Chính phủ cần tạo điều kiện cho DN xây dựng Việt Nam thành “Digital Hub”

17:25 | 08/01/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế với Đảng và Nhà nước, Phó Chủ tịch Hội DNTNVN, Chủ tịch/Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ CMC Nguyễn Trung Chính đề xuất Chính phủ cần tạo điều kiện cho DN xây dựng Việt Nam thành “Digital Hub” - kết nối và lưu trữ dữ liệu của khu vực ASEAN cũng như châu Á-Thái Bình Dương.

Chính phủ cần tạo điều kiện cho DN xây dựng Việt Nam thành “Digital Hub” - ảnh 1
Phó Chủ tịch Hội DNTNVN, Chủ tịch/Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ CMC Nguyễn Trung Chính. Nguồn: vietnamfinance.
Đóng góp ý kiến cho Đảng và Nhà nước nhằm góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam (DNTNVN), Chủ tịch/Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ CMC Nguyễn Trung Chính nhấn mạnh: Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, năm 2019, Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN và là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, trong đó đóng góp phần nhiều là khối kinh tế tư nhân. Khu vực kinh tế tư nhân đang chiếm khoảng 42% GDP cả nước, 30% ngân sách nhà nước.

Chính phủ đã định hướng tầm nhìn quốc gia đến năm 2030 thu nhập bình quân đầu người đạt 18.000 USD, đến năm 2045, kỉ niệm tròn 100 năm độc lập, Việt Nam trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao.

Nhìn vào bức tranh tổng thể, có thể thấy môi trường, chính sách ngày một thuận lợi, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tư nhân đóng góp cho nền kinh tế quốc dân. Hội nghị Trung ương lần thứ năm khóa XII đã ban hành nghị quyết quan trọng là Nghị quyết 10-NQ/TW 2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 98-NQ/CP, ngày 3/10/2017 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TƯ.

Trong bối cảnh đó, ông Nguyễn Trung Chính cho rằng: Trong 2 năm qua, với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển.

Về cơ bản, các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh đã không còn có sự phân biệt giữa các thành phần kinh tế, kể cả trong tiếp cận các nguồn lực cho phát triển kinh doanh.

Trong lĩnh vực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, nhất là giao thông, năng lượng, viễn thông… và tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận, sử dụng bình đẳng, với chi phí hợp lý, khu vực tư nhân ngày càng được khuyến khích tham gia vào các hoạt động đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thông qua các hình thức đối tác công - tư, đấu thầu xây dựng... Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 4/5/2018 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Tuy nhiên, theo ông Chính, để phát huy hiệu quả hơn nữa trong việc thực hiện Nghị quyết và chính sách của Đảng, Nhà nước, cần có sự vào cuộc quyết liệt và mạnh mẽ trong hành động của các cấp Chính phủ từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là quá trình cải cách và thay đổi quy trình thủ tục hành chính.

Đề xuất riêng cho ngành công nghệ thông tin, ông Chính khẳng định: Trong vài năm trở lại đây, công nghệ thông tin (CNTT) luôn là ngành có tốc độ phát triển nhanh nhất, ấn tượng nhất tại Việt Nam, đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng GDP và ngân sách nhà nước. Theo quy hoạch phát triển kinh tế Việt Nam tới năm 2020, công nghệ thông tin sẽ trở thành một trong những ngành mũi nhọn để nước ta sớm hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa – hiện đại hóa trong tất cả các ngành và lĩnh vực.

Vì vậy, Chính phủ nên khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đóng góp xây dựng quốc gia só, qua việc thúc đẩy phát triển các công nghệ và giải pháp số (Digital Solutions), có khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu bằng việc đẩy mạnh các dịch vụ số ra nước ngoài.

Chính phủ cần tạo điều kiện cho DN xây dựng Việt Nam thành “Digital Hub” - ảnh 2
Digital hub. Nguồn: Internet. 
Chính phủ nên xây dựng các chính sách nhằm hỗ trợ phát triển thị trường CNTT, đặc biệt chú ý đến việc khuyến khích sử dụng các sản phẩm và dịch vụ CNTT được tạo ra trong nước, người Việt Nam sử dụng sản phẩm CNTT “Make in Vietnam”.

Tạo hành lang pháp lý để hình thành các tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ tổ chức, cá nhân trong quá trình triển khai thực hiện các thủ tục liên quan đến mô hình Chính quyền điện tử. Xây dựng các chính sách ưu tiên sử dụng các sản phẩm công nghệ thông tin sản xuất trong nước, có thương hiệu Việt Nam trong các công trình, hệ thống thông tin của Đảng, Nhà nước.

Cùng với đó là tạo các cơ chế để thu hút đầu tư và phát triển thị trường CNTT, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân tích cực tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, khai thác các cơ hội mở rộng thị trường ra quốc tế: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu…

Đặc biệt, Chính phủ cần tạo điều kiện xây dựng Việt Nam thành “Digital Hub” của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Theo đó, trong lộ trình xây dựng quốc gia số, phải có hạ tầng số thì mới xây dựng được chính phủ số và kinh tế số, trong đó các thành phần xây dựng hạ tầng số gồm thiết bị kết nối, dữ liệu và ứng dụng, hạ tầng pháp lý và hạ tầng nhân lực. Chính phủ nên khuyến khích phát triển nhanh và bền vững trong xây dựng hạ tầng số, xây dựng trung tâm dữ liệu, hạ tầng viễn thông, thành phố thông minh (Smart City) tại nhiều vùng trên cả nước.

Phó Chủ tịch Hội DNTNVN, Chủ tịch/Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ CMC khẳng định: Rất nhiều tập đoàn công nghệ lớn của Việt Nam đang đặt ra mục tiêu xây dựng hệ sinh thái công nghệ, đưa Việt Nam thành “Digital Hub” – nơi trung chuyển, kết nối dữ liệu và hạ tầng viễn thông của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Riêng đối với Tập đoàn Công nghệ CMC, Tập đoàn đã và đang xúc tiến quyết liệt các chương trình hành động sau cho dự án Digital Hub: Xây dựng các Data Center trung lập với kết nối cao, quy mô lớn tại TP.HCM; đầu tư xây dựng tuyến cáp trục xuyên Việt CVCS, là tuyến cáp Việt Nam duy nhất kết nối trực tiếp vào mạng lưới cáp đất liền Đông Nam Á – A Grid, phát triển xây dựng hệ sinh thái hạ tầng mở C.OPE2N cho doanh nghiệp và tổ chức.

“Qua đây, tôi xin đề xuất Chính phủ tạo điều kiện để các công ty công nghệ như CMC có thể thực hiện dự án lớn lao này, xây dựng và cho phép cơ chế kết nối mở để các doanh nghiệp công nghệ cùng chung tay thực hiện dự án”, ông Chính đề xuất.