'Năng suất lao động của Việt Nam thấp không hẳn do năng lực kém'
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam trong các năm 2022 - 2023 đều tăng cao hơn so với năm trước đó, nhưng năng suất lao động mỗi giờ của Việt Nam vẫn thuộc hàng thấp nhất châu Á.
Cụ thể, năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 199,3 triệu đồng/lao động (tương đương 8.380 USD/lao động), tăng 3,65%. Năng suất lao động năm 2022 theo giá hiện hành đạt 188,7 triệu đồng/lao động, tăng 4,8% so với năm trước.
Nguyên nhân chính được Tổng cục Thống kê nêu ra là do tỷ lệ lao động có trình độ của Việt Nam rất thấp, chỉ 27% người lao động có bằng, chứng chỉ năm 2023.
So với khu vực ASEAN, năng suất lao động của Việt Nam năm 2022 tính bằng USD theo sức mua tương đương (PPP) 2017 là 2.400 USD, chỉ bằng 11,4% so với Singapore; 35,4% so với Malaysia; 79% so với Indonesia; 64,8% so với Thái Lan và 94,5% so với Philippines... theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB).
"Năng suất lao động của Việt Nam thấp do cơ cấu nền kinh tế phần lớn lao động làm việc trong khu vực phi chính thức và hộ gia đình, số lượng lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp chỉ chiếm hơn 29% lao động có việc làm trong năm 2022", TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương nói tại một sự kiện về năng suất lao động hồi đầu năm.
Mặc dù vậy, số lượng lao động này lại tạo ra khoảng 60% GDP cho cả nền kinh tế (khu vực tư nhân tạo ra khoảng 10%, khu vực doanh nghiệp FDI tạo ra khoảng 20,14% và khu vực doanh nghiệp nhà nước tạo ra khoảng 29% GDP).
Đáng chú ý, năng suất lao động trong khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chỉ bằng 3,6% khu vực doanh nghiệp nước ngoài và 28,5% khu vực doanh nghiệp FDI.
Như vậy với việc tạo ra 60% GDP năng suất lao động của các lao động trong doanh nghiệp Việt Nam sẽ tạo ra là 53.582 USD/lao động, bằng 30% so với lao động của Singapore là làm việc tại doanh nghiệp hoặc cơ quan nhà nước. Với con số này thì NSLĐ của người lao động trong doanh nghiệp Việt Nam sẽ bằng khoảng 30% NSLĐ của người lao động trong các doanh nghiệp Singapore.
NSLĐ thấp do phân bổ lao động chưa hợp lý
Năng suất lao động của Việt Nam nằm ở mức thấp so với thế giới, tuy nhiên theo GS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, năng suất lao động trong nước thấp không phải là do người lao động Việt làm việc kém, năng lực làm việc không bằng người nước ngoài mà do chúng ta không tái cấu trúc được các khu vực hoạt động dẫn đến người lao động cứ phải “chôn chân” vào các khu vực và không tạo ra giá trị gia tăng.
Điển hình như một số doanh nghiệp sản xuất như Vinamilk, họ đi vào tất cả các khâu của chuỗi giá trị nên tạo ra giá trị gia tăng cao còn các doanh nghiệp chỉ nằm ở một phần của chuỗi cung ứng mà nhất là lại ở các khâu giá trị gia tăng thấp như gia công, sơ chế, phân phối thì sẽ nằm ở đáy của “đường cong nụ cười” dẫn đến năng suất lao động cũng rất thấp.
Theo GS. Cường, có thể thấy, cơ cấu lao động của Việt Nam hiện nay vẫn tập trung nhiều ở khu vực nông nghiệp hay gia công đơn giản mà chưa tập trung nhiều vào các khu vực công nghệ cao, dịch vụ tạo giá trị gia tăng nên một trong các yêu cầu của quản lý vĩ mô là cần phải tái cấu trúc lại các khu vực để huy động người lao động tham gia vào các khu vực có năng suất cao hơn.
TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, cũng đánh giá năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Khoảng cách về năng suất lao động và trình độ phát triển giữa các vùng, miền, khu vực còn khá lớn.
Các yếu tố nền tảng cho tăng năng suất lao động nhanh và bền vững vẫn còn gặp nhiều trở ngại, vướng mắc, chưa thực sự có bước đột phá. Ông Lâm nhấn mạnh, Việt Nam có lợi thế là lực lượng lao động trẻ, dễ đào đạo nhưng trình độ chuyên môn, kỹ thuật còn hạn chế. Để nâng cao năng suất lao động, TS. Lâm cho biết cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu lao động từ phi chính thức sang chính thức.
