Chủ tịch VNPT Phạm Đức Long: Người quyết tâm dẫn đầu cách mạng 4.0, đưa Việt Nam thành cường quốc số

08:00 | 23/04/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Là thuyền trưởng lãnh đạo VNPT, ông Long có quyết tâm đưa tập đoàn trở lại với ngôi vương tại Việt Nam, đồng thời phát triển và vươn tầm trên thị trường quốc tế.

Chủ tịch Tập đoàn VNPT - Ông Phạm Đức Long là ai?

Ngày 12/06/2020, ông Phạm Đức Long, Phụ trách Hội đồng thành viên (HĐTV), Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) chính thức được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT theo Quyết định số 818/QĐ/TTg. 

Như vậy, sau một thời gian dài mà người tiền nhiệm là ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT nghỉ hưu từ 1/11/2019, vị trí ghế nóng của tập đoàn đã có chủ sở hữu. 

Vị Chủ tịch mới của VNPT sinh ngày 27/5/1970, nguyên quán tại xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Hiện địa chỉ cư trú của ông ở phường Phú Thuận, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh. Về học vấn, ông Long có bằng Tiến sĩ điện tử viễn thông tại Nhật Bản và là cán bộ của VNPT từ năm 1992.

Ông Long đã có 28 năm công tác tại Tập đoàn VNPT. Ông từng đi qua nhiều vị trí và tích lũy được nhiều kinh nghiệm công tác quan trọng. Trong thời gian công tác tại Bưu điện TP Hồ Chí Minh trước đây và nay là VNPT TP. Hồ Chí Minh - một đơn vị lớn của Tập đoàn, ông Phạm Đức Long đã được lãnh đạo tin tưởng và giao đảm nhiệm nhiều vị trí quản lý quan trọng như Trưởng phòng Viễn thông, Phó Giám đốc Viễn thông TP Hồ Chí Minh và Giám đốc Viễn thông TP Hồ Chí Minh.

Chủ tịch VNPT Phạm Đức Long: Người quyết tâm dẫn đầu cách mạng 4.0, đưa Việt Nam thành cường quốc số - ảnh 1

Chân dung vị Chủ tịch HĐTV Phạm Đức Long của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT

Đến hiện tại, ông vừa là Phó Bí thư Ban Chấp hành Đảng ủy Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, vừa đảm nhận chức vụ chuyên môn là Thành viên Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn VNPT. Ở bất cứ cương vị công tác nào, ông Phạm Đức Long đều có những cống hiến với nhiều thành tích nổi bật trong sự phát triển chung của Tập đoàn VNPT.

Như vậy, ban lãnh đạo của tập đoàn VNPT gồm có: Hội đồng thành viên với ông Phạm Đức Long là chủ tịch và ông Đỗ Vũ Anh, ông Hồ Đức Thắng là Thành viên; Ban Tổng giám đốc điều hành gồm ông Huỳnh Quang Liêm là Quyền Tổng Giám đốc Tập đoàn và 3 Phó Tổng giám đốc là các ông Tô Dũng Thái, ông Nguyễn Nam Long, ông Nguyễn Đình Danh.

Hành trình sự nghiệp của ông Phạm Đức Long

Về chuyên môn

Từ tháng 1/2009 đến tháng 04/2009: Trưởng Phòng Viễn thông – Viễn thông Thành phố Hồ Chí Minh;

Từ tháng 04/2009 đến tháng 03/2012: Phó Giám đốc Viễn thông Thành phố Hồ Chí Minh;

Từ tháng 03/2012 đến tháng 12/2013: Giám đốc Viễn thông Thành phố Hồ Chí Minh;

Từ tháng 12/2013 đến tháng 3/2015: Thành viên Hội đồng Thành viên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam;

Từ tháng 4/2015 đến nay: Thành viên Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.

Về Đảng, đoàn thể 

Từ tháng 8/2010: Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy khối Bưu chính Viễn thông - Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010-2015 ; 

Từ tháng 09/2014: Ủy viên Ban chấp hành Đảng ủy Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam nhiệm kỳ 2010-2015; 

Từ tháng 12/2014: Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam nhiệm kỳ 2010-2015; 

Từ tháng 4/2015: Phó Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam nhiệm kỳ 2010-2015.

Từ ngày 12/06/2020: Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT.

 Chủ tịch VNPT Phạm Đức Long: Người quyết tâm dẫn đầu cách mạng 4.0, đưa Việt Nam thành cường quốc số - ảnh 2

Chủ tịch Phạm Đức Long trong sự kiện tổ chức ngày 16 tháng 12 năm 2020

Thành tựu đạt được cùng VNPT của ông Phạm Đức Long

Trong thời kỳ khó khăn do đại dịch Covid-19, tổng doanh thu toàn VNPT vẫn đạt 162,7 nghìn tỷ đồng, hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh. Trong đó doanh thu Công ty mẹ đạt 43,2 nghìn tỷ đồng, bằng 96% kế hoạch (nếu loại trừ yếu tố ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là khoảng 2.000 tỷ đồng thì VNPT hoàn thành kế hoạch doanh thu).

