Chủ tịch CEO Group ủng hộ đánh thuế 20% lãi chuyển nhượng bất động sản

Đông Bắc 20:08 | 08/05/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 lần 2, ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị CEO Group đã đưa ra nhận định về việc Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế 20% trên lãi chuyển nhượng bất động sản.

Sáng 8/5, CTCP Tập đoàn C.E.O (CEO Group, mã: CEO) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2025 lần 2. Trong phiên thảo luận, khi được hỏi về việc Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế 20% trên lãi chuyển nhượng bất động sản, ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị CEO đánh giá, việc này còn nhiều thứ phải tranh luận, nhiều thủ tục cần hoàn thiện.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cũng nhấn mạnh quan điểm ủng hộ việc đánh thuế, đồng thời cho rằng nên quy định rõ mức thuế và thời gian triển khai phải phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và thu nhập, văn hoá của người dân.

"Nếu đánh thuế hạn chế đầu cơ, điều tiết được cung - cầu, có nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, mà người dân vẫn tiếp cận được nhà ở, doanh nghiệp có thể phát triển dự án thì đó là một điều tốt”, ông Bình nói.

 Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 của CEO Group. (Ảnh: H.L).

Cổ đông thắc mắc về những thuận lợi, khó khăn của tập đoàn trong việc triển khai kế hoạch 2025, trả lời nội dung này, Chủ tịch CEO Group cho hay, năm 2025 là năm cộng đồng doanh nghiệp có thuận lợi chưa từng có.

Lãnh đạo Nhà nước đã thông qua định hướng mới, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Để làm đất nước phát triển chính sách pháp luật, thể chế cần được cải thiện thiện, cởi mở hơn.

Điều này thể hiện thông qua các bộ luật quan trọng như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư… và các văn bản được ban hành trong thời gian qua.

Khi được hỏi về kế hoạch kinh doanh năm 2025, Chủ tịch CEO chia sẻ, doanh thu và lợi nhuận năm nay đến từ 3 lĩnh vực chính là bất động sản, xây dựng, dịch vụ và các dự án trọng điểm là Sonasea Vân Đồn Harbor City và cho thuê văn phòng tại tháp CEO…

Báo cáo tại đại hội, ông Cao Văn Kiên, Tổng Giám đốc CEO Group, cho biết năm 2025, bức tranh thị trường bất động sản Việt Nam được dự báo có tín hiệu tích cực và khởi sắc hơn năm 2024 nhờ hành lang pháp lý vững vàng, triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế và niềm tin của nhà đầu tư đã trở lại.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn, với nhiều yếu tố tác động đến thị trường như: nhiều chính sách mới được ban hành, việc sáp nhập các bộ, ngành, nguy cơ chiến tranh thương mại, áp lực đến hạn thanh toán nợ trái phiếu…

Trước tình hình đó, Tập đoàn CEO đặt mục tiêu doanh thu năm nay là 1.543 tỷ đồng (giảm 27% so với kế hoạch năm 2024), lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 182 tỷ đồng và cổ tức dự kiến tối thiểu 5%.

Đối với kế hoạch hoạt động của các lĩnh vực kinh doanh trụ cột năm 2025, trong lĩnh vực bất động sản, CEO Group tập trung triển khai hoàn thành các thủ tục pháp lý, thi công và sớm đưa vào kinh doanh khi đủ điều kiện đối với các dự án trọng điểm gồm: Sonasea Residences tại Phú Quốc; CEOHomes Hana Garden tại Mê Linh Hà Nội; Sonasea Vân Đồn Harbor City tại Vân Đồn; Sonasea Premier Nha Trang tại Nha Trang…

Doanh nghiệp cũng tập trung nguồn lực, thúc đẩy công tác phát triển dự án (bao gồm cả M&A các dự án phù hợp) theo hướng ưu tiên các dự án bất động sản khu công nghiệp và các khu đô thị có công năng hỗn hợp tại các địa phương tiềm năng trên cả nước. Cùng với đó, CEO cũng đẩy mạnh phát triển dịch vụ, tiện ích tại các dự án của tập đoàn.

Trong lĩnh vực xây dựng, tập đoàn triển khai thi công các dự án đảm bảo tiến độ và chất lượng; thi công các dự án bên ngoài tập đoàn và tham gia thị trường nhà ở tư nhân.

