Chứng khoán thế giới phiên 22/6 đi xuống sau cam kết của FED
Trên phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 47,12 điểm (0,15%) xuống 30.483,13 điểm, chỉ số S&P 500 mất 4,9 điểm (0,13%) xuống 3.759,89 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 16,22 điểm (0,15%) xuống 11.053,08 điểm.
Chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu mất 0,7%, còn chỉ số chứng khoán toàn cầu của MSCI giảm 0,4%.
Đồng USD đã giảm cùng với lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ do lo ngại nền kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái sau khi Chủ tịch Powell, trong phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ, cho biết lãi suất cao hơn là rất “đau đớn” nhưng là cách làm chậm đà tăng của lạm phát.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã giảm từ 3,305% vào cuối ngày 21/6 xuống 3,156%.
Tim Ghriskey, chiến lược gia danh mục đầu tư cấp cao tại Ingalls & Snyder ở New York, cho biết các bình luận của FED có những mặt tích cực và tiêu cực, nhưng thông điệp chung là FED sẽ tiếp tục tiến hành các đợt tăng lãi suất.
FED trong tháng Sáu đã tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1994.
Các nhà đầu tư vẫn đang đánh giá mức độ lo ngại về việc các ngân hàng trung ương có khả năng đẩy nền kinh tế thế giới vào suy thoái khi cố gắng kiềm chế lạm phát bằng việc tăng lãi suất.
Biên bản cuộc họp chính sách tháng 4/2022 của Ngân hàng trung ương Nhật Bản được công bố ngày 22/6 cho thấy những lo ngại của ngân hàng này về tác động của đồng nội tệ giảm mạnh có thể gây ra đối với môi trường kinh doanh của đất nước. Đồng yen Nhật Bản được giao dịch ở mức 136,24 yen/USD.
Tại Việt Nam, phiên giao dịch 22/6 ghi nhận diễn biến giằng co và phân hóa mạnh giữa các nhóm ngành; trong đó, nhiều nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như ngân hàng, bất động sản và chứng khoán đua nhau bứt phá.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 3,2 điểm xuống 1.169,27 điểm. Toàn sàn có 295 mã tăng, 181 mã giảm và 42 mã đứng giá. HNX-Index tăng 4,77 điểm lên 269,39 điểm. Toàn sàn có 147 mã tăng, 62 mã giảm và 38 mã đứng giá.