Chứng khoán BSC: VN-Index có thể quay trở lại vùng 1.080 – 1.100 điểm trong tháng 5

Diên Vỹ 11:18 | 08/05/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nhóm phân tích từ Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (Chứng khoán BSC) trong báo cáo vĩ mô ngày 7/5 vừa qua đã đưa ra hai kịch bản cho thị trường chứng khoán Việt Nam tháng 5. Ở kịch bản cơ sở, dự báo VN-Index có thể quay trở lại vùng 1.080 – 1.100 điểm trong tháng này.

 

Tâm lý thận trọng bao trùm, thị trường chứng khoán tháng 4 phần lớn ở trạng thái giằng co

 

Nhận định sơ lược về diễn biến thị trường chứng khoán trong tháng 4, nhóm phân tích cho hay thanh khoản yếu và tâm lý thận trọng bao trùm khiến thị trường phần lớn thời gian ở trong trạng thái giằng co.

Cụ thể, kết thúc tháng 4, VN-Index và HNX-Index lần lượt giảm -2,79% và -1,43% so với đầu tháng. Các chỉ số đều trong xu hướng tích lũy.

Khối ngoại chuyển sang trạng thái bán ròng 2.711 tỷ trong tháng, tạo áp lực giảm điểm cuối tháng. HPG, HDB và VPB là 3 mã được khối ngoại tập trung mua ròng nhiều nhất lần lượt 519 tỷ đồng, 235 tỷ đồng và 113 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, STB, VNM và VND là 3 mã bán ròng với giá trị lớn nhất lần lượt là 729 tỷ đồng, 418 tỷ đồng và 351 tỷ đồng. 

Trong khi đó, khối nhà đầu tư cá nhân trong nước giao dịch sôi động trở lại với tỷ trọng 85%, tăng 20% so với tháng 3, cao hơn so với trung bình 12 tháng (82%). Tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư tổ chức trong nước ghi nhận giảm 0,3% so với tháng 3 và thấp hơn mức trung bình 12 tháng.

 Biểu đồ giá trị giao dịch của khối các nhà đầu tư trong tháng 4 so với các tháng liền trước. Nguồn: BSC Research.

Vốn hóa toàn thị trường giảm 1,1% so với tháng 3. Thanh khoản tháng 4 có xu hướng tăng so với tháng 3 nhờ một số thông tin về chính sách hỗ trợ kinh tế của Nhà nước, với mức tăng thanh khoản 3 sàn đạt 27,96%. Giá trị giao dịch bình quân tháng 4 trên 3 sàn đạt 514 triệu USD/phiên. Chứng khoán BSC nhận định giao dịch nhìn chung thấp đều qua từng tháng và ghi nhận những phiên giá trị giao dịch thấp nhất kể từ đầu năm.

P/E VN-Index kết thúc tháng 4 ở mức 11,41 lần, giảm -3,14% so với tháng 3 và xếp thứ 3 của châu Á, trong khi P/E HNX-Index ở mức 23,65 lần – đứng thứ 19 khu vực. 

 

  Nguồn: BSC Research. 

 

 

Hai kịch bản cho TTCK Việt Nam trong tháng 5

 

Nhận định về thị trường chứng khoán tháng 5, Chứng khoán BSC đưa ra hai kịch bản. 

Ở kịch bản 1, tức kịch bản tích cực, nhóm phân tích cho rằng VN-Index có khả năng quay trở lại vùng 1.080 – 1.100 điểm, trên các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng, kích cầu tiêu dùng của Chính phủ từng bước được thực thi, một số chủ trương quan trọng dự kiến sẽ được thông qua khi kỳ họp thứ 5 của Quốc hội sẽ diễn ra trong tháng 5.

Mặt khác, trên cơ sở chỉ đạo, điều hành của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay - điều này sẽ tạo đà tâm lý tích cực cho thị trường cũng như nền kinh tế. 