Gần đây, Bộ Chính trị đã có có những nghị quyết đột phá về đổi mới sáng tạo, mới nhất là Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân. Ông Đoàn Văn Bình cho rằng, đây là nghị quyết lớn, tác động mạnh mẽ đến doanh nghiệp - lực lượng tạo của cải, việc làm cho đất nước. Chắc chắc ở môi trường kinh doanh cởi mở, kiến tạo hơn, doanh nghiệp sẽ có sự phát triển mạnh mẽ, đặc biệt từ năm 2026 trở đi.

“CEO nhận ra, lúc này là cơ hội "nghìn năm có một". Bởi sau nhiều năm hoạt động, tập đoàn đã có nền tảng bền vững, ở thời điểm này, CEO sẽ nắm bắt được cơ hội, tận dụng nó để có những bước đi lớn hơn từ năm 2026. Có thể nói điều này là thuận lợi quan trọng nhất để công ty phát triển trong các năm tiếp theo”, ông Bình nhận định.

Ông Bình nói thêm, tập đoàn không có khó khăn, mà coi đó là những thách thức. Thứ nhất, thể chế đã có những thuận lợi, nhưng cần chờ thời gian để thẩm thấu vào thị trường. Đơn cử, như việc sáp nhập đơn vị hành chính, có những dự án thẩm quyền thuộc cấp huyện, doanh nghiệp cần chờ sẽ lên cấp tỉnh, hay xuống cấp xã để tiếp tục hoàn thiện đầu tư. Chính vì thế, sẽ có những dự án không thể hoàn thành ngay, mà cần có thời gian.

Thứ hai, sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà phát triển lớn, đặc biệt, các doanh nghiệp cỡ vừa như CEO. Thách thức này cũng là lúc để doanh nghiệp hoàn thiện mình và đầu tư đồng bộ hơn.

Thứ ba, thời gian tới, nhiều dự án đầu tư công, các siêu dự án đều được triển khai, sẽ tạo áp lực lên cung ứng và giá thành các nguyên vật liệu, thiết bị. Bởi vậy, CEO cần kiểm soát giá vốn, chi phí hàng hoá…

Ngoài ra, câu chuyện lệch pha cung – cầu trên thị trường bất động sản, hiện nguồn cung trên thị trường chủ yếu là các sản phẩm cao cấp, trong khi nhu cầu thực trên thị trường là nhà ở vừa túi tiền. Từ thách thức này, CEO cho rằng, đây cũng là cơ hội để họ cung cấp các dự án nhà ở có giá thành phù hợp với đại đa số người dân.

 Tại báo cáo thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội khóa XV trong lĩnh vực tài chính, Bộ Tài chính cho biết trong quá trình sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, cơ quan này nghiên cứu lựa chọn áp dụng giữa hai phương pháp tính thuế chuyển nhượng bất động sản.

Hai phương pháp được cơ quan này nghiên cứu gồm tính trên thu nhập chịu thuế (bằng giá bán trừ tổng chi phí liên quan đến bất động sản chuyển nhượng) hoặc áp dụng mức thuế suất chung trên tổng giá chuyển nhượng.

Bộ Tài chính cho hay mỗi phương pháp áp dụng sẽ phụ thuộc vào cơ sở dữ liệu liên quan đến chuyển nhượng bất động sản. Trong đó, trường hợp tính thuế trên tiền lãi sẽ dùng khi cơ sở dữ liệu xác định chính xác giá mua và chi phí liên quan.

Cụ thể, trường hợp có cơ sở dữ liệu xác định được chính xác giá mua và chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng bất động sản thì áp dụng phương pháp thu thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản được tính bằng công thức thuế suất (đề xuất 20%) nhân với thu nhập chịu thuế.

Theo Bộ Tài chính, việc bộ này đề xuất mức 20% để tương đồng với thuế suất của tổ chức, doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với chuyển nhượng bất động sản.

Còn với trường hợp không xác định được giá mua và chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng bất động sản thì thuế thu nhập cá nhân được xác định trên tổng giá chuyển nhượng bất động sản nhân với thuế suất 2%.