Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: trước phải 'biết mình biết ta'
Biến chuyển đổi số thành "động cơ" cho doanh nghiệp và nền kinh tế
Gần đây, nhiều tổ chức kinh tế quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và môi trường địa chính trị toàn cầu nhiều bất ổn.
World Bank hồi đầu tháng 4 đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 xuống 5,3% ở kịch bản cơ bản, giảm đáng kể so với mức dự báo 6,5% mà tổ chức này đưa ra vào tháng 10/2021. Hay HSBC hồi cuối tháng 3 cũng hạ nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay từ mức 6,5% xuống 6,2% trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối diện nhiều thách thức.
Trước những thách thức như vậy, rất cần tìm kiếm động lực tăng trưởng bền vững để tiếp sức cho nền kinh tế phục hồi và phát triển. Bàn về điều này, chuyên gia kinh tế - TS. Sử Ngọc Khương nhận định: "Bơm tiền vào nền kinh tế, tiêm vaccine cho người dân thì quốc gia nào cũng làm, nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì chúng ta chậm một nhịp, chính là chậm chuyển đổi số. Mô hình chuyển đổi số đóng vai trò vô cùng quan trọng như động cơ giúp doanh nghiệp thích ứng trong tình hình mới”.
Tương tự, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: “Lần phục hồi này không phải khôi phục y xì về mức cũ, mà đặt mục tiêu phục hồi trên nền tảng cao hơn trước. Do đó, tôi mong trong phân bổ nguồn lực Chương trình phục hồi - phát triển kinh tế xã hội thời gian tới chú trọng cho những yếu tố đổi mới chứ không chỉ phục hồi cái cũ. Phải tập trung vào các yêu cầu mới như chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào các ngành khác nhau để nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp”.
Những ý kiến này khá tương đồng với nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng Viện Đào tạo và Tư vấn Doanh nghiệp (iEIT), trường Đại học Ngoại Thương tại Hội thảo Giải pháp công nghệ số cho hành chính nhân sự diễn ra ngày 21/4. Theo đó, ông Nguyễn Văn Minh nhận định thế giới hiện nay là thế giới VUCA (biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ), doanh nghiệp cũng như các thực thể trong nền kinh tế rất cần thích nghi linh hoạt. Trong đó, chuyển đổi số là con đường cần thiết.
Thực tế cho thấy kinh tế số là một cấu phần không thể tách rời và đang chiếm tỷ trọng ngày một tăng trong nền kinh tế Việt Nam. Theo báo cáo e-Conomy SEA 2021 công bố tháng 11/2021 bởi Google, Temasek và Bain & Company, trong năm 2021, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam dự kiến tăng trưởng 31% lên 21 tỷ USD nhờ sự tăng trưởng đột phá 53% của mảng thương mại điện tử so với cùng kỳ năm ngoái.
“Để không bị tụt hậu và đào thải khỏi cuộc chơi, doanh nghiệp không còn con đường nào khác ngoài tham gia vào kinh tế số. Nếu doanh nghiệp không phải bẩm sinh sinh ra trong chuyển đổi số hoặc trên nền tảng số thì buộc phải thực hiện chuyển đổi số”, PGS. TS. Nguyễn Văn Minh khẳng định.
Ý thức chuyển đổi số đã “phủ sóng” rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp. Một khảo sát do Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện năm 2020 cho thấy không chỉ doanh nghiệp lớn, ngay cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đang có xu hướng áp dụng công nghệ số trong hoạt động sản xuất kinh doanh và quản lý hoạt động kinh doanh. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp lớn áp dụng công nghệ số ước tính khoảng 80% trong khi con số này ở nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng lên tới 75%.
Tuy nhiên, bắt đầu chuyển đổi số từ đâu, giải pháp ra sao vẫn là câu hỏi khó với các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp chuyển đổi số: trước phải “biết mình biết ta”, đi đến tận cùng giải pháp
Trả lời vấn đề bắt đầu chuyển đổi số ra sao, PGS. TS. Nguyễn Văn Minh đưa ra lời khuyên: “Doanh nghiệp phải sống trong đời thực trước, rồi mới nghĩ đến sống trong đời sống số”.
Ông Minh cho rằng chuyển đổi số không gì khác là quá trình chuyển đổi đời thực bằng các công nghệ số để thích ứng với thời đại số. “Như vậy, việc đầu tiên là củng cố đời thực, chuẩn hóa, quy trình hóa, rà soát, tối ưu hóa hoạt động doanh nghiệp sao cho tinh gọn. Đây là bước đầu tiên để chuẩn bị cho số hóa”.
Khi đã có quy trình chuẩn hóa và tinh gọn, doanh nghiệp sẽ lựa chọn giải pháp số hóa phù hợp. Đây là khâu khó nhất, cũng là khâu đóng vai trò quyết định thành công trong quá trình chuyển đổi số. “Về cơ bản, doanh nghiệp có 3 con đường: tự chuyển đổi số, đi thuê dịch vụ chuyển đổi số có sẵn, hoặc lựa chọn đối tác tin cậy để đồng hành cùng doanh nghiệp - tức sử dụng dịch vụ cá biệt hóa theo nhu cầu của doanh nghiệp cụ thể trong quá trình chuyển đổi số”, TS. Minh cho hay.
Trong quá trình này, yếu tố tiên quyết là doanh nghiệp phải thấu hiểu nhà cung cấp. “Thứ nhất, phải hiểu được thế mạnh của nhà cung cấp nằm ở đâu, thậm chí sâu hơn nữa là họ sử dụng công nghệ gì, đội ngũ ra sao. Thứ hai là phải nhìn được khả năng tùy biến của công cụ. Thứ ba là khả năng đồng hành cùng doanh nghiệp”, ông Minh nhấn mạnh tính cần thiết của việc thấu hiểu đối tác cung cấp dịch vụ chuyển đổi số.
Lời khuyên cuối cùng của ông Minh với các doanh nghiệp đang trong quá trình chuyển đổi số: sau khi lựa chọn đối tác, phải triển khai chuyển đổi trên quy mô nhỏ nhưng đi đến tận cùng giải pháp để hiểu được bản chất và năng lực, rút ra kết luận có nên nhân rộng hay không.
“Chuyển đổi số phải phù hợp với năng lực doanh nghiệp, không mông lung, không ảo tưởng, không tràn lan, đặc biệt không chi quá nhiều tiền khi chưa thấy rõ mục đích như thế nào. Hãy bắt đầu từ công việc cụ thể với tầm nhìn tương đối rộng mở để không phải đập đi làm lại. Hãy dùng chính trải nghiệm, sự hài lòng của khách hàng và tăng trưởng của doanh nghiệp để kiểm chứng hiệu quả, đánh giá quá trình thực hiện chuyển đổi số”, PGS.TS. Nguyễn Văn Minh từng chia sẻ.