Chuyên gia: Khả năng ông Trump không áp thuế đáng kể với hàng Việt Nam

Diên Vỹ 15:15 | 17/02/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo các chuyên gia từ TPS, có nhiều nguyên nhân khiến Việt Nam có khả năng không phải đối tượng bị áp thuế đáng kể trong nhiệm kỳ Trump 2.0.

 

Việt Nam có thể không bị áp thuế đáng kể trong nhiệm kỳ Trump 2.0

Một trong những tâm điểm của thị trường tài chính toàn cầu trong những tuần gần đây là việc Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức nhậm chức, cùng đó tái khởi động chính sách áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu mà ông đã cảnh báo trước đó.

Trong tháng 1/2025, Chính quyền Trump công bố kế hoạch áp thuế 60% lên tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm các sản phẩm công nghệ, điện tử và dệt may. Bước sang tháng 2/2025, ông Trump tiếp tục ký sắc lệnh áp thuế mới lên hàng hóa nhập khẩu từ Canada, Mexico và Trung Quốc. Sau đàm phán, Mỹ tạm hoãn áp thuế đối với Mexico và Canada trong vòng một tháng, với điều kiện hai nước này đồng ý tăng cường kiểm soát biên giới để hạn chế nhập cư bất hợp pháp và chống buôn lậu. Mức thuế tăng thêm với hàng hóa Trung Quốc vẫn được duy trì.

Khi hàng rào thuế quan của Mỹ làm xôn xao thị trường toàn cầu, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) trong một phân tích mới cập nhật hồi giữa tháng 2/2025 đã chỉ ra 4 nguyên nhân khiến các chuyên gia cho rằng Việt Nam sẽ không phải đối tượng bị áp thuế đáng kể trong nhiệm kỳ Trump 2.0.

Theo đó, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là Việt Nam không bị cáo buộc thao túng tiền tệ hoặc thương mại không công bằng. Cụ thể, dù có một số cảnh báo về tỷ giá hối đoái nhưng Việt Nam không bị Mỹ cáo buộc mạnh mẽ và chưa đến mức bị trừng phạt nghiêm trọng. Cùng đó, Việt Nam cũng đã có những bước điều chỉnh về chính sách tiền tệ và ngoại hối để tránh bị Mỹ xếp vào danh sách thao túng tiền tệ.

Một nguyên nhân đáng kể khác, theo các chuyên gia, là việc Việt Nam không phải là đối thủ chiến lược của Mỹ. Việt Nam hiện được Mỹ xem như một đối tác có tiềm năng trong khu vực Đông Nam Á, giúp cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc. Ngược lại, Trung Quốc - một trong những quốc gia mà ông Trump tăng cường hàng rào thuế quan - không chỉ là đối tác thương mại lớn của Mỹ mà còn là đối thủ chiến lược trong nhiều lĩnh vực như công nghệ, quân sự, chính trị. 

Trong khi Mỹ lo ngại việc Trung Quốc có thể "lách thuế" bằng cách xuất khẩu hàng hóa qua Việt Nam; chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với gian lận xuất xứ hàng hóa, thông qua tăng cường kiểm soát doanh nghiệp FDI để tránh việc lợi dụng Việt Nam làm trung gian xuất khẩu.

Cuối cùng, các chuyên gia đánh giá bản thân nước Mỹ cũng có lợi ích trong việc giữ quan hệ tốt với Việt Nam. Lợi ích này không chỉ đến từ việc Việt Nam là đối tác quan trọng của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á, đặc biệt trong chiến lược kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc; mà thực tế, Mỹ hiện cũng có nhu cầu nhập khẩu nhiều mặt hàng từ Việt Nam như dệt may, điện tử, đồ gỗ, nông sản (cà phê, cá tra…). Việc áp thuế mạnh chắc chắn sẽ gây ra tác động đến chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Mỹ.

Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ có cơ hội tăng mạnh 

Trước nguy cơ chiến tranh thương mại từ hàng rào thuế quan của Tổng thống Trump, nhóm phân tích TPS đã chỉ ra cơ hội cho xuất khẩu của Việt Nam.

Theo các chuyên gia, với việc Mỹ áp thuế cao lên hàng Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp sẽ tiếp tục tìm kiếm nguồn cung thay thế để tránh chi phí nhập khẩu đắt đỏ. Trong bối cảnh đó, Việt Nam, với các lợi thế như chi phí sản xuất cạnh tranh, quan hệ thương mại thuận lợi với Mỹ và sự phát triển mạnh mẽ của ngành sản xuất, sẽ tiếp tục hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng.

 Ảnh: TPS

 

“Thực tế, Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ rất cao trong giai đoạn trước, và xu hướng này sẽ tiếp tục khi nhiều công ty lựa chọn Việt Nam là điểm đến sản xuất mới. Chúng tôi cho rằng nếu duy trì chính sách thương mại linh hoạt, kiểm soát tốt nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và tận dụng cơ hội từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, Việt Nam sẽ củng cố vị thế là trung tâm sản xuất quan trọng trong khu vực, tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong xuất khẩu sang thị trường Mỹ”, báo cáo của TPS nhấn mạnh.

Báo cáo của TPS cũng liệt kê hai ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là Thủy sản và Dệt may trong số 4 nhóm ngành được hưởng lợi lớn nhất trong nhiệm kỳ Trump 2.0.

Với ngành Thủy sản, tác động hưởng lợi sẽ đến nhờ hiệu ứng thay thế thị phần của nhà xuất khẩu Trung Quốc bị đánh thuế. Các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, đặc biệt là cá da trơn, được dự báo có thể gia tăng xuất khẩu sang Mỹ khi sản phẩm thủy sản Trung Quốc gặp rào cản thuế quan. 

Thực tế, trước khi ông Trump chính thức nhậm chức, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ đang gặp nhiều thuận lợi. Đến hết tháng 11/2024, xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng sang Mỹ đạt hơn 12 triệu USD, mức cao nhất trong 10 năm qua.

Với ngành Dệt may, Việt Nam hiện là nhà cung cấp dệt may lớn thứ hai cho thị trường Mỹ, chỉ sau Trung Quốc. Việc Mỹ áp thuế cao đối với hàng dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc được dự báo đã và sẽ tiếp tục tạo lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm từ Việt Nam, góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành tăng trưởng khoảng 10% năm 2025, đưa kim ngạch xuất khẩu ước đạt 47-48 tỷ USD.

Cùng với hai ngành xuất khẩu chủ lực là Thủy sản và Dệt may, hai nhóm ngành khác được dự báo sẽ đón tín hiệu tích cực là Bất động sản Khu công nghiệp và Logistics - Vận tải nhờ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam và các quốc gia ASEAN khác trong bối cảnh căng thẳng thương mại khiến nhiều doanh nghiệp tìm kiếm địa điểm sản xuất thay thế ngoài Trung Quốc để tránh thuế quan cao.