Chủ tịch Hà Nội nói về phương án tiêm vắc xin chống dịch Covid-19 cho người dân
Điều trị khỏi Covid-19 cho hàng chục nghìn bệnh nhân
Bộ Y tế cho biết sáng 22-7, nước ta ghi nhận thêm 2.967 ca mắc Covid-19, trong đó 2 ca nhập cảnh và 2.965 ca ghi nhận trong nước tại TP HCM (2.433), Long An (233), Bình Dương (64), Đồng Nai (53), Tiền Giang (41), Vĩnh Long (38), Bến Tre (28), Đà Nẵng (27), An Giang (15), Kiên Giang (10), Hậu Giang (5), Bình Phước (5), Hải Phòng (3), Cần Thơ (3), Hà Nội (2), Sơn La (2), Quảng Bình (2), Huế (1). Trong đó có 181 ca trong cộng đồng.
Đến nay, Việt Nam có tổng cộng 71.144 ca mắc, trong đó có 2.101 ca nhập cảnh và 69.043 ca mắc trong nước.
Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27-4 đến nay là 67.473 ca, trong đó có 9.197 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 9/61 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Hoà Bình, Bắc Kạn.
Tổng số ca được điều trị khỏi: 11.971 ca. Số ca tử vong là hiện là 370 ca. Trong số hơn 58.800 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, số bệnh nhân nặng, đang điều trị ICU (điều trị tích cực) là 123 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đang can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo) là 18 ca.
Tối 21-7, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Công điện số 16/CĐ-UBND về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, từ 0h ngày 22-7-2021, tổ chức cách ly tập trung tại các địa điểm cách ly tập trung trên địa bàn thành phố đối với toàn bộ người về từ các địa phương có dịch đang thực hiện giãn cách xã hội theo văn bản số 969/TTg-KGVX ngày 17-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ; trừ các lực lượng phục vụ công tác phòng, chống dịch; công tác công vụ đảm bảo các yêu cầu, quy định phòng, chống dịch được cấp thẩm quyền cho phép.
Chủ tịch UBND thành phố giao Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, xây dựng phương án, bảo đảm công tác trực ban 24/24/7, đặc biệt là tại các trụ sở cơ quan chính quyền các cấp, các cơ sở y tế tại địa phương để kịp thời xử lý mọi tình huống trong thời gian ngắn nhất; chủ động xây dựng kịch bản, tổ chức diễn tập theo quy mô phường, xã, thị trấn, khu đô thị theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Các địa phương cũng chỉ đạo lực lượng chức năng tại cơ sở, tổ Covid cộng đồng phối hợp Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương tăng cường công tác giám sát tại cộng đồng, quản lý, giám sát chặt chẽ người dân trở về từ các tỉnh, thành phố khác.
Với những trường hợp đã về từ thành phố Hồ Chí Minh và các vùng dịch khác, các địa phương thông báo trên đài truyền thanh cơ sở, ghi rõ thông tin, danh sách, ngày về địa phương để người dân cùng chính quyền giám sát chặt chẽ di biến động, giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm; đồng thời tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Giám đốc Sở Y tế: Chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, các cơ sở khám chữa bệnh của Thành phố, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã thực hiện chế độ trực 24/24/7; tăng cường công tác lấy mẫu, xét nghiệm toàn bộ các trường hợp có biểu hiện nghi nhiễm vi rút SARs-CoV-2 như: Ho, sốt, khó thở,…tại địa bàn.
Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn xây dựng phương án và đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh do Bộ Y tế quản lý, cùng phối hợp thực hiện:
Củng cố, mở rộng khoa Hồi sức tích cực để sẵn sàng tiếp nhận, điều trị người bệnh nặng. Đào tạo, thiết lập nhiều đội, nhóm có đủ năng lực hồi sức tích cực nâng cao như thở máy xâm nhập, ECMO, lọc máu để sẵn sàng đào tạo, hỗ trợ cho các bệnh viện khác trên địa bàn.
Chủ động sẵn sàng chuẩn bị phương án, nguồn lực, trang thiết bị y tế, danh mục thuốc điều trị, vật tư tiêu hao, trang bị phòng hộ và công tác kiểm soát lây nhiễm theo Quyết định số 2626/QĐ-BYT ngày 28/5/2021 của Bộ Y tế cho đơn vị Hồi sức tích cực điều trị người bệnh COVID-19 nặng, đặc biệt chú ý hệ thống khí nén, oxy trung tâm, máy thở …để mở rộng khả năng thu dung người bệnh, kịp thời ứng phó khi dịch bệnh lan rộng và bùng phát.
Các bệnh viện khẩn trương rà soát năng lực xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và điều kiện an toàn sinh học cấp II để hỗ trợ kịp thời xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 theo hướng dẫn tại Quyết định số 2245/QĐ-BYT ngày 22/4/2020 của Bộ Y tế.
