Chủ tịch Sendo: Gây dựng `chợ online` cho người Việt từ con số 0, tham vọng vượt mốc giá trị 1 tỷ đô
Trải qua 8 năm hình thành và phát triển, chủ tịch Nguyễn Đắc Việt Dũng và Sendo.vn đang tạo ra những bước ngoặt mới trong những giao dịch mua sắm trực tuyến tại Việt Nam.
Chủ tịch Sendo là ai?
Chủ tịch Nguyễn Đắc Việt Dũng, sinh ngày 4/8/1974, hiện đang là Chủ tịch HĐQT của Sendo và dự kiến kiêm vai trò hỗ trợ cho mảng online của FPT Retail. Ông tốt nghiệp khoa Công nghệ Thông tin, Đại học Bách Khoa, Hà Nội vào năm 1996 và khởi đầu con đường sự nghiệp với tư cách là một lập trình viên tại FPT.
Chân dung chủ tịch Nguyễn Đắc Việt Dũng của Sendo
Từ năm 1999 đến năm 2002, ông Dũng chuyển sang làm việc tại Công ty Cổ phần Phần mềm FPT và là Trưởng nhóm phát triển cho thị trường Mỹ, Canada. Sau gần 10 năm gắn bó với FPT, ông trở thành giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Công ty FPT Telecom.
Sau đó từ năm 2007 đến tháng 09 năm 2009, ông Nguyễn Đắc Việt Dũng được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc Công ty FPT Telecom. Hành trình của ông với Sendo bắt nguồn từ khi FPT bắt tay cùng hai công ty khác để phát triển mảng thương mại trực tuyến còn khá non trẻ tại Việt Nam.
Sự nghiệp của chủ tịch Sendo
Khi FPT muốn tấn công vào thị trường thương mại điện tử, ông Nguyễn Đắc Việt Dũng là nhân tố được giao trọng trách sẽ lãnh đạo dự án này. Trong bộ sậu quản trị của Sendo từ những ngày đầu tiên, ngoài ông Nguyễn Đắc Việt Dũng còn có ông Trần Hải Linh với tư cách là CEO, tốt nghiệp đại học Công nghệ Nanyang Singapore và ông Nguyễn Phương Hoàng, phó giám đốc điều hành, tốt nghiệp đại học Greenwich ở Anh.
Ba lãnh đạo phát triển Sendo
Ông Dũng chia sẻ những khó khăn chồng chất trong những ngày đầu của Sendo khi đội phải xây mọi thứ từ đầu, bởi khi ấy, thương mại điện tử vẫn là điều gì đó rất mới ở Việt Nam. Không ai trong số các lãnh đạo cao nhất của dự án này có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Sau nhiều quyết tâm, công Ty Cổ Phần Công Nghệ Sen Đỏ ra đời với tư cách một sàn thương mại trực tuyến được giới thiệu với người tiêu dùng từ tháng 9/2012 bởi Công ty CP Dịch vụ trực tuyến FPT (FPT Online). Sàn giao dịch thương mại điện từ của Sendo.vn được ra đời phục vụ cho cả lợi ích người mua và người bán trên toàn Việt Nam.
3 tháng sau khi được thành lập, Sendo mua lại 123mua.vn, một nền tảng thương mại điện tử được phát triển bởi VNG. Giá trị của thương vụ không được tiết lộ, nhưng theo một chuyên gia trong ngành, mức giá có thể dao động ở khoảng 5 tỷ đồng - gấp 3 lần định giá của Sendo lúc bấy giờ - nhưng mang lại cho công ty này cơ hội tiếp cận với 30 triệu tài khoản nằm trong hệ sinh thái của VNG.
Sàn thương mại điện tử của Việt Nam Sendo.vn
Có được 123mua, Sendo nhận được sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài khi ngày càng phát triển về quy mô. Năm 2014, công ty này gọi thành công 18 triệu USD từ 3 công ty Nhật, trong đó có SBI, để đổi lấy 33% cổ phần. Đến vòng gọi vốn thứ hai, Daiwa và SoftBank Group rót thêm 51 triệu USD.
