Chính thức thông qua chủ trương xây dựng sân bay Sa Pa
Đầu tư theo hình thức BOT
Ngày 21/10, Phó thủ tướng Lê Văn Thành thừa ủy quyền Thủ tướng Phạm Minh Chính ký quyết định về chủ trương đầu tư dự án xây dựng cảng hàng không Sapa (Lào Cai). Dự án sẽ chia 2 giai đoạn đầu tư, dự kiến sử dụng 371 ha đất (giai đoạn 1 là 295,2 ha và giai đoạn 2 75,8 ha).
Giai đoạn 1 thực hiện từ năm 2021 gồm hạng mục xây dựng sân bay Sapa đạt chuẩn cảng hàng không cấp 4C (theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và là sân bay quân sự cấp II, có công suất 1,5 triệu hành khách mỗi năm.
Giai đoạn 2 xây dựng đầu tư từ năm 2028, sẽ hoàn thành các hạng mục để nâng công suất lên 3 triệu hành khách mỗi năm.
Theo quyết định của Thủ tướng, thời gian đầu tư xây dựng và khai thác dự án sân bay Sapa là 50 năm, trong đó xây dựng 4 năm và khai thác, thu hồi vốn 46 năm.
Do đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) nên toàn bộ dự án sẽ chia thành 2 dự án thành phần, gồm dự án giải phóng mặt bằng theo hình thức đầu tư công và xây dựng sân bay theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT.
Ước tính tổng mức đầu tư dự án này là 6.948 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 chiếm 60% vốn (4.183 tỷ đồng); 40% vốn còn lại ở giai đoạn 2, 2.765 tỷ đồng.
Nhà nước sẽ "góp" khoảng 2.730 tỷ đồng vào dự án này ở hạng mục giải phóng mặt bằng, tái định cư, hỗ trợ xây dựng hạ tầng... Số còn lại 4.218 tỷ đồng do nhà đầu tư huy động vốn.
Vốn góp giữa Nhà nước và nhà đầu tư sẽ được phân bổ đều trong 2 giai đoạn đầu tư dự án. Theo đó, ở giai đoạn 1 của dự án, Nhà nước góp 1.193 tỷ đồng (gồm 600 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, 593 tỷ ngân sách địa phương) và vốn của nhà đầu tư huy động 2.990 tỷ đồng. Còn giai đoạn 2, nhà đầu tư rót 1.228 tỷ đồng, Nhà nước rót 1.537 tỷ.
Thủ tướng giao UBND tỉnh Lào Cai chịu trách nhiệm toàn diện về các thông tin, số liệu trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án sân bay Sapa. Tỉnh cũng chịu trách nhiệm lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực làm dự án này, trên nguyên tắc công khai, minh bạch, hiệu quả và đúng tiến độ.
Cần nghiên cứu kỹ lưỡng
Từng cho ý kiến về dự án xây dựng này, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội cho rằng, cần rà soát lại quy hoạch sân bay Sapa trên tổng quy hoạch sân bay của cả nước.
“Hiện nay, giao thông đến Sapa đã khá thuận lợi với hệ thống đường bộ cao tốc, đường tàu hỏa. Việc xây dựng cảng hàng không với chi phí hàng nghìn tỷ đồng, liệu có thể khai thác hiệu quả?”, PGS.TS Bùi Thị An đặt câu hỏi.
Theo bà, cần rà soát lại các sân bay được đặt gần Sapa hiện nay và cân nhắc xem có nên tiếp tục xây dựng sân bay này nữa không? Tác động của một cảng hàng không đối với nền kinh tế địa phương là rất lớn. Nếu việc xây dựng một công trình tốn kém nhưng khó có thể đạt được hiệu quả kinh tế sẽ gây lãng phí rất lớn.
Nguyên ĐBQH Bùi Thị An cũng nêu lên thực trạng nhiều sân bay ở một số tỉnh thành Việt Nam rơi vào tình trạng vắng khách, thua lỗ triền miên.
“Quy hoạch Sapa cần gắn liền với quy hoạch chung của cả khu vực Tây Bắc và cả nước. Nếu chỉ đầu tư để phát triển hạ tầng mà không tính đến yếu tố phát triển lâu dài bền vững sẽ khó đảm bảo hiệu quả. Sapa cần có những đánh giá chính xác về nền công nghiệp không khói với những hệ thống hạ tầng cơ sở từng được xây dựng để đáp ứng phát triển du lịch như cáp treo, đường cao tốc. Cần xem xét những hạ tầng này đã khai thác hết công năng để mang lại hiệu quả chưa, lúc đó mới tính đến việc xây dựng cảng hàng không”, bà An nhấn mạnh.
