Chatbot Messenger – Nền tảng học từ vựng tiếng Trung Quốc trình độ sơ, trung cấp

17:00 | 12/07/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Với mục đích phát triển hộp thoại trò chuyện (Chatbot) tích hợp trên nền tảng Messenger nhằm nâng cao hiệu quả học tập từ vựng theo giáo trình Hán ngữ Boya trình độ sơ, trung cấp cho đối tượng là sinh viên, nhóm sinh viên gồm 5 thành viên đã thực hiện thành công đề tài “Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc phát triển Chatbot trên nền tảng Messenger của Facebook nhằm nâng cao hiệu quả học từ vựng tiếng Trung Quốc trình độ sơ, trung cấp”.

Nhóm nghiên cứu gồm 05 sinh viên: Đặng Thị Vân Anh, Dương Thị Tú Anh, Nguyễn Thị Hoài An, Nguyễn Thị Lan Anh, Nguyễn Xuân Trường, dưới sự hướng dẫn giả TS. Đinh Bích Thảo – Giám đốc Trung tâm Khảo thí và ĐBCL, Trường Ngoại ngữ - Du lịch.

 Nhóm nghiên cứu xây dựng đề tài dưới sự hướng dẫn của TS. Đinh Bích Thảo

Công nghệ Chatbot Messenger

Theo từ điển Cambridge, chatbot là một một chương trình máy tính được thiết kế để trò chuyện với con người, đặc biệt là qua Internet. Chatbot thường trao đổi với người dùng qua hình thức tin nhắn hoặc âm thanh. Do được thiết kế để mô phỏng cách trò chuyện với con người, các hệ thống chatbot thường phải điều chỉnh và thử nghiệm liên tục. Chatbot được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực như thương mại điện tử, dịch vụ khách hàng, tài chính ngân hàng, giải trí, y tế, giáo dục, …vv.

Chatbot hiện nay hầu hết được biết đến với dạng thức nhắn tin trên các nền tảng mạng xã hội. Lợi ích cơ bản của Chatbot là luôn hoạt động 24/24 và trả lời cực nhanh mọi yêu cầu của con người. Ngoài ra, Chatbot còn có thể xử lý đồng thời nhiều yêu cầu khác nhau mà không bị chồng chéo hay nhầm lẫn. Chatbot còn góp phần nâng cao mức độ hài lòng của người sử dụng. Ngoài việc luôn trả lời một cách nhanh chóng, tích cực thì Chatbot sẽ luôn đối xử với khách hàng một cách hoàn hảo.

 Ví dụ về dạng Chatbot (menu/button)

Tổng quan về Chatbot, nhóm nghiên cứu nhận thấy rất nhiều lợi ích và được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực nhất là trong lĩnh vực bán lẻ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, về mặt giáo dục – đào tạo thì Chatbot thường ít được ứng dụng và nếu có ứng dụng thì cũng chỉ phục vụ cho nhu cầu chăm sóc khách hàng của các doanh nghiệp, tổ chức về mảng giáo dục – đào tạo. Thay vào đó, các tổ chức giáo dục tự phát triển trang web và ứng dụng riêng.

Từ vựng và các cấp độ từ vựng tiếng Trung Quốc

Đối với ngôn ngữ tiếng Trung, từ vựng sơ cấp trước hết là những nhóm từ cơ bản, đơn giản và thường xuyên được sử dụng trong hoạt động giao tiếp. Từ vựng sơ cấp chính là nền móng cơ bản nhất cho quá trình chinh phục ngôn ngữ tiếng Trung. Đối với từ vựng trung cấp, đây là nhóm từ với trình độ trên mức cơ bản nhằm giúp người học có những kỹ năng chuyên sâu hơn khi sử dụng một ngôn ngữ khác. Ở trình độ này, người học sẽ được tiếp thu nhiều kiến thức, kỹ năng mới trên cơ sở của trình độ sơ cấp.

Theo trải nghiệm thực tiễn cũng như từ việc phân tích các dữ liệu tham khảo nhằm khắc phục các hạn chế trong một số ứng dụng học từ vựng tiếng Trung, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng, hầu hết các ứng dụng nếu muốn lưu trữ từ vựng hoặc bài học thì người dùng sẽ cần phải đăng nhập vào tài khoản để truy cập vào ứng dụng. Và trong trường hợp bạn xóa ứng dụng thì các dữ liệu đó sẽ bị “mất trắng”.

Thấu hiểu được vấn đề này, nhóm nghiên cứu đã có ý tưởng xây dựng tính năng lưu từ bằng ứng dụng Chatbot chạy trên nền tảng Messenger với 02 ưu điểm: hạn chế bị mất dữ liệu và không giới hạn dữ liệu.

Lập trình hệ thống Chatbot ứng dụng học từ vựng tiếng Trung Quốc

Chatbot học từ vựng tiếng Trung trình độ sơ, trung cấp tương tác với người dùng qua âm thanh hoặc văn bản và sử dụng các nền tảng Facebook Messenger API để giao tiếp với người dùng. Các phần mà nhóm nghiên cứu cần phát triển bao gồm: Translator: Dịch yêu cầu của người dùng; Processor: Xử lý yêu cầu của người dùng dựa vào dữ liệu được Translator cung cấp; Responsor: Nhận output từ Processor và gửi trả cho người dùng kết quả tương ứng.

