Chứng khoán Mirae Asset khuyến nghị gì cho NĐT cổ phiếu năm 2023?

Diên Vỹ 09:30 | 24/01/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong báo cáo vào đầu tháng 1/2023, nhóm phân tích từ Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) kỳ vọng với sự ổn định vĩ mô tốt hơn so với năm 2022, TTCK trong nước sẽ tiếp tục thu hút thêm dòng vốn đầu tư trong năm nay. Tuy nhiên, nhóm này duy trì sự lạc quan trên tâm thế thận trọng do nhiều yếu tố biến động dự phóng trong năm.

 

Định giá hấp dẫn là điểm sáng thu hút dòng vốn trở lại thị trường

 

Trong năm 2022, mức định giá P/E của VN-Index (trailing 12 tháng) đã giảm từ mức đầu năm là 17,8 lần xuống còn khoảng 9,5 lần vào giữa tháng 11, trước khi tăng trở lại mức 10,5 lần vào cuối năm, báo cáo của MAS chỉ ra.

 2022 được đánh giá là năm TTCK toàn cầu thiết lập lại vùng định giá cổ phiếu (Nguồn ảnh: MAS)

MAS cho rằng mức P/E hiện tại của VN-Index – hiện đang khoảng 10−11x – vẫn còn rất hấp dẫn trong lịch sử và là một trong những động lực quan trọng thu hút dòng vốn trở lại thị trường trong năm nay. 

“Với sự ổn định kinh tế vĩ mô cao hơn 2022, chúng tôi cho rằng thị trường sẽ sớm thu hút thêm dòng vốn đầu tư vào trong thời gian tới. Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tương đối hấp dẫn xét về triển vọng tăng trưởng kinh tế và thu nhập doanh nghiệp (cả hai đều được dự báo vượt trội so với các thị trường khác). Hiện tại, P/E dự phóng cuối năm của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn ở mức thấp so với nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới, theo thống kê từ Bloomberg”, báo cáo chỉ rõ.

MAS dự báo mức P/E của thị trường trong 2023 sẽ trở lại mức hợp lý vào khoảng 12−13x (bằng P/E trung bình 10 năm trừ một SD) nhờ 3 yếu tố: áp lực tăng lãi suất giảm dần sau các tín hiệu gần đây của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - Fed; tâm lý thị trường được cải thiện và sự phục hồi của các thị trường xuất khẩu, đặc biệt sau khi Trung Quốc nới lỏng giãn cách.

 Định giá hấp dẫn của TTCK Việt Nam là yếu tố thúc đẩy khối ngoại mua ròng trong năm 2022 (Nguồn ảnh: MAS)

Nhóm phân tích đồng thời kỳ vọng rằng nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong việc làm trong sạch thị trường tài chính, đặc biệt là mảng trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản, cuối cùng sẽ giúp nâng cao tính minh bạch của thị trường tài chính Việt Nam. Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách vẫn đang rất linh hoạt để hỗ trợ nền kinh tế chung, chẳng hạn như đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực này, dự báo áp lực vẫn còn khá lớn đối với hệ thống tài chính vẫn từ trái phiếu doanh nghiệp khi một lượng lớn trái phiếu sẽ đáo hạn trong năm 2023 trong bối cảnh lãi suất có xu hướng tăng. Hơn nữa, thị trường có thể cần thời gian để thích nghi với khung pháp lý mới có nhiều thay đổi quan trọng. 

 

Triển vọng riêng từng ngành có sự phân hóa

 

Báo cáo của MAS cũng phân tích triển vọng từng ngành trong năm 2023, bao gồm việc chỉ rõ những yếu tố tác động đến ngành.

Với nhóm Ngân hàng, báo cáo cho hay mức định giá hiện tại theo trailing P/B của các NHTM quốc doanh là 1,9x và NHTM tư nhân là 1,0x, giảm lần lượt 40% và 60% từ đỉnh. Theo MAS, trong ngắn và trung hạn, sẽ rất khó để ngành ngân hàng nói chung lấy lại được mức định giá trên mức trung bình 5 năm (NHTM quốc doanh: 2,2x, NHTM tư nhân: 1,6x) do các rủi ro chính dẫn đến các đợt giảm gần đây sẽ khó được loại bỏ hoàn toàn. 

Tuy nhiên, báo cáo khuyến nghị khối các ngân hàng quốc doanh sẽ là một lựa chọn tốt nhờ hàng loạt lý do: định giá tương đối thấp so với mức định giá quá khứ, rủi ro hoạt động liên tục thấp, có sự hỗ trợ tốt từ cổ đông lớn, liên kết nội khối tốt, lợi thế huy động vốn và cuối cùng là dư nợ đối với TPDN tương đối thấp.

Với nhóm Bất động sản, MAS dự kiến điểm sáng trong năm nay là dự kiến sẽ có nhiều giải pháp tháo gỡ cho ngành. Cụ thể, thời gian gần đây đã có nhiều kiến nghị nhằm vực dậy ngành bất động sản, có thể kể đến như đề xuất hỗ trợ 2% lãi suất cho người mua nhà dưới 2 tỷ. Bên cạnh đó, Nghị định 65 cũng đang được Chính phủ xem xét sửa đổi để gỡ khó cho doanh nghiệp. Nhiều quy định liên quan đến nâng chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, xếp hạng tín nhiệm với trái phiếu sẽ lùi thời điểm thực hiện sang năm 2024 thay vì áp dụng ngay. Ngoài ra một số nội dung như thay đổi kỳ hạn trái phiếu hay chuyển đổi trái phiếu lấy tài sản hay chuyển thành khoản vay cũng được nới lỏng hơn cho doanh nghiệp.

