Chủ nghĩa bảo hộ, suy giảm kinh tế và thế khó cho DN xuất khẩu sang Mỹ

17:16 | 06/04/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam, PGS.TS Tô Trung Thành - Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng đây là những vấn đề mà doanh nghiệp Việt đang phải đối mặt không chỉ trong tâm bão COVID-19 …

Chủ nghĩa bảo hộ, suy giảm kinh tế và thế khó cho DN xuất khẩu sang Mỹ - ảnh 1
PGS.TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Trường ĐHKTQD. Ảnh: LeCerne Creative Hubs.
Thưa PGS.TS Tô Trung Thành, ông là đồng chủ biên của Báo cáo Đánh giá Kinh tế thường niên của Việt Nam 2019, một ấn phẩm đặc sắc của Đại học Kinh tế Quốc dân sắp công bố, trong đó, đề cập sâu tới chủ nghĩa bảo hộ và tác động tới kinh tế Việt Nam. Xin ông đưa ra một số điểm nhấn về vấn đề này?

PGS.TS Tô Trung Thành: Kể từ sau khủng hoảng tài chính thế giới 2008-2009, đặc biệt là từ năm 2016, thế giới đang chứng kiến xu hướng gia tăng mạnh mẽ của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Một số nền kinh tế vốn đi đầu trong tự do hóa thương mại trước đây (như Mỹ, Anh, v.v.) đã có nhiều động thái hạn chế thương mại. Các nền kinh tế lớn ở phương Tây có sự chia rẽ nội bộ sâu sắc về nhiều vấn đề liên quan đến toàn cầu hóa và tự do thương mại, nổi lên là các vấn đề như nhập cư và việc làm.

Dấu ấn nổi bật nhất của chủ nghĩa bảo hộ chính là những động thái của Mỹ. Ngay khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trump đã hành động chống lại các nguyên tắc thương mại tự do (đặc biệt là các thỏa thuận thương mại tự do đa phương) thông qua việc ký sắc lệnh Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), leo thang chiến tranh thương mại với Trung Quốc, và thậm chí là đề xuất cải tổ WTO. Trong các năm 2017-2019, Mỹ không ngừng gia tăng căng thẳng thương mại với các đối tác; các điểm nóng về căng thẳng thương mại hầu hết đều có sự khởi xướng của Mỹ. Với việc tiếp tục tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2021-2024, ông Donald Trump nhiều khả năng sẽ tiếp tục vận động và thực thi các chính sách theo hướng bảo hộ. Các FTA mà Mỹ có thể đạt được với các đối tác sẽ không còn nhiều tính chất thúc đẩy tự do thương mại, mà sẽ tập trung hơn vào tác động chuyển hướng thương mại và mang lại lợi ích trực tiếp cho Mỹ.

Châu Âu cũng phải đối mặt với những rủi ro liên quan đến tiến trình Brexit. Quá trình đàm phán của Anh về việc rời khỏi EU còn có thể còn kéo dài, thậm chí có những khúc quanh. Bản thân phạm vi và lộ trình đàm phán Anh rời khỏi EU còn khá nhiều bất định, kéo theo những rủi ro không nhỏ đối với triển vọng đầu tư – thương mại liên quan đến các thị trường này.

Ngay ở khu vực châu Á, xu hướng bảo hộ mậu dịch cũng gia tăng. Một số nước châu Á thậm chí sẵn sàng vi phạm quy định của WTO để bảo hộ sản xuất trong nước như Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, v.v... Tiến trình đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) liên tục phải kéo dài, và gặp khó khăn ngay cả trong đàm phán về cam kết mở cửa thị trường. Bản thân Trung Quốc cũng không ngần ngại leo thang căng thẳng thương mại với Mỹ, với không ít động thái can thiệp mang tính bảo hộ nhằm giữ thị phần trong nước cho các DN nội địa. Ngày càng nhiều nước quay trở lại chính sách thúc đẩy sản xuất hàng hóa công nghiệp để thế chân hàng nhập khẩu, thắt chặt quy định về tỷ lệ nội địa hóa và trợ giá hàng xuất khẩu, dựng nên các rào cản thương mại để bảo vệ nền sản xuất trong nước.

