Công ty không phải lo thu gom chất thải, rửa chuồng, xử lý môi trường nên chi phí cho những khâu này được giảm đáng kể. Cùng với đó, chuồng trại sạch sẽ cũng sẽ làm cho vật nuôi khỏe mạnh hơn cũng không phải quá lo lắng cho việc mua thuốc phòng, chữa trị bệnh.
Khi chất thải là “vàng”
Tận dụng những thứ tưởng chừng bỏ đi để làm nguyên liệu cho chăn nuôi là một bước cải tiến mang tính đột phá, nhưng là nguồn lợi chính Công ty thu lại từ sản xuất phân bón hữu cơ bằng phế phẩm nông nghiệp và chất thải của bò. Chính vì vậy, hệ thống trang trại ở đây chỉ có nước thải mặt, tức là nước mưa chứ không có nước thải chăn nuôi. Theo ông Hà Văn Thắng, chính sự ưu việt này đã khiến công ty “gặp khó” khi lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, bởi không một ai tin không có chất thải trong quá trình chăn nuôi.
Theo ông Hà Văn Thắng, mỗi ngày, một con bò thịt thải ra khoảng 20 kg phân và 30 lít nước tiểu. Với quy mô chăn nuôi như hiện tại, trung bình khoảng 5.000 con không kể lúc cao điểm, nếu thu gom hết nguồn phế thải của trang trại, có thể sản xuất tại chỗ được 100 tấn phân bón hữu cơ vi sinh/ngày, tương đương khoảng 300-500 triệu đồng. Ông Thắng cười bảo: “Triết lý của công ty là tận thu mọi thứ, không có gì là bỏ đi. Đây chính là mô hình chuỗi sản xuất tuần hoàn. Đầu ra của khâu này chính là nguyên liệu đầu vào của khâu sản xuất sau”. Theo ông Thắng, vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trong lần đến thăm trang trại đã đánh giá rất cao về hiệu quả kinh tế này.
Từ một vùng đất hoang vu với những ngọn đồi khô cằn, sau hơn 4 năm, cơ ngơi tại Yên Mông, thành phố Hòa Bình đáng để những người tiên phong của T&T 159 tự hào. Một tổ hợp kinh tế tuần hoàn đã đi vào sản xuất ổn định. Với tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng, dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 và hiện tại đang nuôi trung bình khoảng 5.000 con bò thịt, chưa kể bò giống, bò lai sinh sản, bê… và sản xuất 100.000 tấn phân hữu cơ/năm. Không chỉ vậy, công ty còn hình thành chuỗi liên kết với 10.000 hộ dân tham gia cung cấp phế phụ phẩm trong nông nghiệp và trồng cỏ làm nguyên liệu, đồng thời liên kết trong chăn nuôi bò sinh sản và bò nuôi lấy thịt.