Kiểm tra phương án tổ chức các cơ sở cách ly tại các quận, huyện, thị xã, tham mưu, báo cáo UBND Thành phố chỉ đạo triển khai phương án đáp ứng cách ly cho 30.000 và 50.000 người, ưu tiên tổ chức tại các khu vực ngoại thành.
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, các đoàn thể chính trị xã hội của Thành phố cùng phối hợp với các lực lượng chức năng cơ sở để tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố.
Yêu cầu Nhân dân Thủ đô thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương và Thành phố; chỉ ra đường trong trường hợp cần thiết; khi phát hiện có các biểu hiện: Ho, sốt, khó thở,…chủ động liên hệ ngay với cơ sở y tế tại địa phương để được lấy mẫu, xét nghiệm, sàng lọc trong thời gian sớm nhất.
Nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn, mỗi người dân phải là 1 chiến sĩ, mỗi gia đình là 1 pháo đài, chung tay chống dịch; ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân trong lúc này vô cùng quan trọng, để cùng cộng đồng, chính quyền các cấp quyết tâm kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh.
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, các đoàn thể chính trị xã hội Thành phố và yêu cầu các cơ quan, đơn vị, Nhân dân nghiêm túc thực hiện các nội dung tại Công điện này.
Đủ năng lực triển khai chiến dịch tiêm vắc xin quy mô lớn
Ngày 21-7, trao đổi với báo chí, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh cho biết, để sẵn sàng tiếp nhận vắc xin từ Bộ Y tế và triển khai tiêm chủng cho nhân dân Thủ đô trong năm 2021, thành phố đã chủ động xây dựng phương án, kịch bản nhằm triển khai sớm nhất, nhanh nhất và an toàn nhất ngay khi được phân bổ. Hà Nội có đủ năng lực thực hiện chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn trong thời gian ngắn và sẽ đẩy mạnh công tác chuẩn bị để sớm nâng cao hơn nữa trong những ngày tới.
Trước mắt, mục tiêu của thành phố phải xây dựng phương án sẵn sàng triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 bảo đảm năng lực tiêm 200.000 mũi tiêm/ngày. Theo quy định của Bộ Y tế tại Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12-11-2018, để tiêm được 200.000 mũi tiêm/ngày, thành phố cần ít nhất 1.000 dây chuyền tiêm. Để dự phòng trong trường hợp có dây chuyền tiêm chủng không hoạt động được vì các lý do khác nhau, Hà Nội cần chuẩn bị 1.200 dây chuyền tiêm. Hiện tại, thành phố sẵn có và bố trí thêm trước mắt được 704 dây chuyền tiêm; nên cần bổ sung 496 dây chuyền tiêm mới.
Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu ngành Y tế Hà Nội khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, vật tư y tế, con người để thiết lập đủ số dây chuyền tiêm còn lại. 1.200 dây chuyền phải thật đồng bộ, đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí theo hướng dẫn của Bộ Y tế; xây dựng kịch bản tổ chức tiêm một cách chi tiết, khoa học, bài bản gắn với cơ chế vận hành đồng bộ, thống nhất, thông suốt; triển khai tập huấn, huấn luyện và diễn tập các phương án tiêm chủng. Phương án chuẩn bị của thành phố tối đa là 200.000 mũi tiêm/ngày, quá trình thực hiện ngành Y tế phải phấn đấu đạt mức cao về số lượng, nhưng không chạy theo số lượng mà phải tuyệt đối tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu chất lượng và quy trình do Bộ Y tế hướng dẫn.
Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội có nhiệm vụ chủ trì phối hợp rà soát ngay điều kiện tiếp nhận, bảo quản vắc xin phòng Covid-19 với số lượng lớn (từ 1 triệu liều trở lên). Hiện tại, khả năng tiếp nhận tối đa của thành phố trong cùng một thời điểm khoảng 1,3 triệu liều vắc xin theo quy cách đóng gói của vắc xin Astra Zeneca. Do đó Sở phải tính toán năng lực tiếp nhận tương ứng với các chủng loại vắc xin khác nhau; bao gồm cả những vắc xin đòi hỏi điều kiện bảo quản phức tạp như Pfizer (bảo quản nhiệt độ -74oC); lên phương án vận chuyển, phân phối vắc xin cho các điểm tiêm bảo đảm an toàn, chất lượng, kịp thời.
Chủ tịch UBND thành phố cũng cho biết, thành phố sẽ huy động 100 tổ cấp cứu cơ động để thực hiện nhiệm vụ tiêm vắc xin phòng Covid-19. Sở Y tế cần có kịch bản điều phối bảo đảm sự cơ động, phù hợp với các điểm tiêm chủng theo từng khu vực sẵn sàng đáp ứng trong bất kỳ tình huống sự cố tiêm chủng nào.
Lam Trường (TH)