Chọn Việt Nam là ngôi nhà để đầu tư hợp tác, EuroCham đề xuất giải pháp
Ông Tomaso Andreatta cho rằng Việt Nam có nhiều kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu thông qua EVFTA, đặc biệt trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang gia tăng nhiều biện pháp bảo hộ. Tuy nhiên, để tận dụng được tối đa lợi thế, Việt Nam cần cải cách khung pháp lý, đặc biệt là mô hình hợp tác công tư (PPP); phát triển cơ sở hạ tầng.
“Chính phủ và doanh nghiệp cần có mối tin tưởng lâu dài, cần minh bạch để thúc đẩy. PPP không thể được điều chỉnh bởi quy định pháp lý thông thường. Chính sách pháp luật của Việt Nam trong thời gian tới cần khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo với chiến lược công bằng khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân”, ông Tomaso Andreatta nói.
Ghi nhận vai trò quan trọng của công nghệ thông tin và đổi mới công nghệ cao đã và đang góp phần thúc đẩy hành trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong 25 năm, ông Denis Brunetti cam kết hỗ trợ chương trình, kế hoạch của Chính phủ Việt Nam phát triển công nghiệp 4.0.
Đề xuất bằng văn bản lên Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2019, hai đại diện cho EuroCham là ông Nicolas Audier và ông Denis Brunetti đều là đồng Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đã đưa ra những vấn đề cụ thể, trên từng lĩnh vực.
Cụ thể hơn, ông Nicolas Audier mong muốn Chính phủ Việt Nam cân nhắc các vấn đề liên quan đến lĩnh vực y, dược, ô tô, xe máy, rượu vang và rượu mạnh, giấy phép cho người lao động nước ngoài, vi phạm bản quyền trực tuyến.
Về ngành dược, trang thiết bị y tế, để đảm bảo khung pháp lý được thực thi hiệu quả nhất có thể, đại diện EuroCham đề nghị có một giai đoạn chuyển đổi khả thi, có thể đoán định để đảm bảo các công ty có thể tiếp tục hoạt động với những tiêu chuẩn cao và mang đến những giải pháp điều trị tốt nhất. Cần những quy chế nhất quán giữa các bộ, cũng như các giải pháp lâu dài và vững bền, liên quan tới mô hình đặt máy và việc quản lý các máy đã được lắp đặt tại các bệnh viện.
Về ô tô, xe máy, ông Nicolas Audier đề xuất Bộ Giao thông vận tải xác định những công ty nhập khẩu có hồ sơ theo dõi tốt về tuân thủ kỹ thuật. Khắc phục sự khác biệt trong định nghĩa được sử dụng, việc thiếu các trung tâm kiểm định xe có thẩm quyền, giai đoạn chuyển tiếp chưa đủ…
Đối với mặt hàng rượu vang và rượu mạnh, Chính phủ Việt Nam nên cân nhắc lệnh cấm buôn bán đồ uống có cồn qua mạng. Lệnh cấm này không thống nhất với xu hướng thương mại điện tử và không giúp giải quyết các vấn đề về lạm dụng đồ uống có cồn.
Về vấn đề giấy phép cho người lao động nước ngoài, đây vẫn là thủ tục mất nhiều thời gian do quy trình hợp pháp hóa giấy tờ phức tạp ở các quốc gia khác nhau. Đại diện EuroCham đề nghị Chính phủ mở rộng khái niệm thuyên chuyển nội bộ và cho phép quy trình thủ tục nhanh cấp giấy phép lao động. Nên có giải pháp thay thế giúp cho các lao động nước ngoài có thể được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần khi quay về nước.
Vi phạm bản quyền trực tuyến cần được xử lý nghiêm ngặt hơn thông qua Luật Sở hữu trí tuệ, tăng tiền phạt hành chính và tăng cường môi trường thực thi. Chính phủ có thể cân nhắc áp dụng một hệ thống phân loại dữ liệu, theo đó, chỉ có dữ liệu an ninh quốc gia mới lưu trữ tại Việt Nam, nhằm giúp đất nước duy trì lợi thế cạnh tranh trong khu vực.