Chuyên gia: Bất động sản vùng ven Hà Nội đang bước vào một chu kỳ mới
Sáp nhập Vùng Thủ đô, định hình lại không gian phát triển
Phát biểu tại Hội thảo: "Triển vọng đầu tư bất động sản tại các đô thị Vùng Thủ đô" tổ chức sáng 15/5, TS Cấn Văn Lực, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng đánh giá vùng Thủ đô sẽ có nhiều động lực tăng trưởng mới cho phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới.

Theo TS Cấn Văn Lực, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng, Vùng Thủ đô sẽ có nhiều động lực tăng trưởng trong thời gian tới. Ảnh: Mai Trang.
Trước khi sáp nhập, Vùng Thủ đô có khoảng 10 tỉnh thành phố. Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá tích cực. Trong quý I/2025, Vùng Thủ đô có tốc độ tăng trưởng đạt hơn 9,4%.
Theo Nghị quyết 60/NQ-TW ngày 12/4/2025, sau sáp nhập Vùng Thủ đô dự kiến gồm 7 tỉnh, thành phố bao gồm Hà Nội; Hưng Yên (Hưng Yên + Thái Bình); Ninh Bình (Hà Nam + Ninh Bình + Nam Định); Phú Thọ (Vĩnh Phúc + Phú Thọ + Hòa Bình); Bắc Ninh (Bắc Ninh + Bắc Giang); Thái Nguyên (Thái Nguyên + Bắc Kạn); Quảng Ninh.
Về diện tích, sáu sáp nhập, Phú Thọ (Vĩnh Phúc + Phú Thọ + Hòa Bình) có diện tích rộng lớn nhất. Về dân số, Hà Nội vẫn đông nhất với 8,7 triệu dân. Đứng thứ hai là Ninh Bình (Hà Nam + Ninh Bình + Nam Định).
TS. Cấn Văn Lực nhận định nếu Vùng Thủ đô tạo ra được những cực tăng trưởng tốt, đất nước cũng sẽ có thêm động lực tăng trưởng.
Vị chuyên gia này cũng điểm lại một số cơ chế chính sách đặc thù cho Vùng Thủ đô, như Nghị quyết 115/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế tài chính – ngân sách đặc thù cho TP. Hà Nội. Theo đó, Thủ đô được giữ lại 100% nhiều khoản thu, 50% tiền sử dụng đất; nâng giới hạn vay nợ lên tới 90% thu ngân sách địa phương; được tạm ứng tới 50% từ Quỹ dự trữ tài chính và tăng thẩm quyền trong công tác quy hoạch – những điều kiện quan trọng để Hà Nội chủ động trong đầu tư và phát triển hạ tầng.
Tiếp theo, Nghị quyết 891/QĐ-TTg ngày 22/8/2024 về quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định Vùng Thủ đô là một trong các cực tăng trưởng quốc gia, có vai trò dẫn dắt phát triển khu vực đồng bằng sông Hồng, trung du và miền núi phía Bắc.
Đáng chú ý, Quyết định 1668/QĐ-TTg ngày 27/12/2024 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn 2065 với định hướng xây dựng Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”. Hà Nội được xác định là trung tâm kết nối toàn cầu, đầu tàu phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đóng vai trò dẫn dắt cả nước trên các phương diện kinh tế, văn hóa và xã hội.
Cùng với đó, Nghị quyết 188/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM đã mở ra hướng đi mới trong phát triển giao thông đô thị theo mô hình TOD (Transit-Oriented Development), với ưu tiên huy động cả nguồn lực ngân sách và xã hội hóa; và mới đây nhất là Luật Thủ đô (sửa đổi) năm 2024 với quy định về mục tiêu, nguyên tắc liên kết, phát triển vùng của Vùng Thủ đô...
