Chứng khoán hồi phục, khối ngoại có tuần mua ròng mạnh nhất từ đầu năm
Đáng chú ý, tại Việt Nam, các chỉ số chứng khoán hồi phục cùng thanh khoản tăng cao. Cùng đó, sau thời gian dài bán ròng, khối ngoại đã trở lại mua ròng liên tiếp trong tuần qua, với tổng giá trị hàng nghìn tỷ đồng.
Kịch bản VN-Index vượt mốc 1.300 điểm
Theo ông Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VNDirect (VNDirect), việc Fed ngày 18/9 đã chính thức khởi động nới lỏng chính sách tiền tệ là động thái được thị trường chờ đợi từ lâu, với quyết định cắt giảm 0,5 điểm phần trăm lãi suất điều hành. Đây là sự khởi đầu “mạnh tay” của Fed và cũng gây tranh cãi khi phần lớn các nhà kinh tế nghiêng về kịch bản cắt giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất điều hành ngay sát cuộc họp.
"Việc cắt giảm lãi suất vừa qua của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chắc chắn sẽ có tác động đáng kể tới triển vọng thị trường tài chính toàn cầu nói riêng và thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới", ông Hinh nói.
Có những tiếng nói cho rằng việc Fed mạnh tay giảm lãi suất là do nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ. Theo ý kiến của ông Hinh, góc nhìn này không toàn diện.
Trong bối cảnh lạm phát thấp hơn dự báo và thị trường việc làm xuất hiện những mối lo ngại dù vẫn trong tầm kiểm soát, thì việc Fed cắt giảm lãi suất 0,5 điểm % lại rất logic. Chủ tịch Fed Jerome Powell chia sẻ về hành động “mạnh tay” cắt giảm lãi suất rằng: “Có quan điểm cho rằng giờ là lúc phải hỗ trợ thị trường việc làm, ngay khi thị trường còn mạnh chứ không phải khi sa thải đã bắt đầu xảy ra”.
Theo ông Đinh Quang Hinh, có thể thấy, mặc dù vẫn khẳng định nền kinh tế Mỹ vẫn đang khỏe mạnh, người đứng đầu của Fed dường như đồng tình những vấn đề mà giới chuyên gia đặt ra đó là chính sách tiền tệ có độ trễ để phát huy tác dụng và với thông tin thu lượm được từ doanh nghiệp cũng như tốc độ tuyển dụng chậm lại, giới chức Fed cảm thấy cần thiết phải chặn trước sự suy yếu mạnh mẽ hơn của thị trường việc làm.
Do đó, việc cắt giảm 0,5 điểm % lãi suất điều hành giống như một sự can thiệp trước của Fed hơn là một hành động chữa cháy khi mọi thứ đã quá muộn màng.
Cùng với động thái hạ lãi suất, Fed cũng đưa ra những thay đổi khá nhất quan như hạ dự báo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng về mức 2,3% vào cuối năm nay, từ dự báo 2,6% trước đó và tiếp tục giảm về 2,1% vào cuối năm 2025.
Về tỷ lệ thất nghiệp, Fed dự báo con số 4,4% vào cuối năm nay, từ dự báo trước đó là 4% và cho rằng mức này sẽ duy trì cho tới hết năm 2025. Về tăng trưởng kinh tế, Fed dự báo mức tăng 2,1% trong năm nay và 2% vào năm tới, không thay đổi so với dự báo đưa ra hồi tháng 6.
Phản ứng tích cực của thị trường chứng khoán Mỹ sau động thái của Fed cũng củng cố cho kịch bản “hạ cánh mềm” của nền kinh tế Mỹ.
Trong nước, xu hướng giảm lãi suất của Fed sẽ có tác động tích cực tới nền kinh tế và thị trường tài chính - tiền tệ.
Việc Fed giảm lãi suất sẽ hỗ trợ nền kinh tế Mỹ và thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, qua đó tác động tích cực tới triển vọng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ. Cần nhấn mạnh rằng Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 30% tổng giá trị nhập khẩu của nước ta.
Việc Fed giảm lãi suất cũng khiến chỉ số đô la Mỹ (DXY) suy yếu, giúp hạ nhiệt áp lực tỷ giá và lạm phát, qua đó tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước linh hoạt hơn trong điều hành chính sách tiền tệ, chuyển hướng ưu tiên sang hỗ trợ thanh khoản hệ thống và duy trì môi trường lãi suất thấp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nghiệp vụ thị trường mở (OMO) và mua vào dự trữ ngoại hối để cung tiền đồng ra thị trường nhằm cải thiện tăng trưởng cung tiền, vốn rất chậm kể từ đầu năm nay.
“Với những kỳ vọng trên, tôi duy trì quan điểm tích cực đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong trung hạn từ nay tới cuối năm”, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường VNDirect, ông Đinh Quang Hinh nói.
Ông Hinh duy trì quan điểm tích cực đối với triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn cuối năm và kịch bản VN-Index vượt mốc 1.300 điểm trong năm nay hoàn toàn khả thi nhờ chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng hơn; kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục cải thiện; tiến triển mới trong câu chuyện nâng hạng thị trường.
Theo ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) nhìn nhận, cho dù fed cắt giảm 25 hay 50 điểm cơ bản và phản ứng tức thời của thị trường là tăng hay giảm, chúng tôi tin rằng điều này không theo kịp bức tranh toàn cảnh.
Fed cắt giảm không phải để ứng phó với một số cuộc khủng hoảng như COVID-19 (2020); khủng hoảng tài chính toàn cầu (2007) hay bong bóng Internet (2001) mà vì một lý do chính đáng. Lãi suất quỹ Fed là hơn 5% trong khi lạm phát (CPI/PCE) đã giảm xuống còn khoảng 2,5%, để lại nhiều dư địa cho việc cắt giảm lãi suất để đưa lãi suất trở lại mức "trung lập".
