Chủ tịch Việt Thắng Jean: 'Mức lương không còn là yếu tố hàng đầu thu hút và giữ chân nhân tài'

Trang Mai 13:53 | 30/10/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
‏Đây là nhận định của ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean kiêm Phó Chủ tịch Thường trực Hội Dệt may Thêu đan TP HCM tại Hội thảo "Nhân lực bền vững - Trọng tâm của chữ "S" trong ESG?" được tổ chức ngày 30/10.‏

‏Sau 15 năm theo dõi, khảo sát tình hình lao động trên địa bàn TP HCM, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố (Falmi) nhận định, định hướng phát triển bền vững ESG (gồm Environmental - Môi trường, Social - Xã hội, Governance - Quản trị) đang nổi lên như một khung tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá doanh nghiệp.‏

‏Theo bà Nguyễn Hoàng Hiếu, Giám đốc Falmi, trong 3 yếu tố trên, chữ "S" - Xã hội là trung tâm của bộ tiêu chuẩn ESG, thể hiện sự tương quan rất rõ với việc xây dựng nguồn nhân lực bền vững cho doanh nghiệp.‏

‏Bởi yếu tố này nhấn mạnh về các vấn đề liên quan đến người lao động, như: Sức khỏe và an toàn tại nơi làm việc; chính sách tuyển dụng và thăng tiến; nhu cầu cơ bản và phúc lợi của người lao động…‏

‏Nếu doanh nghiệp thực hiện tốt chữ "S" thì người lao động được đãi ngộ tốt, gắn bó với doanh nghiệp, cải thiện năng suất lao động. Doanh nghiệp thêm uy tín, thu hút nhiều nhân tài.‏

‏Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập và phát triển, người lao động cũng đang có những bước phát triển vượt bậc về cả tri thức và kỹ năng thực hành. Do đó, mức lương đã không còn là yếu tố hàng đầu để giữ chân người lao động. ‏

‏Tại Hội thảo, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jeans kiêm Phó Chủ tịch Thường trực Hội Dệt may Thêu đan TP HCM đã chia sẻ về “Xây dựng chiến lược nhân sự tập trung vào ESG” dựa trên kinh nghiệm của công ty mình.‏

‏Ông Việt cho biết, dưới áp lực từ thị trường và yêu cầu của khách hàng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, ngành dệt may Việt Nam đã đặt mục tiêu đến năm 2025 và chiến lược đến năm 2030 sẽ hoàn toàn tiếp cận và ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất xanh và mô hình sản xuất tuần hoàn.‏

‏Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm áp lực giá cả, chi phí sản xuất cao, thiếu hụt đơn hàng, khó khăn về nguồn nhân lực và sự cạnh tranh khốc liệt từ các sản phẩm giá rẻ trên các sàn giao dịch điện tử của Trung Quốc như Temu, Shein, Taobao, đe dọa trực tiếp đến sản xuất trong nước.‏

‏Để duy trì năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, ông Phạm Văn Việt cho rằng ngành dệt may cần nâng cao chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa quy trình sản xuất và phân phối, đồng thời áp dụng các chiến lược marketing linh hoạt, sáng tạo kết hợp với công nghệ AI để tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn.‏

‏Đặc biệt, ông nhấn mạnh, việc quản lý rủi ro và cam kết theo bộ tiêu chuẩn ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) đang trở thành “kim chỉ nam” cho các doanh nghiệp trong ngành.‏

‏Đại diện Việt Thắng Jean cũng chia sẻ rằng trong ba yếu tố của ESG, tiêu chuẩn Xã hội (S) chịu ảnh hưởng lớn từ các yếu tố nhân lực như sức khỏe và an toàn, quản lý nguồn nhân lực, chuỗi cung ứng và kết nối cộng đồng.‏

‏Mỗi doanh nghiệp sẽ lựa chọn những tiêu chí phù hợp để cam kết và quản lý rủi ro. Tuy nhiên, các tiêu chí xã hội phổ biến bao gồm: đảm bảo quyền lợi của người lao động, an toàn và sức khỏe lao động, bảo vệ dữ liệu cá nhân và phát triển nguồn nhân lực.‏

‏“Thiết lập và thực hiện các cam kết bền vững về ESG không chỉ giúp doanh nghiệp cải thiện hình ảnh và thương hiệu, duy trì năng lực cạnh tranh trên thị trường, mà còn thu hút và giữ chân nhân tài”, ông Việt nói.‏

‏Đại diện Việt Thắng Jean khẳng định hiện nay, mức lương không còn là yếu tố hàng đầu để thu hút và giữ chân nhân tài. Ảnh: Dân trí‏

‏Theo báo cáo Diễn đàn Kinh tế thế giới (World Economic Forum) năm 2021, 58% người lao động cân nhắc các cam kết về môi trường và xã hội khi lựa chọn nơi làm việc. Họ có xu hướng gắn bó lâu dài gấp 3 lần và có mức độ gắn kết cao hơn 1,4 lần với các doanh nghiệp mà họ tin tưởng có mục tiêu phát triển bền vững.‏

‏Tuy nhiên, đại diện Việt Thắng Jean cho rằng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện ESG dễ dàng. Bên cạnh bài toán về vốn đầu tư, doanh nghiệp còn đối mặt với thách thức về nguồn nhân lực. Điều này không chỉ đòi hỏi khả năng tuyển dụng những nhân sự sáng tạo, có tư duy logic và chuyên môn phù hợp với định hướng phát triển mà còn là bài toán giữ chân nhân tài trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt.‏

‏"Chúng tôi hiểu rằng quản lý nhân sự là yếu tố cốt lõi để thúc đẩy ESG. Trong lĩnh vực dệt may, nơi lực lượng lao động đông đảo và đa thế hệ, mức lương không còn là yếu tố hàng đầu để giữ chân nhân tài. Người lao động ngày càng quan tâm đến các giá trị mà họ nhận được, bao gồm sự công bằng, minh bạch và tính linh hoạt trong công việc", ông Việt nói.‏

‏Đồng quan điểm, bà Ingrid Christensen, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam khẳng định, vấn đề liên quan đến lương thưởng rất quan trọng với người lao động không chỉ ở Việt Nam và trên toàn thế giới. Tất cả mọi người đều có gia đình phải chăm lo và cần chi tiêu tài chính cá nhân.‏

‏Tuy nhiên, bà Ingrid Christensen nêu quan điểm, nếu chỉ tập trung lương cao cho người lao động thì không thể giải quyết và giữ chân họ. Cùng với tiền lương, doanh nghiệp cần trang bị nhiều yếu tố khác như làm việc linh hoạt, môi trường làm việc thân thiện...‏

‏Giám đốc ILO nêu ví dụ, nếu nhân viên có con nhỏ thì nhu cầu của họ không chỉ là tiền.‏

‏"Như vậy, ở đây chúng ta cần nói về động lực làm việc là gì? Động lực làm việc của mỗi người lại khác nhau, như có người cần sự tự do trong công việc, sự tôn trọng, ghi nhận… ", bà Ingrid Christensen cho hay.‏