Chủ nghĩa bảo hộ lên ngôi sẽ dẫn đến nguy cơ kích hoạt cuộc chiến thương mại lan rộng và sẽ dẫn đến những hệ lụy rất tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế thế giới. Rõ nét nhất là căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong những năm gần đây. Rủi ro chiến tranh tiền tệ chưa lớn, nhưng cũng không thể loại trừ.

Xu hướng bảo hộ và chống tự do hóa thương mại đa phương khó có thể được đảo ngược trong vòng 5-7 năm tới. Trong chừng mực ấy, việc làm sâu sắc hóa chuỗi giá trị và dựa vào nhập khẩu đầu vào để xuất khẩu trở nên kém khả thi hơn. Theo đó, nhu cầu tín dụng cho DN nói chung và tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu nói riêng có thể bị suy giảm.

Kinh tế Việt Nam hiện nay đang phụ thuộc khá lớn vào tình hình biến động của kinh tế thế giới, với độ mở của nền kinh tế tính theo quy mô xuất nhập khẩu/GDP đã lên đến gần 200%. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm 2020 tiếp tục suy giảm bởi nhiều nguyên nhân, trong đó bao trùm nhất vẫn là rủi ro từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung kéo dài và dịch COVID-19. Với những cú sốc bên ngoài và khả năng chống đỡ còn nhiều hạn chế, xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng tiêu cực.

Doanh nghiệp đang chịu tác động không nhỏ khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ, không chỉ vì COVID-19 mà còn trước khả năng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến khó lường. Theo ông, những rủi ro nào doanh nghiệp Việt sẽ phải đối mặt khi xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ?

PGS.TS Tô Trung Thành: Những ngày qua, do tác động của dịch COVID-19, doanh nghiệp Việt gặp không ít khó khi xuất khẩu sang Mỹ, đây có thể là trong ngắn hạn nếu dịch bệnh mau qua đi. Tuy nhiên, về trung và dài hạn, với khả năng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung còn diễn biến khó lường, có ba rủi ro lớn mà các doanh nghiệp Việt phải đối mặt.

Thứ nhất là rủi ro về xuất xứ hàng hóa. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể khiến nhiều DN Trung Quốc có nhiều thủ thuật để thay đổi nguồn gốc xuất xứ sang Việt Nam, sau đó xuất khẩu sang Mỹ nhằm tránh thuế. Vấn đề “rửa xuất xứ” này có rủi ro là hàng hóa Việt Nam có thể sẽ bị điều tra về xuất xứ, hình ảnh hàng hóa Việt Nam bị ảnh hưởng, và thậm chí có thể sẽ bị trừng phạt cho tất cả các hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam. Thực tế cho thấy trong thời gian qua, có sự gia tăng đột biến xuất khẩu mặt hàng gỗ dán từ Việt Nam sang Mỹ, trong khi đồng thời Việt Nam nhập khẩu giá trị lớn gỗ dán từ Trung Quốc.

Thứ hai là những rủi ro chung từ quan điểm chính sách bất định của Mỹ và rủi ro các biện pháp bảo hộ leo thang (cả về phạm vi và mặt hàng). Hiện nay, Mỹ đặt ra rất nhiều quy định chặt chẽ đối với hàng nhập khẩu, bên cạnh những quy định chung thì các tiểu bang cũng có những quy định riêng về tiêu chuẩn hàng hóa. Những tiêu chuẩn và quy định mới cũng phức tạp hơn về chất lượng hay nguồn gốc sản phẩm.

Thứ ba, Việt Nam chịu tác động gián tiếp từ leo thang căng thẳng Mỹ-Trung do suy giảm nhu cầu bên ngoài. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tăng lên có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi toàn cầu và hạ thấp tổng cầu, tác động trực tiếp đến xuất khẩu nói chung của Việt Nam và xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ nói chung (trong bối cảnh độ mở kinh tế lớn như hiện nay). Ngoài ra, Việt Nam đang ngày càng tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu dẫn dắt bởi các nền kinh tế lớn. Với những bất ổn của xu hướng thương mại và đầu tư thế giới, các chuỗi sản xuất này có thể bị ảnh hưởng, thậm chí gián đoạn ở những khâu sản xuất ở Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!