 Cấu trúc hoạt động của Nền tảng Messenger Facebook API

Nguồn dữ liệu được lựa chọn để huấn luyện Chatbot là dữ liệu từ vựng trong giáo trình Hán ngữ Boya sơ cấp (tập 1, tập 2), giáo trình Hán ngữ Boya trung cấp I (tập 1, tập 2) và những giáo trình này hiện đang được sử dụng giảng dạy tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, nhiều trường đại học và các trung tâm ngoại ngữ khác.

Kết quả thử nghiệm hệ thống Chatbot

Đối tượng tham gia khảo sát chủ yếu là sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội, với số lượng là 77 sinh viên, thuộc các khóa 15 và khóa 16. Xét về năng lực tiếng Trung, 39,60% sinh viên tham gia khảo sát có năng lực ở trình độ HSK 1-HSK 2, 40,59% sinh viên tham gia khảo sát có trình độ HSK 3-HSK 4, 19,80% sinh viên tham gia khảo sát có trình độ HSK 5-HSK 6.

Qua khảo sát về chức năng được người dùng yêu thích nhất, ta thấy: 45,54% người được khảo sát chọn chức năng học từ vựng, 34,65% người được khảo sát chọn chức năng luyện từ, 19,80% người được khảo sát chọn chức năng từ điển.

 Kết quả đánh giá về mức độ dễ sử dụng

Khảo sát đánh giá chủ quan của người dùng về phương pháp học tập từ vựng tiếng Trung với Chatbot CLT. Kết quả: 88,12% người dùng đánh giá học tập với Chatbot CLT giúp họ cảm thấy thích thú, có cảm hứng học tập hơn; 8,91% người dùng cảm thấy không khác nhiều với các cách học truyền thống và 2,97% người dùng cảm thấy bất tiện khi học với cách này.

Đánh giá về mức độ dễ sử dụng của Chatbot CLT, kết quả: 58,42% người dùng cho đánh giá “Rất hài lòng”, 35,64% đánh giá hài lòng, tổng là 94,06% người dùng cảm thấy Chatbot dễ sử dụng. 4,95% người dùng cho đánh giá “Trung lập” và 0,99% người dùng cảm thấy Chatbot khó sử dụng. Điểm trung bình: 4,51/5.

Tương tự, đánh giá về mức độ thân thiện cho thấy: 59,41% người dùng cho đánh giá “Rất hài lòng”, 34,65% cho đánh giá “Hài lòng” và 5,94% người dùng đánh giá “Trung lập”, không có người dùng nào cho đánh giá “Không hài lòng” về độ thân thiện của Chatbot. Điểm trung bình: 4,53/5.

Đánh giá về mức độ hiệu quả khi sử dụng chatbot CLT, kết quả: 45,54% người dùng cho mức độ đánh giá “Rất hài lòng”, 47,52% đánh giá “Hài lòng”, tổng tỷ lệ là 93,06%; 4,95% người được hỏi cho kết quả đánh giá trung lập; trong khi 1,98% người dùng đánh giá “Không hài lòng” về độ hiệu quả khi sử dụng Chatbot. Điểm trung bình 4,37/5.

Về tổng thể: 48,51% người dùng cho đánh giá “Rất hài lòng” về Chatbot, 46,53% đánh giá “Hài lòng; 3,96% “Trung lập” và 0,99% “Không hài lòng” với Chatbot học từ vựng tiếng Trung CLT. Điểm trung bình: 4,42/5.

Bên cạnh các chỉ số đánh giá trên, chatbot CLT nhận được rất nhiều ý kiến góp ý, mang tính xây dựng. Một số người dùng có đề xuất có thêm một số tính năng bổ sung như học ngữ pháp, từ điển Việt – Trung, học các từ vựng chuyên ngành, check lỗi,… Ngoài ra, người dùng mong muốn nhóm nghiên cứu thêm các tính năng thuận tiện hơn trong việc sử dụng chatbot.

Nhìn chung, sau khi thực hiện khảo sát trên 101 người dùng sử dụng Chatbot CLT, nhóm nghiên cứu đã nhận được rất nhiều những phản hồi tích cực cũng như những góp ý thiết thực để giúp cải tiến Chatbot ngày càng tiện ích và hiệu quả hơn.

 TS.Thân Thanh Sơn - Trưởng phòng Đào tạo trao giải Nhất cho Trưởng nhóm Đặng Thị Vân Anh (thứ ba từ trái sang)

Hiệu quả của ứng dụng

Qua quá trình thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã lập trình thành công Chatbot CLT học từ vựng tiếng Trung trình độ sơ cấp và trung cấp theo giáo trình Hán ngữ Boya sơ, trung cấp. Chatbot CLT có ba chức năng chính, đó là “Học từ vựng”, “Luyện từ”, “Từ điển Trung-Việt”. Chatbot CLT đã cung cấp cho người dùng 2.518 từ vựng tiếng Trung Quốc trình độ sơ-trung cấp, 20.850 ký tự tiếng Trung có nét bút thuận, 2.518 câu kiểm tra từ vựng, 440.752 file âm thanh phát âm các từ, các ví dụ trong từ điển. Số lượng người sử dụng Chatbot CLT hiện tại là hơn 100 người, fanpage đã có 380 lượt thích.

Tại Hội nghị tổng kết và trao giải sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2022, đề tài “Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc phát triển Chatbot trên nền tảng Messenger của Facebook nhằm nâng cao hiệu quả học từ vựng tiếng Trung Quốc trình độ sơ, trung cấp” của nhóm đã được trao giải Nhất. Đây là phần thưởng xứng đáng dành cho những nỗ lực của cả thầy và trò trong suốt quá trình nghiên cứu và thực hiện đề tài.