Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam nêu nhiều kiến nghị, giải pháp trong cuộc gặp mặt Tổng Bí thư, Chủ tịch nước
Tại cuộc gặp, PGS.TS Nguyễn Trọng Điều - Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam (VPBA) khẳng định: Kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, trở thành động lực quan trọng phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN. Cùng với đó, là đội ngũ doanh nhân ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Như một minh chứng, năm 2023, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 60% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động.
Tuy nhiên, “khu vực kinh tế tư nhân cũng còn nhiều hạn chế so với yêu cầu phát triển, cùng với đó là những khó khăn, thách thức gay gắt do tác động tiêu cực, phức tạp, khó lường của tình hình quốc tế, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh và những yếu kém nội tại của nền kinh tế đất nước chưa thể khắc phục ngay trong một sớm, một chiều”, PGS.TS Nguyễn Trọng Điều chia sẻ.
Trước thực trạng đó, Chủ tịch VPBA đã báo cáo, kiến nghị với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm một số nhóm khó khăn, thách thức chủ yếu với khu vực kinh tế tư nhân, cũng như các giải pháp khắc phục, tháo gỡ.
Một là phần lớn doanh nghiệp Việt Nam có lượng vốn yếu và mỏng so với quy mô tổng tài sản, quy mô các dự án và tham vọng đầu tư phát triển kinh doanh. Các giải pháp tiếp cận vốn cũng còn nhiều hạn chế, phần lớn phụ thuộc vào ngân hàng.
“Điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp chững lại trong nỗ lực vươn lên trở thành doanh nghiệp lớn, nhiều kế hoạch kinh doanh và đầu tư bị chậm trễ hoặc không thực hiện được, thậm chí một số doanh nghiệp đối diện với nguy cơ phá sản vì mất cân đối dòng tiền. Bản thân doanh nghiệp không thể gia tăng sự phụ thuộc vào ngân hàng, cũng không thể đòi hỏi ngân hàng dễ dàng giải ngân, hạ tiêu chuẩn tín dụng hay tài trợ vốn rẻ cho doanh nghiệp”, PGS.TS Nguyễn Trọng Điều nói.
Do vậy, theo Chủ tịch VPBA, doanh nghiệp phải nỗ lực đa dạng hóa nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn trung và dài hạn, thông qua các kênh huy động vốn từ thị trường cổ phiếu, trái phiếu, vốn vay nước ngoài. Giải pháp cho vấn đề này là, trước hết doanh nghiệp cần minh bạch hóa và nâng cao năng lực quản lý vốn, tránh đầu tư dàn trải thiếu kiểm soát, tránh chạy đua đầu tư trái tay vào những tài sản hoặc thương vụ rủi ro cao trong các ngành nghề “nóng”, tránh tư tưởng đầu tư siêu lợi nhuận “được ăn cả, ngã về không”.
Đặc biệt, doanh nghiệp không được lợi dụng các khe hở của cơ chế, chính sách nhằm trục lợi dẫn đến vi phạm pháp luật như chúng ta đã biết vừa qua. Doanh nhân mong Đảng, Nhà nước, Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự phát triển của thị trường chứng khoán, thúc đẩy tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi, đồng thời tiếp tục hoàn thiện các quy định về phát hành trái phiếu để cân bằng giữa sự bền vững của thị trường và nhu cầu vốn thiết thực của doanh nghiệp.
Hai là hầu hết doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam yếu về năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo và năng lực làm chủ công nghệ lõi, nhất là các công nghệ mới, công nghệ đột phá.
Giải pháp cho vấn đề này là doanh nghiệp cần phân bổ tỷ trọng đầu tư tương xứng cho nghiên cứu và phát triển (R&D), đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để nắm bắt và làm chủ công nghệ. Đồng thời, các doanh nhân là người làm chủ doanh nghiệp cũng phải liên tục học hỏi để trở thành những người tiên phong trong đổi mới sáng tạo và nắm bắt công nghệ.
Cùng với đó, doanh nhân kỳ vọng Nhà nước mạnh dạn tạo điều kiện hơn nữa trong việc cho phép thử nghiệm có giới hạn (sandbox) các mô hình kinh doanh mới, sáng tạo đột phá; đồng thời xem xét các ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất cho các doanh nghiệp dấn thân thử nghiệm các giải pháp, mô hình sáng tạo đột phá này. Ngoài ra, trong các đàm phán với các doanh nghiệp FDI trọng yếu đầu tư vào Việt Nam, nên xem xét bổ sung các yêu cầu về tỷ trọng người Việt Nam nắm giữ các vị trí then chốt trong doanh nghiệp, hoặc yêu cầu để doanh nghiệp trong nước được tham gia góp vốn vào liên doanh FDI.
Ba là hiện nay hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều lúng túng, hạn chế về năng lực quản trị doanh nghiệp, quản trị tài chính và tầm nhìn phát triển bền vững.
Giải pháp cho vấn đề này, theo PGS.TS Nguyễn Trọng Điều, trước hết không thể đòi hỏi ai khác ngoài bản thân các doanh nhân phải nâng mình lên, phải học hỏi và nghiên cứu sâu sắc các mô hình và chuẩn mực quản trị tiên tiến, nuôi dưỡng khát vọng, tầm nhìn và sứ mệnh để không tự ti, cũng không tự mãn với những thành quả bước đầu.
“Doanh nhân kỳ vọng Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, định hướng cho những trung tâm đào tạo phát triển nguồn nhân lực mà một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn ở nước ta đã và đang dũng cảm, tiên phong đầu tư, phát triển. Chúng ta tin tưởng ý chí, khát vọng, sự nhạy bén, thông minh và cần cù là những phẩm chất quý báu của con người và doanh nhân Việt Nam, nếu chúng ta biết kết hợp các vốn quý đó với năng lực quản trị, tầm nhìn và khoa học, công nghệ hiện đại của phương Tây, chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra những điều thần kỳ Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, như cách mà nhiều nước Châu Á đã và đang thực hiện thành công”, ông Điều chia sẻ trước sự chứng kiến của hàng trăm doanh nhân tiêu biểu trong cuộc gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước.
Bốn là, thời gian qua Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã không ngừng hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh và thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển làm tốt vai trò, sứ mệnh quan trọng của mình.
Tuy nhiên, tình trạng thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn rườm rà; nhiều quy định pháp luật còn chồng chéo; tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giải quyết công việc tại các bộ, ngành, địa phương còn chậm được khắc phục… đó là những điểm nghẽn tạo nên khó khăn cho doanh nhân, doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Doanh nhân đề nghị Nhà nước, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu cụ thể hóa chủ trương, chính sách, Nghị quyết của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, và dễ hiểu, dễ thực hiện trong thực tiễn cuộc sống. Những nỗ lực cải cách thể chế cần tiếp tục được đẩy nhanh một cách quyết liệt và khoa học để kiến tạo môi trường pháp lý, công vụ và môi trường kinh doanh hướng đến mục tiêu hỗ trợ, khuyến khích mọi công dân, doanh nhân, doanh nghiệp tham gia tích cực vào công cuộc chấn hưng và phát triển đất nước.