Thị trường chứng khoán Mỹ đang ở đỉnh mọi thời đại và hiện vẫn cao hơn mọi mục tiêu giá cuối năm 2024 của các nhà chiến lược Phố Wall và cao hơn 15,6% so với mục tiêu trung bình (S&P 500: 4.861 điểm) trong khi vẫn còn hơn 3 tháng nữa.
“Chúng tôi cho rằng, mặc dù vẫn có lo ngại tăng trưởng, nền kinh tế Mỹ “hạ cánh mềm” vẫn có xác suất cao hơn và do vậy sẽ có nhiều đợt cắt giảm lãi suất sắp diễn ra”, ông Ngô Quốc Hưng nói.
Chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho biết, sau 3 tuần giao dịch tương đối ảm đạm trước đó, thị trường “nín thở” chờ đợi từng ngày tới sự kiện quan trọng nhất, mang yếu tố xoay chuyển nền tài chính toàn cầu đó là cuộc họp Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) thuộc Fed.
Theo CSI, câu nói “Don't fight the Fed” (đừng chống lại Fed) được giới đầu tư xem là kim chỉ nam trong quyết định đầu tư và sự chờ đợi được đền đáp xứng đáng khi fed khởi đầu chu kỳ nới lỏng tiền tệ bằng việc cắt giảm 0,5% điểm lãi suất.
Xét chung cả tuần qua, thị trường Việt Nam có một tuần giao dịch tương đối thành công khi bật tăng hơn 20 điểm, lấy lại hầu hết các đường trung bình quan trọng và chấm dứt chuỗi 3 tuần điều chỉnh đầy “u ám”.
VN-Index trải qua phiên đầu tuần với nhiều sóng gió khi áp lực bán bất ngờ tăng mạnh đẩy chỉ số xuống sát mức 1.240 điểm. Đây cũng là phiên điều chỉnh duy nhất trong tuần, thị trường nhanh chóng lấy lại niềm tin ngay sau đó với phiên bứt phá gần 20 điểm và duy trì chuỗi 4 phiên tăng điểm liên tiếp.
Điểm sáng trong tuần qua đến từ thanh khoản thị trường có sự hồi phục đáng kể; trong đó, phải kể đến nhóm ngành có sức mạnh dẫn dắt như ngân hàng và chứng khoán.
Khối ngoại xoay chiều mua ròng trong tuần qua với 4 phiên mua ròng liên tiếp. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục được củng cố sau khi Fed bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ. Đóng cửa tuần giao dịch 16-20/9, chỉ số VN-Index chốt ở mức 1.272,04 điểm, tăng 20,33 điểm.
Thanh khoản có những bước tiến đáng ghi nhận, áp sát trở lại mức bình quân 20 tuần giao dịch. Lũy kế đến cuối tuần giao dịch, thanh khoản khớp lệnh bình quân trên sàn HOSE đạt 659 triệu cổ phiếu (tăng tới 32,74% so với tuần giao dịch trước), tương đương 16,306 tỷ đồng (tăng 32,18% về giá trị giao dịch)
Độ mở thị trường có một tuần khởi sắc với 17/21 nhóm ngành tăng điểm. Hồi phục và bứt phá mạnh mẽ trong tuần qua phải kể đến những nhóm ngành như: Thủy sản tăng 4,71%, công nghệ viễn thông tăng 4,21%, chứng khoán tăng 3,37%, ngân hàng tăng 2,48%...
Ở chiều ngược lại, các nhóm ngành như hàng tiêu dùng giảm 2,82%, phân bón giảm 0,46%, điện giảm 0,21%, bảo hiểm giảm 0,18% vẫn chịu sức ép điều chỉnh.
Khối ngoại có tuần qua, với giá trị mua ròng đạt 1.221 tỷ đồng trên sàn HSX. Tâm điểm mua ròng của nhóm nhà đầu tư ngoại trong tuần qua là các cổ phiếu: SSI (666 tỷ đồng), FPT (363 tỷ đồng), TCB (274 tỷ đồng)...
Thực tế cho thấy, việc Fed cắt giảm lãi suất đang có những tác động tích cực lên thị trường chứng khoán toàn cầu.
Chứng khoán thế giới tăng điểm
Tính chung trong cả tuần (từ 16 - 20/9), thị trường chứng khoán Mỹ đã ghi nhận mức tăng hàng tuần trên 1%, với các chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt là 1,62%, 1,36% và 1,49%.
Chỉ số S&P 500 đã tăng tổng cộng 0,8% trong ba tuần qua, đi ngược lại với truyền thống tháng 9 là tháng tăng trưởng yếu nhất do tính dễ bị tổn thương trước các biến động thị trường. Tuy nhiên, các chiến lược gia nhận định, khó khăn vẫn còn phía trước và có thể kéo dài đến cuộc bầu cử Mỹ ngày 5/11.
Đi cùng chiều với thị trường chứng khoán Mỹ, thị trường chứng khoán châu Âu và châu Á đều đã có phiên tăng điểm tích cực trong ngày 19/9. Tuy nhiên bước sang ngày 20/9, hầu hết các thị trường chứng khoán lớn của châu Âu đều giảm điểm, ngoại trừ Tây Ban Nha. Chỉ số chứng khoán toàn châu Âu STOXX 600 giảm tổng cộng 1,4%. Mặc dù vậy chỉ số này vẫn ghi nhận tuần tăng thứ hai liên tiếp.