Chi gần nửa tỷ mua lan đột biến, 4 ngày sau cây chết chủ vườn bỏ trốn

08:40 | 25/04/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bỏ ra 466 triệu đồng mua giống lan đột biến "Bạch Tuyết" của một vườn lan quảng cáo trên mạng, 4 ngày sau cây chết, người mua tìm tới địa chỉ thì chủ vườn đã trả mặt bằng, bỏ trốn khỏi địa phương.

Ngày 23/4, Công an huyện Trảng Bom, Đồng Nai, cho biết đang xác minh điều tra nghi án lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn mua bán lan đột biến.

Đầu tháng 4, Cơ quan CSĐT Công an huyện Trảng Bom tiếp nhận tin báo tố cáo lừa đảo, xảy ra tại ấp Tân Bắc, xã Bình Minh, huyện Trảng Bom.

Theo đơn tố cáo, vợ chồng anh V. và chị H. (ngụ tại TPHCM) thông qua mạng xã hội biết được thông tin một người tên B.V.D. (sinh năm 1993, hộ khẩu thường trú xã Lạc Dương, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình), hiện là chủ vườn lan Bình Minh ở ấp Tân Bắc, xã Bình Minh, huyện Trảng Bom chuyên kinh doanh cây giống hoa lan đột biến.

Xác minh vụ lừa đảo mua lan đột biến gần nửa tỷ ở Đồng Nai

Ảnh minh họa

Ngày 4/3, vợ chồng anh V. đến cửa hàng của B.V.D. xem và mua một cây hoa lan giống “Bạch Tuyết” với giá 466 triệu đồng. Đáng nói chỉ vài ngày mang về chăm sóc thì cây lan có biểu hiện bị chết nên chị H. chụp ảnh tình trạng cây và gọi điện thoại thông báo cho chủ vườn biết. Chủ vườn B.V.D. hẹn hai vợ chồng anh V. mang lan đến cửa hàng để bảo hành và chăm sóc cây.

Ngày 8/3, khi đến cửa hàng của B.V.D. tại xã Bình Minh, huyện Trảng Bom thì vợ chồng anh V. tá hỏa phát hiện cửa hàng đã đóng cửa, chủ vườn đã trả mặt bằng và rời khỏi địa phương.
Một tháng sau khi bị lừa, ngày 4/4, vợ chồng anh V. đã đến cơ quan công an trình báo sự việc như trên.

Vụ việc đang được Công an huyện Trảng Bom tiếp tục điều tra, truy tìm đối tượng liên quan để làm rõ.

Sau khi tiếp nhận trình báo về sự việc, công an huyện Trảng Bom đã tuyên truyền, khuyến cáo người dân cẩn thận, phòng ngừa để không bị rơi vào bẫy lừa đảo qua hình thức mua bán lan đột biến.

Công an huyện Trảng Bom nhận định, việc mua bán, chuyển nhượng lan đột biến đang có xu hướng tạo thành trào lưu, nhiều người lầm tưởng hình thức này dễ kiếm lời nên bất chấp rủi ro, vay mượn ngân hàng, cầm cố tài sản để đầu tư.

Thực tế cho thấy các hoạt động liên quan đến việc mua bán lan đột biến đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh trật tự, bởi giá trị của các cây lan đột biến được định giá tự do, không có căn cứ, do đó dễ dẫn đến tình trạng thổi giá lan, phát sinh lừa đảo, tranh chấp sau sàn giao dịch.

Công an huyện Trảng Bom đề nghị người dân nâng cao cảnh giác, cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin về giá cả, mặt hàng trước khi mua; chủ động phòng, tránh các thủ đoạn, âm mưu của các đối tượng lợi dụng hoạt động mua bán lan đột biến nhằm mục đích trục lợi, lừa đảo.

Trước đó cũng có những vụ lừa đảo bán hoa lan đột biến bị tố giác. Ngày 8/1, Công an tỉnh Pleiku (Gia Lai) nhận được trình báo của 3 người dân ở Gia Lai và 1 người ở Bà Rịa - Vũng Tàu về việc bị Nguyễn Tùng Dương (25 tuổi, Thanh Hóa) và Bùi Huy Hoàng (32 tuổi, Hòa Bình) lừa đảo nhiều lần với số tiền 984 triệu đồng bằng việc mua lan đột biến.

Trước đó, vào tháng 8/2020, anh Hoắc Công Tưởng (Hà Giang) cho biết đã xuống tiền mua hoa lan đột biến giống "5 cánh Phú Thọ" với giá 96 triệu đồng của một người lạ. Sau khi tìm hiểu, anh Tưởng cho biết người này cũng là nạn nhân của một nhóm lừa đảo với tổng số tiền 7 tỷ đồng nên sau đó phải bán tháo.

Xem thêm: Góc khuất giao dịch khiến nhà đầu tư lan đột biến mất trăm tỷ nhưng không dám báo công an?

Hà Ly

ĐỌC NHIỀU