Lợi nhuận VNPT đạt 7,1 nghìn tỷ đồng, trong đó lợi nhuận Công ty mẹ đạt 5,1 nghìn tỷ đồng bằng 102,2% kế hoạch. Nộp ngân sách nhà nước đạt 5,2 nghìn tỷ đồng, bằng 102% kế hoạch. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu của VNPT đạt 10,4%.

Những tín hiệu khả quan giúp VNPT được Brand Finance xếp hạng TOP 2 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, xếp thứ 55 trên tổng thể bảng xếp hạng thương hiệu - tăng lên 17 vị trí so với thứ hạng 72 của năm 2019.

Cùng với đó, VNPT cũng được nhiều đơn vị quốc tế vinh danh và trao giải. Điển hình là 15 giải thưởng lớn tại Stevie Awards châu Á - Thái Bình Dương 2020 và 5 giải thưởng Stevie Awards Kinh doanh quốc tế, VNPT tiếp tục khẳng định vị trí dẫn dắt trong công cuộc CĐS tại Việt Nam và hướng đến những sản phẩm dịch vụ chất lượng quốc tế.

Lần đầu tiên tham gia giải thưởng CNTT thế giới nhưng VNPT đã trở thành doanh nghiệp (DN) Việt Nam đạt nhiều giải thưởng nhất với 6 giải Vàng, 3 giải Bạc và 1 giải Đồng. VNPT còn được đánh giá cả về sáng tạo, tư duy đổi mới với giải thưởng "Đơn vị viễn thông sáng tạo nhất châu Á" tại Asia Communication Awards.

Chủ tịch VNPT Phạm Đức Long: Người quyết tâm dẫn đầu cách mạng 4.0, đưa Việt Nam thành cường quốc số - ảnh 3

VNPT đã đạt được những bước tăng trưởng tích cực trong thời kỳ đại dịch Covid-19 đầy khó khăn.

Khát vọng đưa Việt Nam thành cường quốc số của Chủ tịch VNPT

Những kết quả khả quan trong năm 2020 được ông Phạm Đức Long, Chủ tịch HĐTV VNPT lý giải nguyên do chính nằm ở khát vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc số luôn hiển hiện trong trái tim của mọi thành viên tại VNPT, thôi thúc họ không ngừng cống hiến, lăn xả làm việc.

Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông đã quyết tâm và thực hiện tốt việc không giảm lương, giảm thu nhập của cán bộ, nhân viên trong suốt thời kỳ đại dịch Covid-19, dù gặp nhiều khó khăn về kinh tế tài chính, sau đó đối mặt với bão lũ nặng nề ở miền Trung. Để làm được điều này, ông Long cho biết, đó là cả một thử thách lớn lao về ý chí và tinh thần vượt khó của mỗi người.

Nhưng cũng nhờ vậy, ông Long và Ban lãnh đạo VNPT đã tạo một động lực mới, khơi dậy sự sáng tạo, tạo nên sức mạnh để toàn bộ tập thể cán bộ tại tập đoàn không ngừng cống hiến, lăn xả làm việc. Kết quả là sau một năm gian nan khắc nghiệt, bộ máy VNPT đã hoạt động với 200% nỗ lực và công suất. Đơn vị thể hiện rõ bản lĩnh “anh cả đỏ” để sát cánh trên mọi mặt trận cả về kinh tế lẫn xã hội, y tế cộng đồng.

Cũng trong năm 2020, VNPT đã tham gia sâu, rộng và khẳng định vai trò chủ lực, tiên phong, dẫn dắt chuyển đổi số cho nền kinh tế như hình thành và phát triển các nền tảng Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; tích hợp chia sẻ dữ liệu và Cổng dữ liệu mở quốc gia, Cơ sở dữ liệu dân cư kết nối dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương nhằm kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu; triển khai Trung tâm thông tin, chỉ đạo của Chính phủ; Cổng dịch vụ công quốc gia…

Giai đoạn 2020 - 2025, VNPT đặt mục tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu tăng 5%/năm; tăng trưởng lợi nhuận 6 - 8%/năm; tăng trưởng doanh thu bình quân 5 - 7%/năm. Đặc biệt, doanh thu từ dịch vụ số và công nghệ thông tin - truyền thông đạt 25 - 30% trong cơ cấu doanh thu; năng suất lao động bình quân tăng 7%/năm và tiền lương tăng 5%/năm.

VNPT thể hiện rõ khát vọng trở lại “ngôi vương” khi muốn trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu Việt Nam, là tập đoàn công nghệ hàng đầu quốc gia, tiên phong trong nghiên cứu, làm chủ và ứng dụng các công nghệ mới. 

Vị thuyền trưởng VNPT cho rằng, đây là lợi thế cạnh tranh để giúp Tập đoàn đưa Việt Nam trở thành cường quốc số mà ở đó, VNPT không còn khoác áo cũ là tập đoàn viễn thông, mà đã vươn tầm trở thành trung tâm dịch vụ số hàng đầu, không chỉ trong nước mà cả trên thị trường quốc tế, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á.

Xem thêm: Giữ vững phong độ giữa đại dịch, VNPT đạt doanh thu `khủng` gần 163.000 tỷ đồng trong năm 2020

Phương Thúy

ĐỌC NHIỀU