Vùng Thủ đô: Điểm "nóng" hạ tầng với loạt dự án tỷ đô
Cũng theo TS Cấn Văn Lực, tại Vùng Thủ đô, có rất nhiều dự án hiện đang và sẽ chuẩn bị triển khai trong thời gian tới. Đơn cử, dự án Vành đai 4 tính sơ bộ có tổng vốn đầu tư khoảng 95.000 tỷ đồng. Dự án này đã và đang triển khai, chạy qua 4 tỉnh thành phố.

Việc phát triển đường Vành đai 4 không chỉ giải quyết vấn đề của riêng Hà Nội mà sẽ giải quyết vấn đề liên vùng Thủ đô. Ảnh: Báo Chính phủ.
Dự án Vành đai 5 cũng đã bắt đầu bàn để tiến hành thực hiện với độ dài khoảng 272km, gấp đôi Vành đai 4. Tổng vốn đầu tư dự kiến 86.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, dự án Đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có tổng mức đầu tư khoảng 203.000 tỷ đồng và cũng sẽ được triển khai trong thời gian tới.
Đồng thời, dự án Sân bay Gia Bình được đánh giá là dự án đặc biệt quan trọng. Sân bay Gia Bình được nâng cấp thành sân bay quốc tế, có diện tích 363,5ha. Tổng vốn đầu tư cho dự án sẽ được chia làm 2 giai đoạn.
Một dự án nữa là Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có quy mô khoảng hơn 1.500km, chạy qua 20 tỉnh, thành phố; tổng vốn đầu tư dự kiến 1,7 triệu tỷ đồng. Ngoài ra, còn nhiều dự án hạ tầng khác đang tạo động lực phát triển tích cực cho Vùng Thủ đô.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Lê Đình Chung, Tổng Giám đốc SGO Homes nhận thấy, các thị trường bất động sản mới nổi tại Vùng Thủ đô đang nắm giữ một lợi thế cạnh tranh lớn: quỹ đất dồi dào và tiềm năng khai thác còn rộng mở. Chính yếu tố này là đòn bẩy thu hút những tên tuổi lớn trong ngành như Vingroup, Sun Group, Danko, Việt Hưng, Eurowindow…, thúc đẩy họ triển khai các dự án quy mô lớn.
Quỹ đất rộng cho phép các chủ đầu tư kiến tạo những dự án được quy hoạch bài bản, thiết kế đồng bộ, đáp ứng xu hướng sống hiện đại với mật độ xây dựng thấp, ưu tiên không gian xanh và tiện ích công cộng. Đây là tiền đề quan trọng cho sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản trong dài hạn, đặc biệt ở phân khúc khu công nghiệp và đô thị vệ tinh.
Bên cạnh đó, một điểm hấp dẫn không thể bỏ qua là mặt bằng giá đất tại các khu vực này vẫn còn khá cạnh tranh, thấp hơn đáng kể so với các đô thị lớn như Hà Nội (từ 3 đến 5 lần, tùy theo vị trí và tiềm năng phát triển). Điều này mở ra cơ hội “kép” cho cả nhà đầu tư và người mua: doanh nghiệp có thể tối ưu chi phí phát triển dự án, còn người dân có thêm khả năng tiếp cận nhà ở.
Còn theo PGS TS Trần Đình Thiên, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng, Vùng Thủ đô có lợi thế kết nối dựa núi hướng biển, có thể trở thành tâm điểm của xu hướng phát triển đa không gian.
“Chuyển đổi từ mô hình đô thị lõi sang hệ thống đô thị nối dài với các tỉnh như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên,... đang đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Mô hình đại đô thị tích hợp công nghiệp dịch vụ, đô thị xanh thông minh nghỉ dưỡng bắt đầu hình thành.
Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy bất động sản vùng ven Hà Nội đang bước vào một chu kỳ mới, từ bị động tiếp nhận nhu cầu giãn dân, sang chủ động đón nhận dòng vốn đầu tư quy mô lớn, đa dạng và bền vững”, ông Thiên nói.