Chiến lược đàm phán NAFTA mới: Ông Trump quyết ‘đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại’
Chiến lược của ông Trump tưởng chừng bất nhất và có phần “lộn xộn”, thực chất lại rất bài bản với nhiều “lớp lang”.
Ép buộc Canada, Mexico đưa ra lợi ích đổi lấy quyền miễn trừ thuế
Ngay từ đầu năm 2018, Mỹ can thiệp trực tiếp vào dòng chảy thương mại hàng hóa bằng cách dựng lên các hàng rào thuế quan trực diện vào hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài với nhiều lý do khác nhau.
Điều đầu tiên mà ông Trump “xuống tay” với Canada và Mexico là đe dọa áp mức thuế bổ sung lên mặt hàng nhôm thép và ô tô, tăng lợi thế đàm phán cho Mỹ, từ đó buộc Canada và Mexico phải đưa ra lợi ích tương đương để đổi lấy quyền miễn trừ thuế.
Gây sức ép về khả năng NAFTA bị hủy bỏ
Kế tiếp, tháng 5/2018, Mỹ tuyên bố với Canada và Mexico - hai đối tác trong NAFTA đã có tuổi đời trên 25 năm, rằng nếu không đàm phán lại, Mỹ sẽ rút khỏi hiệp định này, khiến hai nước còn lại buộc phải bước vào cuộc tái đàm phán NAFTA.
“Lá bài” này đã được ông Trump chuẩn bị kỹ lưỡng từ năm 2017, với cuộc điều tra dựa trên lý do an ninh quốc phòng theo Mục 232 Đạo luật Thương mại mở rộng 1962 mà Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ tiến hành theo yêu cầu của Tổng thống.
Rõ ràng, NAFTA là khu vực thương mại đem lại nhiều lợi ích rõ rệt mà Canada và Mexico đều không muốn đánh mất.
Sau một thời gian dài với 7 vòng đàm phán không đạt hiệu quả, Mỹ quyết định tiến hành đàm phán song phương với từng bên, thẳng thắn loại bỏ sự hợp tác giữa Mexico và Canada, đồng thời gây sức ép về khả năng NAFTA bị hủy bỏ.
Cuối tháng 9, NAFTA được ba nước thống nhất “thay áo” thành Hiệp định Mỹ-Mexico–Canada (USMCA) dù thực tế, USMCA giống hệt như NAFTA cũ.
Tác động kép từ hai chiến lược trên của ông Trump đã tạo ra kết quả mong đợi. Phần nào, ông Trump đã và đang thúc đẩy được mục đích của mình - “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” trong quan hệ thương mại với các đối tác toàn cầu.