Cũng theo tiến sĩ Bùi Thị An, cần đánh giá tác động của dự án sân bay Sapa trên cả 3 lĩnh vực là kinh tế - môi trường – xã hội. Phải đảm bảo cả 3 yếu tố này.
Đua nhau đề xuất xây sân bay
TS Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông cho rằng, đầu tư sân bay rất tốn kém và không chắc chắn đầu tư xong sẽ có hiệu quả, thực tế đa số sân bay của Việt Nam đều lỗ. Những năm gần đây, hàng không Việt Nam phát triển “nóng”, nên nhiều địa phương cũng muốn có sân bay. “Nếu đầu tư theo kiểu thấy tỉnh khác có mình cũng phải có sân bay chỉ… đốt tiền”, ông Đức nói.
Thay vì đầu tư sân bay, số tiền đó có thể làm đường bộ cao tốc kết nối sân bay với địa phương chưa có sân bay, sẽ đạt hiệu quả đa chiều hơn. Cũng theo ông Đức, trên thế giới, một quốc gia có thể có rất nhiều sân bay, đặc biệt là sân bay nhỏ. Còn Việt Nam xét về số lượng, số sân bay không nhiều. Tuy nhiên, ở các nước, máy bay gia đình rất phát triển để khai thác sân bay nhỏ, sân bay tư nhân, còn ở ta loại hình này vướng nhiều quy định và chưa thể phát triển, gây lãng phí các sân bay nhỏ. Vị chuyên gia cũng lưu ý tránh dẫn tới “quy hoạch treo”, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân.
Chuyên gia kinh tế, PGS. TS Ngô Trí Long góp ý thêm, câu chuyện các địa phương đua nhau làm bến cảng, sân bay đã từng xảy ra hơn 10 năm trước, nay không ít sân bay hoạt động cầm chừng, mỗi ngày chỉ có 1 chuyến bay, rất lãng phí. Cả nước hiện có 22 sân bay, nhưng chỉ 6-7 sân bay hoạt động có lãi, số còn lại đều lỗ. Do đó, quy hoạch sân bay cần thực tế, theo nhu cầu thị trường, người dân..., vì đầu tư sân bay rất tốn kém.
“Dù đầu tư từ vốn Nhà nước hay tư nhân, nếu không hiệu quả đều lãng phí nguồn lực xã hội. Đất nước còn nghèo, cần sử dụng hiệu quả. Cũng cần tránh đề xuất làm sân bay vì mục đích khác, như để kích cầu và đẩy giá bất động sản...”, ông Long nói. Theo ông Long, hàng không là phương tiện đi lại xa xỉ, không phải đa số người dân đều tiếp cận được.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không, Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM cho rằng: "Việc các tỉnh đua nhau xin chủ trương đầu tư sân bay, thì cần phải đặt ra câu hỏi: Có cần thiết không?".
"Nếu làm sân bay tại vị trí đề xuất thì vùng dân cư nào có nhu cầu sử dụng sân bay, hay là đón khách từ nơi khác đến sân bay đó. Như vậy, cần đặt ra nguyên tắc cho các sân bay hiện hữu cũng như quy hoạch trên toàn quốc", PGS.TS Tống cho hay.
PGS.TS. Tống lấy dẫn chứng: Sân bay Nội Bài và sân bay Thọ Xuân (Thanh Hoá) chắc chắn là đã được quy hoạch bao phủ cho cả dân cư vùng Ninh Bình rồi. Trong khi đó, tỉnh Ninh Bình giao thông rất thuận lợi khi các tuyến cao tốc đang được đầu tư, kết hợp với đường sắt, đường thuỷ đi qua tỉnh nối tới Thanh Hoá và Hà Nội. Theo đó, việc đầu tư sân bay tại Ninh Bình là không cần thiết.
Vị chuyên gia này đặt vấn đề, Bộ GTVT và Chỉnh phủ cần phải xem xét kỹ lượng việc quy hoạch sân bay. Đặc biệt, là cần làm rõ phía sau việc đề xuất xây dựng sân bay có phải là một chiêu thức vẽ quy hoạch để làm tăng giá trị đất hay không? Có hay không việc thổi giá đất lên cao nhằm phục vụ một nhóm lợi ích? Ngoài ra, cần phải xem có tình trạng vẽ dự án để thu hồi đất, sau đó lại điều chỉnh dự án chuyển đổi sang mục đích khác hay không?