Nhà nước sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng số cho báo chí chuyển đổi số

T.D 16:52 | 14/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chia sẻ tại diễn đàn “Chuyển đổi số để phục vụ bạn đọc tốt hơn” sáng 14/4, đại diện Bộ Thông tin - Truyền thông khẳng định Nhà nước sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng số, tiếp tục đồng hành hỗ trợ cơ quan báo chí trên không gian số.

Theo báo cáo e-Conomy SEA năm 2020, cấu phần kinh tế số Internet/nền tảng của Việt Nam đã đạt 14 tỷ USD, tương đương 5% quy mô GDP quốc gia.

Kinh tế số được nhận định là một cấu phần không thể tách rời và đang chiếm tỷ trọng ngày một lớn trong nền kinh tế. Quan điểm chung của các nhà làm chính sách và giới chuyên gia lâu nay cho rằng để không bị tụt hậu và đào thải khỏi “cuộc chơi” toàn cầu hóa, mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp không còn con đường nào khác ngoài tham gia vào kinh tế số.

Là một thành phần trong nền kinh tế, các cơ quan báo chí Việt Nam đang ngày càng nhận thức sâu sắc về nhu cầu chuyển đổi số của ngành.

Không chuyển đổi số thì mất độc giả

Phát biểu tại Diễn đàn “Chuyển đổi số để phục vụ bạn đọc tốt hơn”, ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập báo Nhân Dân kiêm Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định báo chí không thể không chuyển đổi số, bởi “không chuyển đổi số thì mất độc giả".

Đồng quan điểm này, Phó tổng giám đốc VTV Đinh Đắc Vĩnh cho hay “khán giả ở đâu chúng tôi ở đó, khán giả xem bằng hình thức nào chúng tôi cung cấp hình thức đó", nhất quyết đi theo con đường chuyển đổi số.

Tương tự, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ TP Hồ Chí Minh Lê Xuân Trung cũng nhấn mạnh quan điểm bạn đọc ở đâu thì báo chí phải ở đó, "bạn đọc lên mạng, báo chí cũng phải lên mạng, phải chuyển đổi số".

Các đại biểu tham gia Diễn đàn “Chuyển đổi số để phục vụ bạn đọc tốt hơn”

Nhưng chuyển đổi số ra sao là bài toán khó. Theo những khảo sát gần đây của Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vướng mắc lớn nhất trong chuyển đổi số thường nằm ở các khâu thiết lập mục tiêu, chiến lược và lộ trình chuyển đổi số cũng như các vấn đề nguồn lực, chi phí để chuyển đổi số, phương thức chuyển đổi số và đồng bộ dữ liệu.

Nói về đầu tư chuyển đổi số cho các đơn vị báo chí, Tổng biên tập báo Nhân Dân Lê Quốc Minh cho rằng cách tốt nhất là đầu tư một cách có chọn lọc vào những người có khả năng thích nghi cao nhất, ham học hỏi và linh hoạt; nhưng trước tiên sự thay đổi phải đến từ cấp cao nhất trong tòa soạn.

Bản thân lãnh đạo am hiểu công nghệ sẽ là lợi thế rất lớn để đưa ra quyết sách, xây dựng năng lực số cho đội ngũ nhân viên trong tương lai, ông Minh cho hay.

Trong khi đó, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ TP Hồ Chí Minh Lê Xuân Trung cho rằng 3 thách thức lớn nhất với các cơ quan báo chí là lựa chọn công nghệ phù hợp, chi phí đầu tư hợp lý, đội ngũ nhân lực tinh thông.

Theo đó, ông Lê Xuân Trung đề xuất 3 phương án để giải quyết thách thức nhân lực trong chuyển đổi số: một là tuyển người để có lực lượng tại chỗ làm công nghệ, hai là thuê công ty bên ngoài và ba là lực lượng tại chỗ phối hợp với thuê bên ngoài. Phương án dung hòa là phương án tốt nhất hiện nay, vừa tự chủ một phần công nghệ lại vừa đảm bảo hiệu quả chuyển đổi.