Sự xuất hiện của các nhà đầu tư nước ngoài đã đẩy tỷ lệ sở hữu của FPT trong Sendo xuống dưới 50%. Số còn lại chia cho các nhà sáng lập và 7 cổ đông nước ngoài lớn nhất. Sau 5 năm hoạt động, Sendo phát triển được một platform với sự góp mặt của 10 triệu sản phẩm từ 300.000 người bán. Giá bán trung bình các mặt hàng tại Sendo chỉ ở mức 15 USD.
Chủ tịch Dũng và Sendo nhận nguồn đầu tư từ đối tác Nhật Bản
Khác với các công ty cùng ngành là Lazada, Shopee, Adayroi hay Tiki, Sendo không hướng tới thị trường mục tiêu ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp HCM. Chủ tịch Nguyễn Đắc Việt Dũng cho hay: "Chúng tôi sẽ khai thác các thành phố cấp II, nơi có tới 70 triệu người Việt đang sinh sống và các đối thủ không đặt ưu tiên".
Lý do của sự lựa chọn này được ông Dũng dẫn chứng bằng những số liệu thực tế về lượng người mua đến từ các đại phương nằm ngoài Hà Nội và TP HCM khá cao và hơn 30% số người bán đến từ tỉnh lẻ. Thực tế đã chứng minh, khoảng 2/3 đơn hàng của Sendo được đặt từ các tỉnh thành ngoài 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM.
Chủ tịch Nguyễn Đắc Việt Dũng định hướng Sendo hướng tới phân khúc khách hàng ở thành phố cấp II
Thay vì chỉ tập trung bán hàng phân khúc giá cao, chất lượng tốt, dịch vụ nhanh, hiệu quả để cạnh tranh và thu hút khách hàng cho các đối tượng ở thành phố lớn, Sendo quan tâm đến nhu cầu của người dân các tỉnh thành khác như chi phí rẻ, dịch vụ tốt, hàng hóa phải đảm bảo được tính đa dạng, phong phú về mẫu mã, chủng loại, giá thành cạnh tranh.
Sendo trong cuộc đua với những "ông lớn" quốc tế
Hồi đầu năm 2020 rộ lên thông tin Sendo và Tiki sẽ sát nhập nhưng cả hai đã quyết định huỷ bỏ phương án sáp nhập giữa bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19.
Tính đến tháng 5/2020, Sendo đã đạt mức vốn 114 tỷ đồng, tăng phần ba chỉ sau 1 năm, so với con số ban đầu là 88 tỷ đồng. Cuối tháng 11/2019, Sendo công bố đã huy động được thêm 61 triệu USD trong vòng gọi vốn Series C. Sau vòng gọi vốn này, nhà đầu tư nước ngoài đã nắm giữ 61,1% vốn điều lệ của Sendo. FPT hiện vẫn là cổ đông lớn nhất bên cạnh các cổ đông lớn nước ngoài gồm SBI, Beenext, Econtext Asia, Daiwa…
Phát biểu của chủ tịch Sendo
Giá trị thị trường ở Việt Nam là rất lớn và mục tiêu của Sendo không chỉ dừng lại ở mốc 1 tỷ USD. Doanh nghiệp này đang hướng tới trở thành thị trường có thể xử lý giao dịch trong cả 3 lĩnh vực: Sản phẩm vật chất, dịch vụ kỹ thuật số và dịch vụ tài chính cho cả người bán và người mua. Mục tiêu muốn tăng cả số lượng giao dịch mỗi ngày và lòng trung thành của khách hàng là ưu tiên hàng đầu.
Theo Google và Temasek, thị trường thương mại điện tử Việt Nam vẫn đang phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Lĩnh vực này chiếm hơn 20% doanh số bán lẻ của Trung Quốc, 10% của Indonesia và 3% của Việt Nam. Điều đó có nghĩa là thị trường vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Sẽ có không ít bước đột phá trong thời gian tới khi người tiêu dùng có nhận thức cao hơn về thương mại điện tử và khi các dịch vụ hỗ trợ khác như logistics được cải thiện.
Thanh Thùy (T/h)
Xem thêm: CEO Momo: Khát vọng khởi nghiệp vượt ra khỏi căn phòng 20m2, vươn tầm siêu ứng dụng thanh toán