Chính phủ có thể khuyến khích các DN lớn hướng sang ngành công nghiệp hiện đại

08:04 | 05/10/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đó là khuyến nghị của đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) Tomaso Andreatta tại Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút FDI, sáng 4/10.

Chính phủ có thể khuyến khích các DN lớn hướng sang ngành công nghiệp hiện đại - ảnh 1
ÔngTomaso Andreatta, đồng Chủ tịch VBF phát biểu tại Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút FDI. (Ảnh: Nhật Minh/DNVN)
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút FDI, đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) Tomaso Andreatta đánh giá, lợi ích mà Việt Nam thu được trong thu hút FDI thời gian qua là nhận được nguồn ngoại tệ, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng ngân sách. Điều này chứng minh FDI có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam.

 "Đến nay, FDI trở thành khu vực xuất khẩu chủ lực, tiêu biểu trong lĩnh vực may mặc, điện tử... Có được kết quả đó cũng là nhờ sự chăm chỉ học hỏi của người Việt, sự nỗ lực của Chính phủ trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát", ông Tomaso Andreatta nhấn mạnh.

Cùng với FDI, Việt Nam còn nhận được sự hỗ trợ ODA của Nhật Bản, Hàn Quốc... với mức hỗ trợ cao hơn mức bình thường. Chất lượng nguồn vốn ODA cũng ngày càng gia tăng. 

Tuy  nhiên, theo ông Tomaso Andreatta, để giữ chân nhà đầu tư nước ngoài đến năm 2030 hoặc lâu hơn nữa, đồng thời, nâng cấp công xưởng của các hãng công nghệ, các DN FDI cần giúp nâng cao kỹ năng của người lao động để họ có thể làm chủ, vận hành các thiết bị tự động hóa... Ngoài chương trình đào tạo của DN, bản thân các lao động cũng phải tự lựa chọn cơ sở đào tạo, học hỏi để thích ứng với nhu cầu của thị trường.

Một quốc gia muốn thành công thì phải phụ thuộc vào hệ thống giáo dục, tự do hóa quyền tự quyết về đào tạo. Hiện Việt Nam đi sau Trung Quốc, Philippines... trong lĩnh vực này. Chính phủ cũng nên có chính sách khuyến khích người dân tiết kiệm năng lượng để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, giảm chi phí sản xuất.

Điểm quan trọng, Việt Nam cần gỡ bỏ gánh nặng về thuế và thủ tục hải quan, thanh tra, quyết toán thuế, không chỉ quan tâm nguồn thu mà còn cần quan tâm đến việc hoàn thuế...

Cần loại bỏ tiền mặt trong thanh toán, lưu giữ các chứng từ thông quan để đảm bảo tính minh bạch. Thủ tục hải quan cần có quy định rõ ràng hơn. VBF đang phối hợp với các bộ, ngành đảm bảo cách hiểu duy nhất trong các trường hợp tương tự.

“Một trong những hạn chế hiện nay là DN nhỏ và vừa không có đủ nguồn lực và kỹ năng. Chính phủ có thể khuyến khích các DN của mình, đặc biệt DN lớn rời khỏi mảng địa ốc, chuyển sang ngành công nghiệp hiện đại, công nghệ cao”, ông Tomaso Andreatta khuyến nghị.

Chính phủ có thể khuyến khích các DN lớn hướng sang ngành công nghiệp hiện đại - ảnh 2
Ảnh minh họa. Nguồn: internet 
Ông Tomaso Andreatta cũng cho rằng, Việt Nam cần tích cực tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nâng cao chất lượng, hiệu quả của nông nghiệp, dịch vụ công nghệ; khuyến khích công nghệ mới như xe chạy bằng điện hay ngành công nghiệp tạo nên giá trị gia tăng cao. Để làm được, Việt Nam cần một hệ thống bảo hộ trí tuệ, giải quyết tranh chấp nhanh và hiệu quả giữa các bên như trọng tài...

 Theo đồng Chủ tịch VBF, DN FDI cần đến thị trường Việt Nam, nhưng cần một nền tảng sản xuất. Tuy có các hiệp định FTA nhưng quá trình thực thi còn hạn chế. Nếu không có công nghệ và hạ tầng trong lĩnh vực năng lượng và giao thông thì sẽ không thu hút được nguồn vốn FDI mới.

Cần tạo một bước đột phá để cân bằng rủi ro, minh bạch về đấu thầu, đem đến cho Việt Nam nhiều nguồn lực, giảm thiểu rủi ro cho Chính phủ từ mô hình hợp tác công - tư (PPP), mô hình đã áp dụng hiệu quả và thành công ở các quốc gia khác.

Hướng đến tương lai, Việt Nam cần phải quan tâm hơn nữa đến việc bảo vệ môi trường. Người tiêu dùng không muốn mua sản phẩm ở quốc gia không bảo đảm môi trường. Việt Nam cần đi trước thực hiện hiệu quả yêu cầu này.

“Hiện nhiều DN FDI mong muốn mở rộng kinh doanh, Chính phủ cần làm cho Việt Nam hấp dẫn hơn thông qua việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cân bằng và mở cửa thị trường”, ông Tomaso Andreatta nói.