Chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển, Bắc Giang thay đổi diện mạo nhờ đầu tư nước ngoài

15:12 | 22/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Từng là một trong những vùng nghèo nhất cả nước, tuy nhiên, nhờ nhanh nhạy trong việc đáp ứng nhu cầu của chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu, Bắc Giang đã xuất hiện diện mạo mới trong những năm gần đây.
Bắc Giang là tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam, tiếp giáp với các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương và thủ đô Hà Nội. Vào năm 1997, tỉnh Bắc Giang được đánh giá có xuất phát điểm kinh tế thấp, GDP bình quân đầu người của tỉnh là 170 USD với nền kinh tế thuần nông.
 
Cụ thể, trong tỉ trọng kinh tế của tỉnh, ngành nông - lâm - thủy sản chiếm tỉ trọng lên tới 55%, tỉ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ còn rất nhỏ. Về cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được đánh giá yếu kém, lao động ngành nông nghiệp chiếm hơn 90%, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo lớn.
 
Bắc Giang thay đổi diện mạo nhờ đầu tư nước ngoài
Bắc Giang thay đổi diện mạo nhờ đầu tư nước ngoài
 
Trong giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 9,5%/năm. Công nghiệp - xây dựng đạt 16,3% (công nghiệp tăng 19,1%, xây dựng tăng 9,1%), dịch vụ đạt 6,3%, nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 4,7%. GRDP bình quân/người năm 2015 đạt 1.530USD.
 
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; đến năm 2015, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm 41,6%, dịch vụ chiếm 34,8%, nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 23,6% (theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang).
 
Bắc Giang trong 6 tháng đầu năm: Đóng góp từ những tập đoàn công nghệ
 
Theo báo cáo từ cục Thống Kê, trong 6 tháng đầu năm, dịch COVID-19 bùng phát và có diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu đã gây những hậu quả nặng nề cả về kinh tế, xã hội toàn thế giới, Việt Nam và tỉnh Bắc Giang nói riêng.
 
Mặc dù vậy, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được kết quả đáng ghi nhận: Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2020 theo giá so sánh ước đạt 36.089,6 tỷ đồng, tăng 5,86% so với cùng kỳ, trong đó: công nghiệp - xây dựng tăng 9,69% (công nghiệp tăng 9,6%, xây dựng tăng 10,22%); dịch vụ tăng âm 1,1%; nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 0,54%; thuế sản phẩm tăng 6,45%. Quy mô GRDP (giá hiện hành) ước đạt 56.359,9 tỷ đồng, cơ cấu kinh tế khu vực Công nghiệp - Xây dựng vẫn là điểm sáng trong mức tăng trưởng chung của tỉnh, chiếm 56%; khu vực Dịch vụ chiếm 22,4; khu vực Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản chiếm 19,2%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 2,4%.
 
Bắc Giang thay đổi diện mạo nhờ đầu tư nước ngoài
 
Theo Bloomberg, những khoản đầu tư nước ngoài vào tỉnh Bắc Giang gần như tăng gấp đôi qua mỗi năm. Dù toàn thế giới đang chịu những hậu quả do dịch COVID-19 mang tới, nhưng tỉnh Bắc Giang dự đoán kim ngạch xuất khẩu năm nay sẽ đạt ngưỡng 11 tỉ USD - tăng gần 10 lần trong 6 năm.
 
Ở thời điểm hiện tại, thu nhập bình quân đầu người ở tỉnh Bắc Giang được dự báo sẽ đạt tới 3.000 USD tại Việt Nam trong năm nay. Tỉnh Bắc Giang có được sự 'thay da đổi thịt' với tốc độ gây choáng như vậy là do có sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu, các tập đoàn lớn như Apple và Hon Hai Precision Industry (Foxconn) bắt đầu 'phủ sóng' tại tỉnh.
 