Đặc biệt cần dịch chuyển lao động từ khu vực nông nghiệp năng suất thấp sang công nghiệp, dịch vụ có năng suất cao hơn, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới.
Cải cách tiền lương để nâng cao NSLĐ
Ở góc độ quản lý, GS. Hoàng Văn Cường, cho rằng muốn nâng cao năng suất lao động không đơn giản chỉ là câu chuyện đào tạo mà còn là cơ cấu lại các khu vực của nền kinh tế và tái cấu trúc lại hệ thống tiền lương.
Ông phân tích, muốn huy động được nguồn lực lao động chất lượng cao vào những khu vực như sáng tạo hay đổi mới và những khu vực dịch vụ có giá trị gia tăng cao thì đòi hỏi ngay cơ chế sử dụng lao động cũng phải thay đổi.
Theo ông nếu cứ duy trì một hệ thống tiền lương thấp thì đương nhiên doanh nghiệp sẽ chạy theo cái xu hướng sử dụng càng nhiều lao động càng tốt.
“Nhưng nếu chúng ta chuyển sang hệ thống là tiền lương gắn với trình độ lao động, giá trị gia tăng cao thì doanh nghiệp sẽ phải tính toán để sử dụng ít lao động đi nhưng khả năng đóng góp giá trị cao hơn, qua đó sẽ làm tăng năng suất lao động”, GS. Hoàng Văn Cường nhìn nhận.
“Vừa qua Quốc hội đã thông qua Đề án về cái tiền lương áp dụng từ 1/7/2024 nhưng theo quan điểm của tôi thì đây chưa phải là tái cấu trúc thực sự mà mới chỉ là một phép gọi là thay đổi một cách cơ học”, ông nói.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh, tái cấu trúc tiền lương thực sự là người lao động nào có trình độ cao, đóng góp cao cần phải được nhận cái giá trị cao và những người lao động nào không có khả năng đấy thì dần dần chỉ nhận lương thấp mà sẽ bị loại ra khỏi quy trình.
Chỉ khi đó, mới thúc đẩy chúng ta hướng đến cái việc là sử dụng lao động chất lượng cao và nâng cao trình độ nguồn nhân lực qua đó tăng năng suất của cả nền kinh tế. Đây là một trong những chìa khoá của mô hình tăng trưởng.
Bên cạnh đó, ông Cường nhấn mạnh muốn thúc đẩy nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động thì phải thực hiện đổi mới sáng tạo không chỉ ở các khu vực sản xuất, kinh doanh hay là khởi nghiệp mà còn phải đổi mới sáng tạo cả khu vực thể chế, quản lý.
Sáng tạo đổi mới cả ở khâu quản lý
Trong các đột phá, chúng ta cũng nói đến đột phá về thể chế. Nếu cơ chế quản lý mà không đổi mới sáng tạo, cơ chế quản lý mà không thúc đẩy, thừa nhận những hành động, kết quả của đổi mới sáng tạo, thì không bao giờ những hoạt động ấy nó diễn ra được.
“Chỉ khi nào đổi mới được lĩnh vực quản lý, thì khi đó chúng ta mở đường được cho các hành động của doanh nghiệp”, GS. Cường cho hay.
TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng câu chuyện mô hình tăng trưởng mới đã được nhắc đến hơn 10 năm nay bằng việc tái cấu trúc ba lĩnh vực gồm: Đầu tư công, hệ thống tài chính, ngân hàng và doanh nghiệp Nhà nước, sau đó bắt nhịp cuộc cách mạng đổi mới sáng tạo, startup, khởi nghiệp.
Tuy nhiên bức tranh tổng thể mô hình tăng trưởng của chúng ta vẫn vậy, chưa có sự đột phá. Vì sao như vậy?
Ông cho rằng khi nào chưa đổi mới được thể chế, khi nào chưa thay đổi được hành vi của bộ máy, chưa có cơ chế thưởng phạt, KPI đối với công chức thì rất khó để đổi mới. Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, đây là cơ hội cuối cùng để Việt Nam đi cùng với thế giới trong đổi mới sáng tạo, nếu bỏ lỡ chúng ta sẽ tụt hậu so với thế giới.