Tuy nhiên, đại diện Vietnamplus, ông Nguyễn Hoàng Nhật phản ánh rằng hiện ràng buộc cơ chế đang không tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí tuyển dụng những người làm công nghệ, chuyên viên xử lý dữ liệu. 

"Bản thân tòa soạn phải chuyển đổi số, nhưng vẫn giữ nguyên quy định cơ quan báo chí chỉ được tuyển phóng viên, biên tập viên, chứ không có chỉ tiêu tuyển dụng những người làm công nghệ, chuyên viên xử lý dữ liệu…", ông Nhật chia sẻ. Ông đề xuất cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách cho phép các cơ quan báo chí "xé rào" để chuyển đổi số, tránh trường hợp cơ quan báo chí muốn chuyển đổi số lại phải tìm đường tắt.

Nhà nước đồng hành cùng báo chí trong chuyển đổi số

Trong khuôn khổ diễn đàn, cả hai đại diện cơ quan quản lý nhà nước về báo chí là Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Phạm Anh Tuấn và Cục trưởng Cục báo chí, Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm đều khẳng định Nhà nước sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng số để hỗ trợ các cơ quan báo chí chuyển đổi số.

Theo Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn, tốc độ chuyển đổi số trong ngành báo chí hiện đang chậm hơn khối doanh nghiệp. Thông tin thêm, ông Tuấn cho hay mặc dù đề án chuyển đổi số báo chí hiện đang trong quá trình chờ phê duyệt nhưng trong năm nay Bộ Thông tin - Truyền thông sẽ đào tạo 10.000 công chức, viên chức số cho toàn nền kinh tế, trong đó khoảng 3.000-5.000 người để phục vụ các cơ quan báo chí.

Thứ trưởng Tuấn khẳng định chủ trương của Chính phủ là xây dựng các nền tảng lớn để đảm bảo độc lập chủ quyền trên không gian mạng. Vì vậy Chính phủ sẽ đầu tư xây dựng nền tảng lớn dùng chung, đặc biệt là cho 6 cơ quan báo chí lớn.

“Bộ Thông tin và Truyền thông với vai trò dẫn dắt, chúng tôi sẽ đồng hành với các cơ quan báo chí trong việc chuyển đổi số, để đảm bảo việc chuyển đổi ở các cơ quan báo chí chậm một chút nhưng sẽ thành công, hiệu quả, từng bước cải tiến, đứng vững trong môi trường chuyển đổi số hiện nay”, Thứ trưởng Tuấn khẳng định.

Tương tự, Cục trưởng Cục báo chí Nguyễn Thanh Lâm cũng nhấn mạnh Nhà nước sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng số để hỗ trợ các cơ quan báo chí chuyển đổi số. Theo ông Lâm, trước đây Nhà nước đã hỗ trợ rất lớn để đầu tư hạ tầng vật lý cho các cơ quan báo chí như trụ sở làm việc, nền tảng phát sóng, hệ thống phát hành…thì hiện nay, Nhà nước sẽ tiếp tục hỗ trợ các cơ quan báo chí trên không gian số.

"Với vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi thấy được trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, chuyển đổi số sẽ không có bất kỳ một kịch bản chung nào mà nó sẽ thay đổi ở từng cơ quan báo chí”, ông Lâm khẳng định.

Vị này cũng kỳ vọng với sự hỗ trợ của Nhà nước, ngành báo chí sẵn sàng đầu tư cho chuyển đổi số trong bối cảnh toàn nền kinh tế quyết tâm chuyển đổi số như hiện nay. 

Trước tinh thần chuyển đổi số của các cơ quan báo chí và các cơ quan quản lý, ông Nguyễn Đức Lợi, phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam bày tỏ sự tin tưởng về một cú hích trong chuyển đổi số trong ngành báo chí thời gian tới. 

 

Chiến lược Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ khẳng định định hướng của đất nước trong thời gian tới là chuyển đổi số toàn diện dựa trên 3 trụ cột chính: Chính phủ số, Xã hội số và Kinh tế số.

Mục tiêu cụ thể về phát triển kinh tế số được chỉ rõ trong Văn kiện Đại hội XIII: phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng Chính phủ số, Kinh tế số đạt khoảng 30% GDP và đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về Chính phủ điện tử và Kinh tế số.