Chuỗi cung ứng của Apple có triển vọng phục hồi đáng kinh ngạc
Thượng Hải, trung tâm kinh tế - tài chính của Trung Quốc, bắt đầu mở cửa trở lại vào ngày 1/6 sau khoảng hai tháng phong tỏa kiểm soát dịch trong bối cảnh bùng phát số ca Covid mạnh mẽ.
Nhà phân tích Edmond Huang và nhóm nghiên cứu của Credit Suisse cho biết: “Việc sản xuất phần cứng nói chung có thể dần trở lại mức bình thường vào tháng 6, tháng 7. Triển vọng chuỗi cung ứng của Apple sẽ có phần sáng sủa hơn so với Android, trong khi chất bán dẫn sẽ gặp nhiều vấn đề về nhu cầu hơn là nguồn cung".
Báo cáo cho biết: “Các tra cứu của chúng tôi cho thấy tiến trình sản xuất iPhone 14 vẫn giữ nguyên, nhưng sản lượng ban đầu sẽ thấp hơn, có thể do sự chậm trễ trong sản xuất một số mẫu hoặc thiếu hụt một số bộ phận hay chip bán dẫn”.
“Chúng tôi nghĩ rằng đơn đặt hàng sản xuất tổng thể của các mẫu điện thoại mới sẽ vẫn tương tự như năm ngoái nhưng khối lượng sản xuất cuối cùng có thể thay đổi do nguồn cung bị gián đoạn”, các nhà phân tích nhận định.
Thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 19% doanh thu của Apple. Vào cuối tháng 4, gã khổng lồ công nghệ cho biết gần như tất cả các nhà máy lắp ráp cuối cùng của họ ở Thượng Hải đã hoạt động trở lại sản xuất, nhưng việc gián đoạn hoạt động có thể sẽ ảnh hưởng đến doanh số bán hàng trong quý hiện tại từ 4 đến 8 tỷ USD. Tình trạng thiếu chip đang diễn ra cũng góp phần vào sự sụt giảm này.
Tuần trước, Foxconn, đối tác sản xuất iPhone lớn nhất của Apple, cho biết tác động của các biện pháp kiểm soát Covid tại Trung Quốc không quá tồi tệ như dự đoán, đồng thời, triển vọng cả năm của công ty tốt hơn so với dự báo đầu năm.
Foxconn có hơn 30 nhà máy tại Trung Quốc. Các nhà máy đã hoạt động bình thường ở các khu vực sản xuất quan trọng. Tuy nhiên, Foxconn cho biết, tình hình Covid có khả năng vẫn tiếp diễn, công ty đã đề ra kế hoạch cải thiện khả năng hoạt động trong tình những tình huống khó khăn.
Chính quyền Trung Quốc đã cho phép các nhà sản xuất hoạt động, làm việc tại chỗ trong các khu vực bị hạn chế bởi Covid. Tuy nhiên, việc hạn chế đi lại đã khiến xe tải không thể vận chuyển sản phẩm từ nhà máy đến khách hàng.
Hồi tháng 4, các nhà phân tích của Bank of America nhận định: “Chúng tôi tin rằng chuỗi cung ứng của Apple có tính linh hoạt cao hơn so với Android, vì Foxconn, nhà sản xuất chủ chốt của Apple có khả năng phân bổ năng lực đa dạng hơn nhiều.”
Các nhà phân tích chỉ ra, chỉ 5% công suất của Foxconn là ở phía đông thành phố Thượng Hải và tỉnh Giang Tô, 10% đến 20% ở khu vực Vịnh Lớn xung quanh Hồng Kông và Thâm Quyến, còn lại ở các vùng khác. Ngược lại, 80% công suất sản xuất Android đến từ Khu vực Vịnh Lớn và phía đông Trung Quốc, đặc biệt là Thượng Hải và Tô Châu ở tỉnh Giang Tô.
Android là hệ điều hành di động mã nguồn mở do Google phát triển, là nền tảng cho nhiều thương hiệu điện thoại thông minh Trung Quốc nổi tiếng như Oppo và Xiaomi. Các nhà phân tích của Bank of America và Credit Suisse chỉ ra những vấn đề các nhà cung cấp Android đang gặp phải, bao gồm sự phụ thuộc của họ vào thị trường Trung Quốc và nhu cầu nội địa đối với điện thoại thông minh sụt giảm.
Theo Canalys, các lô hàng điện thoại thông minh đã giảm 18% tại Trung Quốc trong quý đầu tiên so với một năm trước, tệ hơn mức giảm toàn cầu là 11%. Công ty phân tích này cũng nhận định rằng thị trường Trung Quốc đã hoạt động kém hiệu quả trong gần ba năm.
Phân tích của Canalys cho thấy Apple đã duy trì mức tăng trưởng 17% hàng năm so với cùng kỳ năm ngoái tại Trung Quốc, trong khi các thương hiệu có thị phần lớn hơn như Oppo và Vivo đã giảm lần lượt 44% và 34%. Honor, một sản phẩm phụ từ Huawei, đã chứng kiến lượng hàng xuất xưởng tăng gấp ba trong quý đầu tiên so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhà phân tích Toby Zhu của Canalys nói: “Sự bùng phát của biến thể Omicron Covid-19 và các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt ở các thành phố lớn của Trung Quốc từ tháng 2 đã phủ bóng đen lên thị trường tiêu dùng, vốn vẫn chưa phục hồi từ sự sụt giảm năm ngoái”. Ông nói thêm: “Để đối phó với việc đóng cửa đột ngột các cơ sở bán lẻ và gián đoạn logistic, các nhà cung cấp cần có cách tiếp cận thận trọng hơn trong việc phân bổ hàng dự trữ. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lượng bán ra trong ngắn hạn.”