'Chúng tôi đang tận dụng quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu'
 
Đây là phát biểu của ông Nguyễn Đại Lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên, nơi có 4/5 khu công nghiệp đang hoạt động ở tỉnh. Ông Lượng cho biết, chính quyền địa phương ở thời điểm hiện tại đang dốc hết sức mình xây dựng một cảng sông lớn để vận chuyển linh kiện theo yêu cầu của Apple, cung cấp quỹ đất để làm nhà ở cho công nhân ở gần khu phức hợp rộng 16 ha của Luxshare Precision Industry - nhà sản xuất AirPod lớn nhất thế giới. Tốc độ dịch chuyển nhà máy đến Bắc Giang tăng mạnh kể từ năm 2016 khi các công ty rót khoảng 3,8 tỉ USD vào tỉnh, tăng gấp 4 lần so với 4 năm trước đó.
 
Bắc Giang thay đổi diện mạo nhờ đầu tư nước ngoài
Người lao động tại Bắc Giang tập trung trước cửa khu công nghiệp vào mỗi sáng
 
Ngoài Apple và Luxshare Precision Industry, Samsung Electronics cũng đã 'gõ cửa' tới Bắc Giang, cam kết đầu tư hàng tỉ USD để xây dựng cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Thời gian gần đây, Apple bắt đầu đăng tin tuyển dụng tại Việt Nam cho các vị trí cơ yếu như kĩ sư cơ khí, quản lý chuỗi cung ứng và làm việc với chính quyền.
 
Lý giải cho sức hút xây dựng và rót vốn đầu tư vào tỉnh 'nghèo' này, ông GeneTyndall thuộc công ty tư vấn eMATE (Atlanta, Mỹ) cho biết, Bắc Giang nói riêng và Việt Nam nói chung thu hút được sự chú ý của nhiều tập đoàn lớn bởi các yếu tố chính như chi phí thấp, tình hình chính trị ổn định, nhà nước có chính sách thân thiện với nhà đầu tư, cơ sở hạ tầng đổi mới và đặc biệt Việt Nam có chiến lược thúc đẩy công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ.
 
Đời sống người dân được 'thay da đổi thịt'
 
Nếu như người dân Bắc Giang của thế hệ trước vốn quen thuộc với nghề làm nông 'bán mặt cho đất, bán lưng cho trời': trồng lúa, trồng vải hay chăn nuôi gia cầm, thì những người lao động ở Bắc Giang hiện nay chủ yếu làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhiều lao động đã sắm sửa cho mình những chiếc xe máy, ô tô mà trước kia họ 'có mơ cũng không dám nghĩ tới'.
 
Bắc Giang thay đổi diện mạo nhờ đầu tư nước ngoài
Các công trình xây dựng quy mô lớn đang 'phủ kín Bắc Giang)
 
Tại Bắc Giang, công nhân thuộc dây chuyền lắp ráp điện tử có thể kiếm được tới 5.500 USD (gần 130 triệu VNĐ) trong 1 năm, đây là con số rất lớn so với mặt bằng chung cả nước (mức thu nhập trung bình của Việt Nam hiện đang dưới 3.000 USD - khoảng 70 triệu VND)
 
Nguyễn Thị Hà (22 tuổi), trộn bê tông cho một công ty xây dựng trước khi đứng dây chuyền lắp ráp, hiện kiếm được 10 triệu đồng (tương đương 431 USD) mỗi tháng. "Tôi từng chỉ kiếm được một nửa con số đó và buộc phải làm việc dưới nắng gắt hoặc thỉnh thoảng là mưa gió", chị Hà cho hay.
 
Thách thức của Việt Nam và tỉnh Bắc Giang trong tương lai là đảm bảo cải thiện giáo dục để đất nước có thể tránh được "bẫy thu nhập trung bình" một khi các nhà máy rời đi vì chi phí lao động tăng cao và chuyển hướng sang một nền kinh tế có lao động tay nghề tốt hơn, nhà kinh tế Scott Rozelle tại Đại học Stanford nhận định.
 
 
Thùy Dương (t/h)