Chế biến chế tạo, xây dựng và logistics của Việt Nam “đội sổ” khu vực về năng suất lao động
Sáng 08/5, tại Khách sạn Pan Pacific, Hà Nội, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội (UEB – VNU) và Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018 với tựa đề “Hiểu thị trường lao động để tăng năng suất”.
Báo cáo năm nay do PGS.TS. Nguyễn Đức Thành và GS.TS. Ohno Kenechi (Nhật Bản) đồng chủ biên, là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu cũng như cho tất cả những ai quan tâm đến các vấn đề về kinh tế vĩ mô tại Việt Nam.
Thành phần tham dự buổi Hội thảo gồm nhiều lãnh đạo và đại diện của các cơ quan chính phủ, cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan lý luận và nghiên cứu trong nước và quốc tế, lãnh đạo các trường đại học và viện nghiên cứu, đại diện của nhiều sứ quán, các tổ chức phát triển quốc tế tại Việt Nam, các nhà tài trợ quốc tế, các Hội và Hiệp hội, các doanh nghiệp, ngân hàng và các cơ quan thông tấn báo chí.
Tiếp nối thành công của những năm trước, Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018 tập trung vào chủ đề năng suất lao động của Việt Nam trong bối cảnh quốc tế, với quan điểm cho rằng cần phải hiểu rõ hơn thị trường lao động để lý giải chất lượng nguồn nhân lực và tiến trình năng suất tại Việt Nam.
Bởi vậy, bên cạnh việc xem xét, nhận định tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam, Báo cáo đi sâu đánh giá đặc điểm của quá trình thay đổi năng suất lao động trong hai thập kỷ hội nhập kinh tế và chọn lọc phân tích một số khía cạnh trên thị trường lao động của Việt Nam, đồng thời đưa ra các khuyến nghị chính sách ngắn hạn và dài hạn cho nền kinh tế.
Cấu trúc và nội dung của Báo cáo bao gồm 7 chương, đề cập đến tổng quan kinh tế thế giới và Việt Nam 2017; đặc điểm của năng suất lao động Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; mức độ tăng lương và năng suất lao động tại Việt Nam; quyết định tham gia thị trường lao động và lựa chọn nghề của lao động trẻ tại Việt Nam; thúc đẩy năng suất thông qua hội nhập thị trường lao động quốc tế - Trường hợp thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản; viễn cảnh kinh tế Việt Nam 2018 và khuyến nghị chính sách.
Theo đó, Báo cáo đã cung cấp cho độc giả một cái nhìn tổng thể về kinh tế thế giới với nhiều yếu tố tích cực cũng như những vấn đề khó lường dưới tác động của tiến trình đàm phán Brexit, Hoa Kỳ rút khỏi nhiều cam kết toàn cầu và khởi động chiến tranh thương mại, chủ nghĩa dân túy và bảo hộ gia tăng ở nhiều quốc gia; căng thẳng và xung đột giữa các quốc gia leo thang, đặc biệt ở Trung Đông.
Cùng với đó là sự cải thiện đáng kể về mặt tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, tuy nền kinh tế nước nhà còn tồn tại nhiều vấn đề cố hữu tạo lực cản như năng suất lao động, nợ công, thâm hụt ngân sách, phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố bên ngoài.
Trong tương quan so sánh với một số quốc gia Đông Bắc Á và ASEAN, năng suất của Việt Nam thuộc hàng thấp nhất trong khu vực, kể cả khi so sánh với Campuchia. Đặc biệt các ngành có năng suất thực sự “đội sổ” bao gồm “chế biến chế tạo”, “xây dựng” và “logistics” cho thấy điều đáng lo ngại về nền sản xuất nội địa. Năng suất lao động tại Việt Nam mới chỉ chủ yếu dựa vào dịch chuyển cơ cấu, thị trường lao động còn thiếu linh hoạt.
Tồn tại sự khác biệt đáng kể trong mức độ tiền lương và năng suất lao động giữa các thành phần kinh tế. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân có khuynh hướng cắt giảm lao động chính thức (có đóng bảo hiểm) để đối phó khi lương tối thiểu tăng. Đồng thời, có bằng chứng về hiện tượng cơ giới hóa ở các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành chế tác thâm dụng lao động dưới sức ép tăng lương.
Tình trạng một tỷ lệ lớn lao động trẻ làm việc trong lĩnh vực hộ gia đình hoặc phi chính thức và không đúng với chuyên môn được đạo tạo đang khiến nguy cơ năng suất không được cải thiện trong tương lai đi cùng với nhiều rủi ro khác. Các chính sách thúc đẩy lao động việc làm của Nhà nước thường ít phát huy tác dụng.
Dự báo, trưởng của nền kinh tế Việt Nam nhiều khả năng đạt 6,83% năm 2018, với mức lạm phát cả năm 4,21%. Trong một kịch bản bất lợi hơn, tăng trưởng chỉ đạt mức 6,49% và lạm phát chỉ tương đối ổn định ở mức 3,86%.
Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018 đưa ra khuyến nghị: Về dài hạn, Việt Nam cần coi việc cải thiện năng suất nền kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm cả mọi chính sách cải cách.
Xét riêng trên khía cạnh thị trường lao động, cần nỗ lực để thị trường lao động trở nên hiệu quả hơn, giúp lao động được tái phân bổ và cải thiện năng suất nhanh hơn.