Bên cạnh đó, nhóm phân tích kỳ vọng kết quả kinh doanh quý I của hầu hết các doanh nghiệp phần lớn đã phản ánh trong diễn biến giảm điểm của tháng 4 và việc khối ngoại giảm tốc độ bán ròng, có thể quay trở lại mua ròng sẽ tạo động lực để thị trường đi lên.

Với kịch bản này, P/E VN-Index dự báo vận động trong vùng 11,5-12. Thanh khoản dự báo dao động ở mức 0,6-0,7 tỷ USD/phiên

Ở kịch bản 2, tức kịch bản thận trọng, Chứng khoán BSC cho rằng VN-Index sẽ quay trở lại ngưỡng 1.030 điểm và các mốc thấp hơn đã thiết lập trước đó, khi cuộc khủng hoảng hệ thống ngân hàng tại Mỹ chưa có dấu hiệu dừng lại sau vụ sụp đổ của First Republic Bank, trong bối cảnh môi trường lãi suất cao tiếp tục được duy trì khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng 25 điểm cơ bản trong cuộc họp vào đầu tháng 5.

Mặt khác, căng thẳng địa chính trị giữa các nước tiếp tục leo thang có thể tiềm ẩn những tác động tiêu cực đến cục diện giữa các nước cũng như diễn biến dòng tiền đầu tư trên thế giới. Thị trường trong nước bước vào giai đoạn thiếu vắng thông tin. Khả năng khối ngoại và các ETF chủ đạo có thể sẽ tiếp tục bán ròng khi các rủi ro tiêu cực vĩ mô trên thế giới vẫn còn rất khó lường.

Về chiến lược đầu tư tháng 5, BSC nhận định một số diễn biến trên thị trường thế giới có thể tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán trong nước. Cụ thể, bất ổn trong hệ thống ngân hàng tại Hoa Kỳ tiếp tục quay trở lại sau vụ sụp đổ tiếp theo của First Republic Bank, điều này có thể sẽ khiến thị trường chứng kiến các ngân hàng địa phương tiếp theo đứng trước nguy cơ đổ vỡ. 

Mặt khác, hành động tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp của FED vào ngày 3/5 vừa qua có thể sẽ là đợt tăng cuối cùng trong chu kỳ thắt chặt CSTT (bắt đầu kể từ 2022) khi cơ quan này cảm nhận rõ ràng hơn về sức ép đang gia tăng đối với nền kinh tế trong bối cảnh hoạt động thắt chặt tín dụng đang diễn ra. Môi trường lãi suất cao sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới và việc đảo chiều chính sách trong 2023 sẽ khó xảy ra như lời khẳng định của chủ tịch Fed, rủi ro tiềm ẩn trong lĩnh vực bất động sản thương mại và lạm phát vẫn đang ở mức cao so với mục tiêu đề ra sẽ tiếp tục là thách thức cho nền kinh tế Hoa Kỳ nói riêng và bối cảnh thế giới nói chung. 

Trong nước, trong tháng 4, Chính phủ đã chỉ đạo, xử lý một loạt các vấn đề cấp bách, thiết thực liên quan tới quốc kế, dân sinh nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Đây là cơ sở tiền đề để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tiến đến hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra. Nhóm phân tích kỳ vọng các biện pháp thúc đẩy đầu tư công, giảm mặt bằng lãi suất, kích cầu tiêu dùng… sẽ tạo đà tâm lý tích cực cho nền kinh tế cũng như thị trường trong giai đoạn hiện tại khi bối cảnh vĩ mô thế giới tiếp tục diễn biến khó lường.

Dựa trên những yếu tố này, trong chiến lược đầu tư tháng 5, Chứng khoán BSC khuyến nghị một số nhóm ngành bao gồm: Nhóm cổ phiếu đầu tư công; nhóm hưởng lợi khi Trung Quốc mở cửa; nhóm tài chính, bảo hiểm, công nghệ thông tin; nhóm năng lượng tiện ích. “Nhà đầu tư cần tiếp tục bám sát diễn biến dòng tiền của khối ngoại, trạng thái của các ETF lớn”, nhóm phân tích nhấn mạnh.