Chủ động ứng phó với siêu bão YAGI, tập trung cao độ để đảm bảo truyền tải an toàn, liên tục, ổn định
Tham gia đoàn công tác có lãnh đạo các Ban chuyên môn của EVNNPT, lãnh đạo Công ty Truyền tải điện 1. Đoàn công tác đã đến kiểm tra tại Trạm biến áp 220kV Quảng Ninh, Trạm biến áp 500kV Quảng Ninh, Đường dây 220kV Quảng Ninh – Cẩm Phả thuộc Truyền tải điện Đông Bắc 1; Trạm biến áp 220kV Đồng Hòa, Trạm biến áp 220kV Đình Vũ thuộc Truyền tải điện Đông Bắc 2; Trạm biến áp 220kV Thái Thụy thuộc Truyền tải điện Ninh Bình.
Mọi công tác chuẩn bị ứng phó hoàn tất trước 12h ngày 6/9
Báo cáo trước đoàn công tác, lãnh đạo các đơn vị cho biết: Để chủ động ứng phó với bão số 3, các đơn vị đã chủ động chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm với phương châm 4 tại chỗ, đảm bảo quân số ứng trực đáp ứng yêu cầu xử lý khi có sự cố trong các ngày có mưa bão.
Cập nhật thông tin theo dõi sát tình hình diễn biến của cơn bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời có biện pháp chủ động ứng phó với diễn biến của cơn bão, đồng thời phân công lãnh đạo thực hiện trực tăng cường 24/24h trong các ngày diễn ra cơn bão.
Các Đội Truyền tải điện kiểm tra trang thiết bị vật tư dự phòng, hệ thống chiếu sáng di động, phương tiện cơ giới, hậu cần, trang thiết bị BHLĐ, trang bị dụng cụ an toàn đảm bảo đầy đủ đáp ứng yêu cầu khi có sự cố xảy ra. Triển khai kiểm tra chằng néo khu vực văn phòng đội đảm bảo an toàn khi có giông lốc, có phương án di rời tài sản khi có nguy cơ ngập úng mưa lớn kéo dài. Chủ động thực hiện công tác kiểm tra hành lang các tuyến đường dây, khắc phục xử lý ngay các vị trí, khoảng cột có nguy cơ gây sự cố như vị trí có cây cao nguy hiểm, mái tôn gần hành lang, dây dẫn có nguy cơ bị văng lắc vi phạm khoảng cách khi có gió lốc, các vị trí pha - đất thấp.
Đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc đảm bảo thông suốt, các phương tiện cơ giới chuẩn bị sẵn sàng khi cần. Chủ động liên hệ phối hợp với đơn vị bạn và Ban chỉ huy PCTT và TKCN tại địa phương để được hỗ trợ khi địa hình, đường giao thông bị chia cắt.
Các trạm biến áp đã được kiểm tra hàng lang quanh khu vực trạm, có biện pháp xử lý, chặt tỉa cây để đảm bảo an toàn khi có giông lốc. Chủ động kiểm tra, khơi thông hệ thống thoát nước, chạy thử hệ thống bơm nước cưỡng bức ở những trạm có nguy cơ ngập úng, phòng tránh nguy cơ ngập úng cục bộ…
Thực hiện ngay việc kiểm tra, chằng néo tủ bảng thiết bị ngoài trời, chằng néo bổ sung mái tôn, cửa ra vào nhà thiết bị ngoài trời, các công trình đang xây dựng (nếu có) đảm bảo an toàn không bị bay, văng bắn lên thiết bị khi có gió lốc xảy ra. Rà soát vật tư dự phòng hiện có đảm bảo cung cấp đầy đủ để khi có sự cố xảy ra. Kiểm tra, đả bảo sự sẵn sáng làm việc của các máy phát điện, hệ thống tự dùng AC, DC, hệ thống thông tin, đường truyền tín hiệu. Các Tổ Thao tác lưu động sẵn sàng chuyển sang chế độ có người trực khi có ảnh hưởng của bão theo quy định.
Lãnh đạo các Truyền tải điện đều khẳng định mọi công tác chuẩn bị ứng phó sẽ được hoàn tất vào trưa ngày 6/9/2024 để sau đó tập trung công tác ứng phó.
Đặc biệt chú trọng vị trí xung yếu, những trạm biến áp có nguy cơ ngập úng
Tại buổi kiểm tra, Tổng giám đốc EVNNPT Phạm Lê Phú ghi nhận các đơn vị đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước bão số 3. Tổng giám đốc EVNNPT nhấn mạnh đây là cơn bão được dự báo rất mạnh, tác động trực tiếp vào khu vực Bắc Bộ nước ta, vì vậy các đơn vị cần tập trung cao độ, không được chủ quan, lơ là.
Trong đó các đơn vị thường xuyên cập nhật tình trạng di chuyển của bão để chủ động có biện pháp ứng phó trên lưới truyền tải điện. Trong đó tập trung kiểm tra hành lang các tuyến đường dây, trạm biến áp. Xử lý triệt để các vị trí có cây cao nguy hiểm, mái tôn, nhà bạt, vật bay gần hành lang, dây bị văng lắc, các vị trí pha-đất thấp, trạm ngập úng…
Đối với các vị trí xung yếu, Công ty Truyền tải điện 1 và các Truyền tải điện cần chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện...chủ động lập, duyệt để triển khai phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống sạt lở/sụt lún/nghiêng cột... với phương án dự phòng rủi ro cao nhất. Tổ chức thực hiện nạo, vét, khơi thông bổ sung để hướng dòng chảy ra xa khu vực đã bị sạt lở, phủ bạt khu vực sạt lở, sụt lún… Các trạm biến áp 220kV-500kV kiểm tra thiết bị, các tủ điều khiển, bảo vệ ngoài trời, hộp nối không để mưa hắt gây chạm chập... nếu có khiếm khuyết phải có biện pháp gia cố khắc phục ngay. Kiểm tra hệ thống thoát nước, hệ thống bơm chống úng… nhất là các trạm đã bị ngập úng trước đây.
Đối với các đơn vị nằm trong khu vực bị ảnh hưởng, Tổng giám đốc EVNNPT yêu cầu tổ chức ứng trực 24/24, đảm bảo công tác ứng phó 4 tại chỗ, thông tin liên lạc, nắm bắt tình hình nhanh những bất thường trên lưới điện (nếu có) báo cáo về Công ty.
Ngoài ra, Tổng giám đốc EVNNPT yêu cầu các đơn vị chủ động phối hợp với các đơn vị bạn sẵn sàng hỗ trợ PTC1 khắc phục sự cố như Công ty Dịch vụ kỹ thuật Truyền tải điện và các công ty truyền tải điện, các công ty điện lực, các doanh nghiệp xây lắp trên địa bàn để khắc phục trong thời gian nhanh nhất.