Nhóm Xây dựng được dự báo triển vọng phân hóa: Phân khúc xây dựng dân dụng dự kiến có khả năng thu hẹp do chỉ một số ít chủ đầu tư có tiềm lực mạnh đủ năng lực triển khai dự án mới. Theo đó, sự cạnh tranh trong mảng dân dụng sẽ trở nên gay gắt hơn nữa trong 2023. Ngược lại, phân khúc nhà xưởng-khu công nghiệp và hạ tầng là hai phân khúc còn dư địa cho tăng trưởng nhờ tác động lan tỏa của đầu tư công. Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng số vốn trên 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% (khoảng 140.000 tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2022. 

Tương tự, Nhóm bán lẻ cũng được dự báo triển vọng hỗn hợp trong bối cảnh tình hình kinh tế nhiều khó khăn được dự báo sẽ là thách thức đối với mức tiêu thụ của các mặt hàng không thiết yếu, các thiết bị điện tử hay điện gia dụng có giá trị cao. Một yếu tố tích cực là các lo ngại liên quan đến vấn đề sức khỏe và an toàn thực phẩm sẽ hướng người tiêu dùng đến các nguồn cung cấp thực phẩm có chất lượng hơn, qua đó thúc đẩy tăng trưởng của ngành lương thực thực phẩm. Nhóm sản phẩm chăm sóc sức khỏe được kỳ vọng tăng trưởng ấn tượng nhất.

Nhóm Khu công nghiệp được đánh giá có triển vọng tích cực trong năm nay nhờ tiềm năng vẫn sáng sủa của thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tại khu vực phía Nam, dự báo mức giá cho thuê sẽ tiếp tục tăng tại một số khu vực trọng điểm kinh tế bao gồm TP HCM và các khu vực lân cận nhờ: Quỹ đất thuận lợi về hạ tầng kết nối, giải ngân FDI tăng mạnh trong khi dự kiến nguồn cung đất công nghiệp chưa có sự thay đổi trong 6 tháng đầu năm 2023. Trong khi đó, xu hướng “Trung Quốc +1” sẽ thúc đẩy khu công nghiệp khu vực phía Bắc.

Chịu tác động từ hoạt động xuất nhập khẩu dự kiến giảm tốc, nhóm Cảng biển được dự báo cũng có triển vọng hỗn hợp. Cụ thể, dựa trên dự phóng tăng trưởng GDP tại ba thị trường chính chiếm 60% tổng giá trị xuất khẩu Việt Nam, bao gồm Mỹ (2022: 0,5%, 2023: 0,5% - theo Fed), EU (2022: 3,4%, 2023: 0,5% - theo ECB) và Trung Quốc (2022: 2,8%, 2023: 4,1%, theo Fitch Rating), với giả định thị phần của Việt Nam được duy trì, MAS  cho rằng giá trị xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng, tuy nhiên sẽ giảm tốc về mức 9%-12% trong cả năm 2023 so với mức khoảng 12% trong năm 2022. Ở mặt tích cực, dự báo doanh nghiệp cũng hưởng lợi phần nào từ chi phí vận tải biển đã và đang giảm đáng kể.

Với nhóm Công nghệ thông tin, nhóm phân tích kỳ vọng ngành phần mềm và dịch vụ CNTT vẫn giữ đà tăng trưởng tốt trong 2023, nhờ vào 2 yếu tố chính. Một là các doanh nghiệp/tổ chức ngày càng chú trọng vào việc tối ưu hiệu quả hoạt động, ưu tiên chiến lược chuyển đổi số. Theo dự phóng của Gartner, tốc độ tăng trưởng ngành phần mềm và dịch vụ CNTT toàn cầu trong năm 2023 lần lượt đạt 11,3% và 7,9% so với năm 2022. Theo dự phóng của International Data Corporation (IDC), chi tiêu cho chuyển đổi số toàn cầu dự kiến tăng với mức 2021-2026 CAGR đạt 16,3%. Hai là xuất khẩu phần mềm của Việt Nam sang các nước duy trì đà tăng trưởng tốt với lợi thế về nguồn lực lao động và vị thế gia công phần mềm của Việt Nam trên thế giới ngày càng được củng cố.

 

Nhìn chung, báo cáo của MAS khuyến nghị nhà đầu tư rằng nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong việc làm trong sạch thị trường tài chính, đặc biệt là mảng trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản, cuối cùng sẽ giúp nâng cao tính minh bạch của thị trường tài chính Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh các yếu tố cơ bản của nhiều doanh nghiệp hiện vẫn còn đang trong tình trạng thử thách; việc lựa chọn cổ phiếu là điều phải cần thực hiện nghiêm túc.

"Nhìn chung, trong năm 2023, chúng tôi cho rằng các nhà đầu tư nên chú ý đánh giá sâu hơn về giá trị nội tại, triển vọng tăng trưởng và chất lượng tài sản của từng cổ phiếu riêng lẻ trước khi đưa ra quyết định đầu tư", MAS nêu rõ.