Chủ tịch VPBA: Chính phủ chỉ đạo quyết liệt chuyển đổi số, cơ hội mới cho Doanh nhân, doanh nghiệp

Nhật Nam 10:17 | 01/12/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chiều 30/11, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp trực tuyến của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS).

Đây là phiên họp thứ nhất của Ủy ban này kể từ thời điểm được kiện toàn từ Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử. Trước đó Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1964/QĐ-TTg phê duyệt danh sách thành viên Ủy ban Quốc gia về CĐS và lãnh đạo Tổ công tác giúp việc Ủy ban.

Ủy ban do Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Chủ tịch. Ủy ban có 2 Phó Chủ tịch gồm: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban) và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Cơ hội mới cho Doanh nhân, doanh nghiệp

Trao đổi nhanh với Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam tối 30/11, Phó GS, TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam (VPBA), nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia, Thứ trưởng Bộ Nội vụ phấn khởi cho biết:

PGS.TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội VPBA. (Ảnh: DNVN)

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định chuyển đổi số (CĐS) là một trong 3 trụ cột thực hiện phát triển bền vững đất nước, đồng thời là một trong những khâu đột phá lớn, góp phần tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Việc Thủ tướng Chính phủ trong phiên họp đầu tiên của Uỷ ban Quốc gia CĐS đưa ra những chỉ đạo hết sức quan trọng về CĐS là thể hiện tư duy mang tính thời đại sâu sắc, quyết tâm rất cao và hành động mạnh mẽ, quyết liệt của Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ với kỳ vọng triển khai hiệu quả chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng sớm trở thành hiện thực trong cuộc sống.

Những định hướng lớn, quan trọng vừa khái quát, cơ bản, vừa cụ thể, thiết thực mà Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, mở ra cơ hội phát triên mới cho xã hội nói chung và Doanh nhân, doanh nghiệp nói riêng nhất là khi chúng ta đang vượt khó để hồi phục nền kinh tế sau những tổn thất nặng nề mà đại dịch Covid-19 gây ra vừa qua. CĐS sẽ thúc đẩy cải cách TTHC mạnh mẽ, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng thuận lợi, thông thoáng. Những chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ cũng là cơ sở kiến tạo những quyết sách cụ thể hơn nữa về CĐS, thống nhất từ Chính phủ tới địa phương; khơi dậy sức mạnh nội sinh của doanh nghiệp và mở ra những cơ hội đổi mới sáng tạo về quản trị doanh nghiệp, đầu tư, sản xuất kinh doanh, khởi nghiệp…góp phần  nâng cao sức cạnh tranh và tinh thần tự lực, tự cường của Doanh nhân Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế, Chủ tịch VPBA, PGS.TS Nguyễn Trọng Điều nói.

Những định hưóng lớn, chỉ đạo quan trọng, cơ bản của Thủ tướng về CĐS

Nhấn mạnh yêu cầu triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về CĐS, Thủ tướng nêu rõ: Chúng ta phải  tổ chức thực hiện cho thực sự có hiệu quả, đặc biệt trong thời điểm hiện nay, CĐS đang góp phần vào khôi phục và phát triển KTXH, phòng chống dịch có hiệu quả, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng, nâng vao vai trò, vị thế, tiềm lực và uy tín của đất nước trong xu thế hội nhập quốc tế.

Thủ tướng Phạm Mịnh Chính phát biểu tại Phiên họp. (Ảnh: VGP)

CĐS là xu thế tất yếu của thế giới, là đòi hỏi khách quan của sự phát triển. Chúng ta không thể không làm, không thể đứng ngoài cuộc.

CĐS tác động tới tất cả cơ quan, đơn vị, địa phương. Do đó, tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương phải bắt tay vào làm, như vậy, mới tạo ra hệ thống tổng thể và liên thông, từ trung ương tới cấp cơ sở. CĐS tác động tới mọi người dân, cho nên phải lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cho CĐS. Mọi chính sách đều hướng về người dân, doanh nghiệp và người dân, doanh nghiệp cần tham gia vào quá trình CĐS.

Phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, có cách làm phù hợp, nhất là bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan để xây dựng chương trình, kế hoạch CĐS. Làm việc có trọng tâm, trọng điểm, nguồn lực ít nhưng phải có hiệu quả lớn, sức lan tỏa rộng, mang lại lợi ích cho nhiều người, nhiều doanh nghiệp.

Phải có đầu tư thích đáng cho hoàn thiện thể chế, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, quản trị trên cơ sở khoa học, hợp lý, hiệu quả. “Chúng ta phải đẩy mạnh hợp tác công – tư trong CĐS; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực cho xã hội để phục vụ CĐS với 3 trụ cột chính: chính phủ số, kinh tế số, xã hội số”, Thủ tướng nói và lưu ý, cần nâng cao nhận thức. Tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm việc nào dứt việc đó.

Phải  tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, đo lường, đánh giá hiệu quả của CĐS. Phải tăng cường công tác thông tin truyền thông để tạo sự đồng thuận, sự hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp để cùng vào cuộc với cấp chính quyền. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội để thúc đẩy công cuộc CĐS. Phát triển hài hòa, hợp lý, gắn kết giữa công nghệ và cải cách hành chính. Phát triển CĐS cần có sự kế thừa và đổi mới, sáng tạo.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển CĐS. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách với tinh thần là xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn và lấy thực tiễn làm thước đo. Tích cực hoàn thiện các cơ sở dữ liệu. Triển khai chương trình phát triển công dân số.

Tích cực hỗ trợ hợp tác giữa các địa phương và hợp tác quốc tế rộng rãi. Các địa phương, các bộ ngành phải chia sẻ dữ liệu, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác với nhau trong CĐS, tránh tình trạng cục bộ. Phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, đặt lợi ích chung lên trên hết, chứ không vì lợi ích của cá nhân, của ngành nào, lĩnh vực, địa phương nào, Thủ tướng nhấn mạnh.