Chính sách ưu đãi đầu tư vẫn nghiêng về địa bàn hơn lĩnh vực
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, sau 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu về số vốn đăng ký, vốn giải ngân.
Tuy nhiên, việc thu hút FDI còn nhiều hạn chế như chủ yếu gia công, tỉ lệ nội địa hoá thấp, chưa tạo liên kết với doanh nghiệp (DN) trong nước, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng.
“Các chính sách ưu đãi thuế đang nghiêng theo hướng ưu đãi địa bàn hơn là theo lĩnh vực. Việc áp dụng theo lĩnh vực còn nhiều khó khăn về thủ tục”, ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tư vấn Thuế Deloitte Việt Nam nhận định.
Đồng thời, ông Tuấn cho rằng, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao chưa có cơ chế ưu đãi hợp lý. Các mức chính sách ưu đãi thuế còn khá cứng nhắc, nhiều trường hợp các nhà đầu tư không tận dụng được ưu đãi thuế nên giảm sức hút đầu tư.
Phân tích kinh nghiệm và bằng chứng thực tế, ông Wim Douw, chuyên gia cao cấp về chính sách đầu tư, nhóm Ngân hàng Thế giới cho rằng ưu đãi đầu tư là một công cụ chính sách khá hạn chế và chỉ có thể hiệu quả trong những điều kiện rất cụ thể. Không thể đạt được mục tiêu phát triển thông qua các chính sách ưu đãi và dù có đạt được thì các chính sách và môi trường đầu tư nói chung đều phải thuận lợi.
Theo ông Wim Douw, mục tiêu của nhiều loại chính sách ưu đãi của Việt Nam vừa dàn trải, vừa có tính chất khá đa dạng. Một số chính sách ưu đãi còn chưa rõ ràng và chồng chéo giữa xúc tiến đầu tư FDI, tăng trưởng sâu và toàn diện, nâng cao công nghệ, tạo việc làm và các mục tiêu xã hội khác.
“Hiện nay, Việt Nam còn phụ thuộc khá nặng vào biện pháp miễn thuế có thời hạn cũng như thuế suất ưu đãi. Một giai đoạn miễn thuế có thời hạn ngắn, cố định có thể không mang lại lợi ích. Cơ chế chính sách hiện tại chỉ có thể phù hợp với thu hút FDI thế hệ một”, ông Wim Douw khẳng định.
Mấu chốt là tăng cường hiệu quả cải thiện chính sách ưu đãi
“Điểm mấu chốt không phải là đưa ra thêm các chính sách ưu đãi ngoài cơ chế hiện hành mà thay vào đó cần có định hướng tốt hơn và cải thiện các chính sách ưu đãi của Việt Nam để tăng cường hiệu quả hay “tương quan giữa giá trị và chi phí” của những chính sách đó”, ông Wim Douw khuyến nghị.
Cụ thể, Việt Nam nên cân nhắc chuyển dịch trọng tâm sang các công cụ chính sách “dựa trên hiệu quả”, đặc biệt là các công cụ khấu trừ thuế, trợ cấp thuế đầu tư hoặc khấu hao nhanh có liên hệ trực tiếp với mức đầu tư mà công ty thực hiện.
Cân nhắc cải thiện danh mục các ngành được hưởng ưu đãi nhằm xác định hiệu quả hơn những nhà đầu tư có phản hồi tốt nhất với các chính sách ưu đãi.
Ông Wim Douw cho rằng, quản lý các loại hình ưu đãi này tuy phức tạp hơn, nhưng sẽ hiệu quả cao hơn và ít gây ra những méo mó trong xúc tiến đầu tư từ khối kinh tế tư nhân.
Để khắc phục những bất cập trong chính sách ưu đãi đầu tư, bà Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính cho rằng trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, việc xây dựng các chính sách ưu đãi cần được xem xét trong bối cảnh phát triển kinh tế tổng thể của cả nước.
Cụ thể, việc ban hành chính sách mới (ưu đãi thuế, ưu đãi đầu tư...) cần tuân thủ nghiêm các nguyên tắc, cam kết mà Việt Nam đã thực hiện với các tổ chức quốc tế; bảo đảm mục tiêu công bằng và không có sự phân biệt đối xử với các DN nội.
Đồng thời, quy định về ưu đãi thuế nên được tập trung hơn, khắc phục tính dàn trải, phức tạp của các chính sách thuế hiện hành và tăng tính minh bạch, đồng bộ tránh chồng chéo.
Với những đánh giá, khuyến nghị trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng tin tưởng các cơ quan chức năng sẽ xây dựng chính sách thu hút FDI mới nhằm thu hút nhiều dự án đầu tư có chọn lọc, có công nghệ cao hơn trong thời gian tới.