Chuyển đổi đất vườn sang đất ở phải nộp tiền tỷ, Bộ Tài chính nói gì?

Đông Bắc 15:21 | 03/07/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thời gian qua, nhiều gia đình chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở phải nộp số tiền sử dụng đất quá lớn do luật mới áp theo giá thị trường...

Theo Báo Vietnamnet, vợ chồng ông Trần Duy Đồng (SN 1965) và bà Nguyễn Thị Hồng (SN 1970), trú tại khối Đức Thịnh, phường Hưng Lộc, TP Vinh (Nghệ An) bàng hoàng trước thông tin thửa đất rộng 300 m2 đất vườn của gia đình nằm cạnh khu nghĩa trang thôn, nếu muốn chuyển sang đất ở phải nộp thuế gần 4,5 tỷ đồng.

Biết rằng sắp áp dụng bảng giá đất mới, ngày 16/5, gia đình bà lên nộp hồ sơ để chuyển đổi mục đích sử dụng đất với mong muốn được tính thuế theo bảng giá cũ.

Gia đình được hẹn tới ngày 6/6 lên nhận giấy báo thuế, nhưng khi đến làm việc thì Đội thuế TP Vinh trả lời chưa có hồ sơ và hẹn gia đình 7 ngày sau đến lấy kết quả.

 Chuyển đổi sang đất vườn sang đất ở phải nộp tiền sử dụng đất theo giá thị trường. Ảnh Đông Bắc.

Bà Hồng nhẩm tính, theo luật cũ, mức thuế phải đóng là 1,9 triệu đồng/m2, bà định vay ngân hàng khoảng 600 triệu đồng để đóng. Tuy nhiên, ngày 23/6, con gái bà Hồng đi nhận giấy thì choáng váng khi được thông báo phải nộp gần 4,5 tỷ đồng, tương đương khoảng 15 triệu đồng/m2.

Bà Hồng cho biết, trước đó gia đình bà có nghe thông báo tỉnh Nghệ An sẽ áp dụng thuế đất theo luật mới từ ngày 21/5.

Sau khi nhận giấy báo đóng thuế, bà Hồng đến UBND phường Hưng Lộc để hỏi thì được tư vấn nên rút hồ sơ và đề nghị cơ quan thuế hủy báo thuế để chờ Chính phủ sửa đổi Nghị định 103/2024 xem xét giảm thuế chuyển mục đích sử dụng đất từ 100% xuống còn 50%.

Theo bà Hồng, nếu giảm 50% tiền thuế chuyển đổi mục đích, gia đình vẫn phải đóng gần 2,5 tỷ đồng, trong khi mảnh đất tính theo giá đất thị trường chỉ 3 tỷ đồng. 

Trường hợp vợ chồng bà Hồng không phải trường hợp duy nhất, tại Hà Nội, gia đình ông Đ.C.P ở xã Minh Quang, huyện Ba Vì (nay là xã Ba Vì) khi xin chuyển mục đích sử dụng hơn 210 m2 đất trồng cây lâu năm sang đất ở.

Theo quy định tại Nghị định 103, tiền sử dụng đất phải nộp khi chuyển mục đích sử dụng được tính theo công thức: Giá đất ở trong bảng giá đất trừ đi giá đất trồng cây lâu năm trong cùng bảng giá.

Cụ thể, tại khu vực của ông Đ.C.P, giá đất ở là 4,4 triệu đồng/m2 và giá đất trồng cây lâu năm là 63.000 đồng/m2. Như vậy, mức chênh lệch để tính tiền sử dụng đất là 4.337.000 đồng/m2.

Nếu chuyển đổi 210 m2 đất, ông Đ.C.P sẽ phải nộp hơn 911 triệu đồng tiền sử dụng đất và một khoản tiền lệ phí trước bạ theo quy định.

Với người dân ở nông thôn, số tiền này quá lớn, ông Đ.C.P không đủ khả năng để đóng. Do đó, dù đã ra quyết định cho phép ông Đ.C.P chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhưng UBND huyện Ba Vì (nay là UBND xã Ba Vì) phải thu hồi và hủy quyết định này.

Bộ Tài chính nói gì?

Những trường hợp trên được nêu tại buổi họp báo thường kỳ quý II của Bộ Tài chính diễn ra chiều 2/7. Thay mặt Bộ Tài chính, bà Nguyễn Thị Thoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) đã có thông tin lý giải về việc hiện nay, tiền thuế người dân phải nộp khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở tăng quá cao (250-300% so với trước đây), khiến nhiều người dân không đủ khả năng đóng tiền chuyển đổi đất.

Thực tế, có trường hợp ở phường Hưng Lộc, thành phố Vinh (cũ), nay là xã Vinh Lộc, tỉnh Nghệ An muốn chuyển đổi 300 m2 đất vườn sang đất ở phải nộp thuế gần 4,5 tỷ đồng.

