(DNVN) - Chiều 19/11, với 92,99% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đặc xá (sửa đổi).
Luật Đặc xá (sửa đổi) gồm 6 chương, 39 điều, trong đó có những quy định đáng chú ý như điều kiện được đề nghị đặc xá và người được đặc xá trong trường hợp đặc biệt. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019.
Trước đó, trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình về dự luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Luật bổ sung không đề nghị đặc xá đối với người phạm tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tội chống phá cơ sở giam giữ.
Đồng thời, căn cứ vào tình hình cụ thể trong mỗi đợt đặc xá, Luật giao cho Chủ tịch nước quyết định không đặc xá đối với các trường hợp khác.
Điều kiện được đề nghị đặc xá được quy định tại Điều 11, trong đó, người được đề nghị đặc xá phải đảm bảo đủ các điều kiện như: Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt và được xếp loại chấp hành án phạt tù khá hoặc tốt theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự trong thời gian chấp hành án phạt tù trước khi có quyết định tạm đình chỉ; Đã có thời gian chấp hành án phạt tù quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này; các điều kiện quy định tại các Điểm c, d, đ, e và g Khoản 1 Điều này; Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật trong thời gian được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
Điều 22 quy định về “người được đặc xá trong trường hợp đặc biệt”. Cụ thể, trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu về đối nội, đối ngoại của Nhà nước, Chủ tịch nước quyết định đặc xá cho người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người đang được hoãn chấp hành án phạt tù, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người đang chấp hành án phạt tù chung thân mà không phụ thuộc vào các điều kiện quy định tại Điều 11 và Điều 12 của Luật này.
Liên quan đến điều kiện đặc xá, Luật quy định trường hợp Chủ tịch nước quyết định thời gian đã chấp hành án phạt tù ngắn hơn so với thời gian quy định khi thuộc một trong các trường hợp như: Người đang mắc bệnh hiểm nghèo; người đang ốm đau thường xuyên mà không tự phục vụ bản thân có kết luận của Hội đồng giám định y khoa, Bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở lên; Người từ đủ 70 tuổi trở lên; Phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi đang ở với mẹ trong trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ; Có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và bản thân là lao động duy nhất trong gia đình, có xác nhận của UBND cấp xã nơi gia đình người đó cư trú...
Một điểm đáng chú ý nữa là việc Luật quy định trường hợp được đề nghị đặc xá dù mới chỉ thi hành được một phần nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác nhưng do lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn thuộc trường hợp chưa có điều kiện thi hành tiếp phần còn lại theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự đối với người bị kết án phạt tù.
Trường hợp phải thi hành nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác đối với tài sản không thuộc sở hữu của Nhà nước thì phải được người được thi hành án đồng ý hoãn thi hành án hoặc không yêu cầu thi hành án đối với tài sản này. Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, có ý kiến đề nghị làm rõ cơ quan nào có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc người được đặc xá phải thực hiện cam kết về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác và chế tài xử lý nếu người được đặc xá không thực hiện sau khi được đặc xá.