Chuyên gia cảnh báo một số phản ứng sau khi tiêm vắc xin COVID-19 AstraZeneca

21:53 | 06/03/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chuyên gia khuyến cáo, sau tiêm vắc xin AstraZeneca, trên 10% sẽ gặp các phản ứng sau tiêm như mệt mỏi, khó chịu, đau tại chỗ, buồn nôn, đau cơ.
Sáng 6/3, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch tiêm chủng vắc xin COVID-19 với 700 điểm cầu trên toàn quốc trước khi Việt Nam triển khai tiêm diện rộng vắc xin AstraZeneca vào sáng 8/3.
 
PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Phó trưởng Ban điều hành Dự án Tiêm chủng dự án mở rộng cho biết, vắc xin AstraZeneca rất mới, đến nay đã triển khai tiêm chủng tại 25 quốc gia.
 
Do thời gian tiêm ngắn, kinh nghiệm triển khai cũng như các sự cố bất lợi sau tiêm chưa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cung cấp đầy đủ, vì vậy để đảm bảo an toàn tiêm chủng, Bộ Y tế yêu cầu chuẩn bị rất kỹ cơ sở vật chất, dây chuyền lạnh, hộp chống sốc.
 
Lô vắc xin AstraZeneca đầu tiên được chuyển về Việt Nam hôm 24/2, được bảo quản tại kho lạnh của VNVC. Điều kiện bảo quản vắc xin này là trong môi trường lạnh ở nhiệt độ 2-8 độ C, hạn sử dụng 6 tháng từ ngày sản xuất.
 
Một số phản ứng sau khi tiêm vắc xin COVID-19 AstraZeneca
PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung 

Lọ vắc xin đã mở chỉ được sử dụng trong vòng 6 giờ. Khác với các vắc xin thông thường, vắc xin AstraZeneca không được lắc trước khi tiêm để đảm bảo chất lượng tốt nhất.
 
Nhà sản xuất khuyến cáo, vắc xin AstraZeneca tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên, kể cả người mắc bệnh nền. Mỗi người sẽ tiêm bắp đủ 2 mũi, mỗi mũi 0,5ml, cách nhau 3 tháng. Sau tiêm vắc xin, cần cách tối thiểu 14 ngày trước khi tiêm vắc xin khác.

Các đối tượng như phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, người nhiễm HIV, người trên 65 tuổi… đều có chỉ định tiêm.
 
Riêng các đối tượng trên 65 tuổi có bệnh nền tham gia tiêm chủng, phải đánh giá thực trạng sức khoẻ trước khi tiêm và phải theo dõi chặt chẽ hơn sau tiêm để tránh trường hợp xảy ra sự cố và đổ lỗi cho tiêm chủng.
 
Các trường hợp đã khỏi COVID-19 được tiêm vắc xin sau 6 tháng khỏi bệnh do cơ thể đã sản sinh lượng kháng thể nhất định, ưu tiên vắc xin cho các nhóm đối tượng khác.
 
Các trường hợp dị ứng với một số thành phần của vắc xin, từng phản ứng nặng trầm trọng với mũi tiêm trước... nằm trong nhóm chống chỉ định tiêm vắc xin.
 
Ngoài ra, các trường hợp đang mắc bệnh nhiễm trùng cấp tính, đang điều trị miễn dịch, hoá chất… sẽ phải hoãn tiêm đến khi đủ điều kiện.
 
Về lo ngại các phản ứng sau tiêm, PGS Hồng cho biết, sau tiêm vắc xin sẽ có trên 10% trường hợp xuất hiện 4 nhóm phản ứng: Thứ nhất là nhức đầu, mệt mỏi, bồn chồn, ngứa tại chỗ tiêm; thứ hai là đau cơ, khó chịu; thứ ba là sốt, ớn lạnh, phổ biến là sốt nhẹ và sốt trên 38 độ; thứ tư là đau khớp, buồn nôn. Trong đó phản ứng đầu tiên phổ biến nhất.
 
Tỉ lệ bị sưng, đỏ tại vị trí tiêm chiếm từ 1-10%. Các phản ứng nghiêm trọng như sốc phản vệ, phản ứng quá mẫn muộn sau tiêm hiện chưa được WHO báo cáo đầy đủ.
 
Để giám sát tiêm chủng, Bộ Y tế yêu cầu người tiêm phải ở lại cơ sở tiêm chủng theo dõi sau tiêm 30 phút và tiếp tục về nhà theo dõi trong 24 giờ đầu tiên.
 
“Không chỉ có phản ứng sốc phản vệ sau tiêm 30 phút đến 1 tiếng mà có thể có phản ứng quá mẫn muộn xảy ra trong ngày đầu. Vì vậy người được tiêm chủng cần hết sức lưu ý, khi có biểu hiện khó chịu, bứt rứt, vã mồ hôi, ớn lạnh, nổi phát ban hoặc bất kỳ triệu chứng gì cần liên hệ ngay với các cơ sở y tế để được xử trí kịp thời”, PGS Hồng khuyến cáo.
 
Với mũi tiêm thứ hai, phải hỏi xem những mũi tiêm trước đó, người được tiêm có các phản ứng hay không. Nếu có phản ứng sốc, phản ứng nặng của lần tiêm trước đó, phải tạm hoãn hoặc hướng dẫn cụ thể để tiêm ở các cơ sở điều trị.

Đến nay, chưa có bằng chứng liên quan giữa các trường hợp phản ứng nghiêm trọng có liên quan đến vắc xin. Trước đó tại Hàn Quốc mới ghi nhận một số trường hợp tử vong sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca nhưng chưa khẳng định rõ nguyên nhân, trong đó có cả người trẻ tuổi.
 
 
Hà Ly