Chủ tịch Ba Huân: Không tăng giá để người lao động có nồi thịt kho hột vịt vào dịp Tết
Theo bà Huân, Tết cổ truyền là tết của người Việt và gia đình nào cũng không thể thiếu nồi thịt kho hột vịt. Do đó, "trứng là mặt hàng bình ổn của tôi mười mấy năm nay nên nguồn dự trữ của chúng tôi đến thời điểm hiện tại đã đạt 90%."
Người đứng đầu thương hiệu trứng này cho biết, nhiều năm qua, công ty không bao giờ thiếu trứng bình ổn trên quầy kệ. Do đó, vào dịp Tết năm nay, công ty vẫn sẽ duy trì cách làm này.
"Hai ngày cận Tết, năm nào cũng vậy, tôi đều giảm giá cho người tiêu dùng, công nhân, lao động nghèo… Họ lãnh lương trễ, đi chợ trễ. Tôi giảm từ 2.000 đồng mỗi hộp trứng để làm sao người lao động được hưởng một cái Tết đầm ấm của đất nước mình", bà Ba Huân chia sẻ.
Hơn 50 năm kinh doanh trứng, từ thúng hàng cho tới gầy dựng được nhà máy công nghệ hiện đại, bà Ba Huân cho biết thời điểm giãn cách xã hội, nhờ sự hỗ trợ của kênh phân phối, Ba Huân vẫn giữ giá trứng ở mức ổn định.
Theo nữ hoàng hột vịt, thời điểm giá cả leo thang, một chục trứng ngoài thị trường có giá hơn 30.000 đến hơn 40.000 đồng, nhưng công ty Ba Huân vẫn kiên quyết bán 28.000 đồng/chục.
"Tôi cương quyết không tăng giá. Tôi biết tăng giá mỗi ngày chúng tôi sẽ kiếm được thêm 200 triệu đồng, cả tháng như vậy thì tôi kiếm biết bao nhiêu tiền? Nhưng tôi nghĩ nhiều doanh nghiệp có tiền, tặng mua vắc xin, khẩu trang... còn tôi thì có tấm lòng và ngành nông nghiệp của chúng tôi rất vất vả thì tôi đâu có tiền mặt lớn để tặng, nên tôi tặng bằng giá trứng", bà Ba Huân trải lòng.
Vị nữ Chủ tịch cho rằng trứng là mặt hàng có thể bảo quản mà không cần tủ lạnh, như vậy sẽ có lợi cho người lao động, không đủ điều kiện bảo quản. Dịch bệnh khiến công ty gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu hụt nhân sự nên phải chi hàng chục tỷ đồng để nhập dây chuyền sản xuất tự động để phục vụ.
"Nhưng ngành nghề này tạo cho tôi từ một người buôn gánh bán bưng, 50 năm, tôi không thể nào bỏ ngành nghề này được. Tôi cương quyết phải làm bằng cách nào đó giữ giá và bình ổn với thành phố như nhiều năm nay công ty tôi vẫn làm", bà Ba Huân nói.
"Tôi nghĩ tôi mua bán cả cuộc đời chứ ko phải 1 năm, 2 năm hay 1 tháng, 2 tháng", Chủ tịch Ba Huân chia sẻ.
Trước đó, ở thời điểm TP HCM thực hiện giãn cách xã hội, mặc dù doanh nghiệp áp dụng 3 tại chỗ, chi phí tăng và Sở Công thương TP HCM cho phép Ba Huân tăng giá 2.000/hộp, tức mỗi ngày, Ba Huân có thể thu thêm 200 triệu mỗi ngày nhưng công ty này cho biết họ quyết giữ giá vì quan điểm: "Người nghèo mới cần trứng".
Cũng nói về thực trạng cung ứng hàng hoá dịp tết năm nay, trao đổi tại sự kiện, ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc CTCP Kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho biết công ty đã chuẩn bị tương đối đầy đủ hàng hóa.
Đến thời điểm này, doanh nghiệp đã chuẩn bị khoảng 2.800 tấn mặt hàng tươi sống, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái và mặt hàng thực phẩm chế biến là 4.200 tấn, tăng 6% so với cùng kỳ.
"Với sản lượng này, chúng tôi cam kết đủ cung ứng hàng cho TP HCM nói riêng và cả nước nói chung (trong dịp Tết)", ông Dũng cho biết. Ngoài ra, Vissan cho biết công ty đã dự trữ khoảng 1.000 tấn thịt heo đông lạnh, dự trù cho trường hợp biến động nguồn thịt trên thị trường dịp cuối năm.
"Chúng tôi cam kết trong dịp trước, trong và sau Tết sẽ bình ổn giá thị trường và đảm bảo cung ứng nguồn hàng đầy đủ đến người tiêu dùng", Phó Tổng Giám đốc Vissan cam kết.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cũng cho biết đơn vị này không chỉ cung cấp đủ "nồi thịt kho trứng" mà còn đủ đầy mâm ngũ quả trên bàn thờ cúng gia tiên. Tết năm 2022 sẽ không thiếu thứ gì, một cái Tết thực sự sung túc, no ấm, đủ đầy.