Theo bà Thoa, trước đây là Luật Đất đai 2013 và hiện tại là Luật Đất đai 2024 đều có quy định về nghĩa vụ tài chính của hộ gia đình, cá nhân khi có yêu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất, cũng như chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Với đất cha ông để lại trước đây, nhà ở quê có giấy tờ hay không có giấy tờ, đất lấn chiếm, đất cấp trái thẩm quyền, Luật Đất đai 2024 đều quy định rõ trường hợp nào thì thu hồi, trường hợp nào cho nộp tiền sử dụng đất với diện tích ngoài định mức.

Tại Nghị định 103 của Chính phủ cũng có quy định về nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Bà Thoa cho biết khi xây dựng Nghị định, Bộ đã thiết kế và Chính phủ đã thông qua việc giảm 50% tiền thuê đất so với mức quy định tại Luật Đất đai 2013.

Tuy nhiên, Luật Đất đai 2024 sau đó đã bỏ khung giá đất, giao chính quyền địa phương ban hành bảng giá đất để bám sát với thực tế thị trường.

"Khi đó, chúng tôi cũng lường trước rằng bảng giá đất sẽ tăng lên và tất cả mức thu liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng tăng theo", Phó cục trưởng Cục Quản lý công sản nói.

Theo bà, với đất nông nghiệp, ruộng vườn trước đây dùng để trồng cây, nay theo quy hoạch khu vực có thể chuyển thành đất ở, các hộ có nhu cầu chuyển đổi mục đích, thì Điều 156 Luật Đất đai 2024 đã quy định người sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất khi chuyển đổi mục đích bằng mức chênh lệch giữa tiền sử dụng đất của 2 loại đất trước và sau khi chuyển đổi. Còn Điều 159 của Luật Đất đai 2024 quy định mức thu sẽ tính theo bảng giá đất mới.

Lãnh đạo Cục Quản lý công sản cho biết hiện tại, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các địa phương về việc đề nghị báo cáo tổng hợp đánh giá nội dung này.

Đáng chú ý, bà Thoa tiết lộ hiện Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đang thực hiện tổng kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 18 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao và tổng kết 1 năm thực hiện Luật Đất đai 2024, dự kiến có những sửa đổi, bổ sung Nghị quyết cũng như Luật Đất đai 2024 về nội dung này.

"Trên cơ sở phản hồi, đánh giá của các địa phương, Bộ Tài chính sẽ phối hợp Bộ Nông nghiệp và Môi trường đưa ra những ý kiến góp ý, có thể sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2024", bà Thoa thông tin.

Trong ngắn hạn, bà Thoa cho biết khi chưa thể sửa đổi Luật Đất đai 2024, Bộ đang xin ý kiến để sửa đổi Nghị định 103 theo hướng với phần đất nông nghiệp trong cùng một thửa với đất ở thì đề xuất chỉ thu 50% tiền sử dụng đất chênh lệch giữa 2 mục đích sử dụng khi tiến hành chuyển đổi. Hiện, dự thảo Nghị định đang được hoàn thiện để xin ý kiến Bộ Tư pháp.

"Còn với việc xử lý đất ngoài ruộng đồng, không gắn với đất ở thì cần phải sửa Luật Đất đai 2024", bà Thoa cho biết.

Trường hợp nào chuyển mục đích sử dụng đất không cần xin phép?

Người dân có thể chuyển mục đích sử dụng đất trong một số trường hợp mà không cần xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Các trường hợp cần xin phép chuyển mục đích sử dụng đất:

Theo Điều 121 Luật Đất đai năm 2024, người sử dụng đất chỉ được chuyển mục đích sử dụng nếu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép trong các trường hợp sau:

- Chuyển đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang loại đất khác trong nhóm đất nông nghiệp;

- Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;

- Chuyển các loại đất khác sang đất chăn nuôi tập trung khi thực hiện dự án chăn nuôi tập trung quy mô lớn;

- Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang loại đất phi nông nghiệp khác được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất;

- Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở;

- Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh sang đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp;

- Chuyển đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ.

Lưu ý: Khi chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định, người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được áp dụng theo loại đất sau khi được chuyển mục đích sử dụng.

Các trường hợp không phải xin phép:

Điều 121 Luật Đất đai 2024 cũng quy định, việc chuyển mục đích sử dụng đất không thuộc các trường hợp nêu thì không phải xin phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đáng chú ý, trường hợp người sử dụng đất có nguồn gốc là đất ở hoặc đất phi nông nghiệp, có thời hạn sử dụng ổn định lâu dài, đã chuyển sang mục đích khác, nay chuyển lại thành đất ở và phù hợp quy hoạch sử dụng đất thì không phải nộp tiền sử dụng đất.