Chương trình hỗ trợ hướng đến hàng triệu lao động ngành du lịch có hiệu lực từ 9/4

Nguyễn Thị Thùy Dung 10:51 | 10/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Từ ngày 9/4, Thông tư 12/2022 do Bộ Tài chính ban hành hồi tháng 2 hướng dẫn nội dung và mức chi ngân sách Nhà nước (NSNN) để thực hiện nhiệm vụ xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch chính thức có hiệu lực. Thông tư quy định mức hỗ trợ tối đa lên tới 9 triệu đồng/ lao động.

Thông tư 12/2022 của Bộ Tài chính quy định sẽ chi NSNN hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động ngành du lịch cho các doanh nghiệp, tổ chức trong ngành du lịch.

Mức hỗ trợ tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo; tính theo mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng.

Mức hỗ trợ không quá 9 triệu đồng/người/khóa đào tạo, tương đương không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ tối đa không quá 6 tháng với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng.

Trường hợp khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng thì từ thời gian tham gia khóa đào tạo từ 14 ngày trở xuống tính là 1/2 tháng và từ 15 ngày trở lên được tính là 1 tháng.

Bên cạnh đó, ngân sách cũng quy định nội dung chi hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức về du lịch để mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quản lý Nhà nước, quản trị doanh nghiệp và đạo đức nghề nghiệp cho người lao động nghề du lịch.

Ngoài ra, ngân sách cũng chi tổ chức các cuộc thi trong nước tìm hiểu sáng kiến về xúc tiến, quảng bá du lịch nhằm khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam do Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch tổ chức. Mức chi giải thưởng tập thể được quy định tối đa 20 triệu đồng/giải thưởng, giải cho cá nhân tối đa 15 triệu đồng/giải thưởng.

Thông tư cũng quy định ngân sách chi cho các hoạt động tổ chức xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam ở nước ngoài như tổ chức hội nghị, hội thảo, triển lãm, họp báo, tọa đàm, lễ hội văn hóa du lịch; các sự kiện về du lịch, văn hóa, thể thao và sự kiện giới thiệu ẩm thực, văn hóa, con người Việt Nam...; chi tham dự hội chợ du lịch quốc tế ở nước ngoài gồm thuê mặt bằng, thiết kế, gian hàng, tuyên truyền quảng bá cho hoạt động tham dự hội chợ...

Ở trong nước, ngân sách cũng chi cho tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch liên vùng, liên địa phương.

 

Thông tin Chính phủ cho biết lượng tìm kiếm trên Google về các chuyến bay và cơ sở lưu trú của Việt Nam đang tăng trưởng ở mức cao nhất thế giới.

Theo đó, dư luận thế giới đánh giá rất cao các kết quả phòng chống dịch đã đưa Việt Nam trở thành điểm đến an toàn, du lịch Việt Nam sẽ phục hồi rất mạnh, thuộc nhóm tốt nhất khu vực.