Chưa có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xã hội
(DNVN) - Trong những năm trở lại đây, doanh nghiệp xã hội đã và đang có nhiều đóng góp về kinh tế, xã hội cho đất nước. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xã hội vẫn còn gặp rào cản khi khó tiếp cận vốn, đất đai, thủ tục pháp lý phức tạp… nên chưa thể phát triển bền vững.
Để doanh nghiệp xã hội phát triển bền vững hơn, TS. Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đã có cuộc trao đổi cụ thể về vấn đề này.
Thưa ông, ông đánh giá thế nào về những đóng góp của các doanh nghiệp xã hội (DNXH) trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay?
TS. Phan Đức Hiếu: Ngoài những đóng góp thông thường như một doanh nghiệp, đó là có những sản phẩm dịch vụ, có thu nhập, doanh thu, tạo ra công ăn việc làm cho người lao động, thì DNXH đóng góp những giá trị, góp phần vào giải quyết các vấn đề xã hội như mục tiêu mà DNXH đó thành lập ban đầu.
Các DNXH hoạt động đa dạng trên các lĩnh vực như giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe, thủ công mỹ nghệ, truyền thông cộng đồng, nông nghiệp, bảo vệ môi trường… Qua đó, các DNXH đã góp phần hỗ trợ Chính phủ trong giải quyết các vấn đề xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ và nâng cao năng lực cho các nhóm yếu thế, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Những nghiên cứu gần đây cho thấy, những hình thức DNXH hay doanh nghiệp kinh doanh có tác động xã hội có xu hướng tăng lên rất nhiều so với giai đoạn trước.
Về mặt chính sách, từ khi ra đời Luật Doanh nghiệp 2014, trong đó có một điều khoản lần đầu tiên luật pháp, Chính phủ ghi nhận DNXH như là một hình thức hoạt động kinh doanh chính danh.
Điều khoản này ra đời với mong muốn tại thời điểm đó, với vai trò và vị trí của Luật Doanh nghiệp sẽ góp phần thúc đẩy DNXH. Và cho đến nay chúng ta chưa ghi nhận thêm bất kỳ một chính sách nào đáng kể như vậy thúc đẩy phát triển DNXH .
Như vậy có thể hình dung, DNXH với mặt bằng chung về chính sách cũng giống như doanh nghiệp thông thường. Và thực tế chúng ta phải thừa nhận và ghi nhận những đóng góp của DNXH, đó không chỉ là những đóng góp về giá trị vật chất, mà nó là phương thức, cách thức giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường một cách bền vững.
Như ông vừa chia sẻ, hiện chưa có nhiều chính sách hỗ trợ DNXH. Vậy ông có khuyến nghị gì để giúp DNXH phát triển mạnh hơn?
TS. Phan Đức Hiếu: Giải pháp ở đây không chỉ bó hẹp về chính sách, mà chúng ta phải tạo ra một hệ sinh thái, ở đó DNXH có điều kiện để phát triển. Nói rộng hơn, việc đầu tiên là vai trò của các trường đại học, của các tổ chức giáo dục rất quan trọng. Các trường đại học và Chính phủ nói nhiều đến khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo mà chưa đưa vào những ý tưởng khởi nghiệp xã hội sáng tạo. Nên chúng ta cần quan tâm đến lĩnh vực này.
Thứ hai, hệ sinh thái ở đây phải tính đến người tiêu dùng, khách hàng, và chúng tôi mong muốn người tiêu dùng Việt Nam phải thông minh hơn. Mặc dù xu hướng hiện nay đề cao tiêu dùng xanh, sạch, nhưng tiêu dùng xã hội, môi trường bền vững cũng rất đáng quan tâm.
Vì vậy chúng ta cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức, truyền thông, hướng khách hàng tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp kinh doanh vì mục tiêu xã hội, có tác động xã hội.
Vấn đề nữa là chính sách. Ở đây có vai trò của Chính phủ cũng không kém phần quan trọng. Đã đến lúc chúng ta phải có chính sách hỗ trợ kỹ thuật để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp xã hội. Bởi vì có thể tại thời điểm năm 2014 chúng ta chưa có khái niệm pháp lý về DNXH. Nên khi bàn về các chính sách thúc đẩy DNXH thì nhiều người nghi ngờ. Họ nghi ngờ vì họ chưa nhìn thấy, chưa ghi nhận được các bằng chứng thực tế, nên họ đặt câu hỏi: Liệu rằng DNXH tồn tại ở Việt Nam và đóng góp như thế nào để chúng ta phải đưa ra chính sách?
Nhưng cho đến nay tôi có thể khẳng định, các đóng góp của DNXH đã đủ bằng chứng, đủ sự thuyết phục và có những đóng góp rất lớn để cần có chính sách hỗ trợ DNXH. Các chính sách hỗ trợ DNXH cần có cách tiếp cận khác với cách tiếp cận truyền thống. Không phải sự hỗ trợ trực tiếp về mặt tài chính hay kỹ thuật, mà là các hỗ trợ thúc đẩy nhu cầu của xã hội.
Ví dụ trong chính sách đấu thầu, mua sắm của Chính phủ, nếu hai nhà cùng cung cấp dịch vụ, cùng giá cả, chất lượng, sản phẩm thì chúng ta nên ưu tiên tiêu dùng sản phẩm của DNXH. Như vậy, chính sách sẽ tác động rất lớn đến việc thúc đẩy kinh doanh xã hội. Cách này theo tôi hợp lý hơn việc cứ đưa ra các quỹ hay ban bố ra các quỹ hỗ trợ DNXH.
Một yếu tố nữa cũng đáng nghiên cứu và ban hành là vấn đề tài chính. Ví dụ các chính sách về thuế. Tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể miễn thuế cho DNXH, nhưng các chính sách về miễn giảm thuế VAT hay miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với những phần lợi nhuận mà DNXH giữ lại để tái đầu tư là rất cần thiết.
Có nhiều cách thức khác nhau, nhưng đã đến lúc đủ bằng chứng để thuyết phục Chính phủ, các cơ quan có liên quan cần nghiên cứu và có chính sách thúc đẩy trực tiếp ngoài việc tạo ra hệ sinh thái phát triển DNXH.
Xin cảm ơn ông.