Chính phủ hỗ trợ tối đa 16 triệu đồng cho các hộ nghèo xây dựng nhà chống lũ
Những ngôi nhà chống lũ đã trở thành nơi trú ngụ của bà con miền Trung trong những ngày mưa bão, là "đai an toàn" chống chọi với thiên tai, lũ lụt.
Theo Tuổi trẻ, Bộ Xây dựng mới đây thông tin các hộ nghèo sẽ được Chính phủ hỗ trợ chi phí xây dựng các ngôi nhà chống lũ, bão theo chương trình Hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão lụt miền Trung. Trước đó, căn cứ theo Quyết định 45/2014 của Thủ tướng Chính phủ, các hộ nghèo thuộc vùng lũ các tỉnh như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi,... đã được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cũng như cho vay ưu đãi với mức lãi suất 3% để xây dựng, cải tạo nhà tránh lũ.
Tính đến tháng 9/2020, trên cả nước đã có hơn 170.000 hộ gia đình được hỗ trợ xây nhà chống lũ, chống bão (gồm 122.450 căn nhà xây dựng theo Chương trình hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định 22 năm 2013; 28.000 ngôi nhà được xây dựng theo Chương trình hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo Quyết định 33 2015 và khoảng 20.000 ngôi nhà phòng, tránh bão, lụt theo Quyết định 48 năm 2014). Cục phó Quản lý nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) ông Hà Quang Hưng nhận định, các Chương trình hỗ trợ nhà ở đã cung cấp nơi tránh lũ cho hàng trăm nghìn người dân khi mùa mưa bão đến, đảm bảo an toàn về tính mạng cũng như tài sản, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Các hộ nghèo của miền Trung sẽ được Nhà nước hỗ trợ 14 triệu đồng/ hộ với các hộ cư trú vùng khó khăn; 16 triệu đồng/ hộ với các hộ ở các khôn đặc biệt khó khăn và 12 triệu đồng/hộ với những hộ nghèo vùng lũ còn lại để xây nhà tránh bão lũ. Các hộ nghèo được hỗ trợ vay ưu đãi 15 triệu đồng/hộ với mức lãi suất 3% trong vòng 10 năm, thời gian ân hạn là 5 năm bắt đầu từ năm thứ 6, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 20% tổng số vốn đã vay, theo Tiền Phong.
Nhà chống bão, nhà chống lũ phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, mức sàn vượt lũ phải cao hơn mức ngập lụt cao nhất ở nơi xây dựng. Diện tích sàn rộng tối thiểu 10m2, móng, khung, sàn và mái phải được xây dựng kiên cố, trong đó: móng phải làm bằng bê tông cốt thép, gạch hoặc đá; cột tường làm bằng bê tông cốt thép, chất liệu sắt/thép bền chắc; sàn nhà cũng được làm bằng bê tông cốt thép hoặc gỗ bền chắc, nằm ở vị trí cao hơn mức ngập lụt tại địa phương.
Chính phủ cũng chỉ định, UBND cấp tỉnh cần yêu cầu cơ quan chức năng có thẩm quyền nghiên cứu, thiết kế ít nhất 3 mẫu nhà chống lũ, nhà tránh bão điển hình. Các mẫu thiết kế phải phù hợp với phong tục tập quán từng địa phương cũng như dự trù chi phí và vật liệu chủ yếu. Các mẫu thiết kế phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, chất lượng quy định đảm bảo và có chiều cao hợp lý để có thể chống trọi với mưa bão, lũ lụt.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, rạng sáng ngày 28/10, bão số 9 Molave đã đổ bộ ngay trên vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Sức gió mạnh nhất cấp 12 (115-135 km/h), giật cấp 15, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 20 - 25km/h. Dự kiến đến trưa ngày 28/10, tâm bão sẽ vào đến đất liền Đà Nẵng - Phú Yên, nhiều khả năng gây mưa to trên diện rộng, gió lốc, sóng dữ.
Theo báo cáo mới nhất về tình hình thiệt hại do bão lũ ở miền Trung, tại Quảng Ngãi đã có 2 người thiệt mạng. Danh tính của 1 trong 2 nạn nhân là anh Nguyễn Văn H. (SN 1981, xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành). Khi đang chằng chống nhà để ứng phó với bão số 9, anh H. đã không may bị ngã và tử vong sau đó. Trước đó, trong quá trình chạy tránh bão Molave, 2 tàu ngư dân tại Bình Đình đã gặp nạn chìm thuyền, hơn chục thuyền viên mất tích. Hiện 2 tàu kiểm ngư đang đi ngược hướng bão để tìm cách cứu hộ, truy tìm tung tích các ngư dân gặp nạn.
Linh Chi