Chuyên gia: Chính sách tiền tệ không phải 'cây đũa thần', thời gian tới cần tập trung hơn nữa vào chính sách tài khóa

Trang Mai 15:24 | 11/07/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong bối cảnh các động lực tăng trưởng suy yếu trong những tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục hạ lãi suất tham chiếu, đồng thời chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Thế nhưng, theo PGS.TS. Tô Trung Thành, trong giai đoạn tiếp theo, bên cạnh chính sách tiền tệ, cần quan tâm và tập trung hơn nữa đến chính sách tài khóa.

Những khó khăn về cả tổng cầu và tổng cung

Phát biểu tại tọa đàm "Phục hồi tổng cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới", do Ban Kinh tế Trung ương, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp tổ chức sáng 11/7, PGS TS Phạm Thế Anh, Trưởng Khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết từ đầu năm 2023 đến nay, kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều bất ổn xuất phát từ lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao.

 Toàn cảnh toạ đàm. Ảnh: BTC

Nền kinh tế toàn cầu vẫn đang phục hồi từ một chuỗi cú sốc: Covid-19, Trung Quốc mở cửa muộn, chuỗi cung ứng đứt gãy. Thêm vào đó là xung đột ở Ukraine tác động lên giá nhiên liệu và lương thực; Lạm phát cao, lãi suất tăng,...

Hơn hết, cả 3 động lực từ phía cầu đều suy yếu. Đầu tiên là tổng mức bán lẻ tăng tốt trong quý I nhưng chậm lại trong quý II. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I tăng 13,9% nhưng 6 tháng đầu năm mức tăng đã giảm xuống 10,9%. Tiêu dùng dự kiến sẽ tăng chậm lại do lãi suất cao, thu nhập và tài sản giảm.

Tiếp theo là đầu tư nhà nước tăng mạnh nhưng còn xa so với kế hoạch do còn thiếu động lực, vướng pháp lý, giá nguyên vật liệu cao. Khu vực đầu tư tư nhân thì tăng rất chậm do lãi suất cao, khó tiếp cận tín dụng và phát hành trái phiếu/cổ phiếu, và đặc biệt là do niềm tin giảm sút. FDI ổn định, tuy nhiên dự báo khó tăng mạnh cho tới khi kinh tế thế giới và xuất khẩu hồi phục.

Về tốc độ xuất nhập khẩu, tình hình đang có phần ảm đạm hơn qua các quý. Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, ông Thế Anh cho biết, xuất khẩu hàng hóa quý I giảm 10%, quý II giảm 14,2%. Nhập khẩu hàng hóa quý I giảm 13,6%, quý II giảm 22,3%. Khoảng 65% giá trị xuất khẩu thuộc về khối doanh nghiệp FDI. Xu hướng tiếp tục khó khăn (hàng tiêu dùng không thiết yếu và liên quan đến nhà ở). Và đặc biệt là rủi ro mất hẳn đơn hàng.

“Việt Nam hiện nay chưa tận dụng được lợi thế FTA, chỉ gia công, nhập nguyên liệu từ bên ngoài, dẫn tới vướng nguồn gốc vật liệu; chi phí nhân công không còn cạnh tranh. Bên cạnh đó là các vấn đề của sản xuất xanh, nguyên vật liệu thân thiện môi trường khiến doanh nghiệp xuất khẩu có thể mất đơn hàng…”, vị chuyên gia này nhận định.

Trao đổi với phóng viên, GS TS Tô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm đã thể hiện rất rõ nét sự khó khăn của nền kinh tế, cả về phía tổng cầu và tổng cung. Các nhân tố liên quan đến tổng cầu trong 6 tháng đều lộ rõ những hạn chế, làm cho tăng trưởng nửa đầu năm ở mức thấp, khiến triển vọng tăng trưởng cả năm 6,5% sẽ khó thực hiện. 

Về phía tổng cung, chi phí đầu vào tăng, trong khi đầu ra không thuận lợi khiến quy trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn. Điều này thể hiện rõ nhất trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là khu vực chế biến chế tạo. Trước đây, khu vực này thường được coi là “bệ đỡ” cho sự phát triển công nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên, nửa đầu năm đã có mức tăng trưởng thấp, phản ánh phần nào khó khăn từ tổng cung”. 

GS TS Tô Trung Thành – Trưởng phòng Quản lý khoa học, Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Ảnh: Trang Mai

Chính sách tiền tệ không phải 'cây đũa thần'

Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, trong 2 kịch bản tăng trưởng vừa được Bộ cập nhật, dù ở kịch bản thấp, với tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6%, thì tăng trưởng kinh tế quý III cũng phải đạt 6,8%, quý IV phải đạt 9%, tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8,0%.

Với kịch bản tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6,5%, thì tăng trưởng quý III  phải đạt 7,4%, quý IV đạt 10,3%, cao hơn lần lượt 0,9 điểm % và 3,2 điểm % so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP. Tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8,9%. Đây là thách thức rất lớn.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, thực trạng hiện nay của nền kinh tế cho thấy, việc khôi phục và phát triển tổng cầu bền vững sẽ là “chìa khoá” cho nền kinh tế quay trở lại đường đua tăng trưởng, ít nhất là trong ngắn hạn. Thực tế trong thời gian qua, để thúc đẩy tổng cầu, Chính phủ đã sử dụng đồng thời một loạt các biện pháp kích cầu, kết hợp linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên, theo GS TS Tô Trung Thành, các chính sách trong 6 tháng đầu năm thiên về tiền tệ như hạ lãi suất, tín dụng, thế nhưng về phía tổng cung, có thể thấy doanh nghiệp vẫn khó khăn. Điều này phản ánh mức hấp thụ của doanh nghiệp đang khá kém. Nên việc giảm lãi suất không phải là vấn đề quan trọng nhất trong hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

“Nếu quá lạm dụng các chính sách tiền tệ, trong khi khu vực doanh nghiệp yếu để hấp thụ tín dụng thì có thể dẫn đến không thúc đẩy được sản xuất của doanh nghiệp, mà còn có thể ảnh hưởng đến tính ổn định của kinh tế vĩ mô, cũng như rủi ro của hệ thống tài chính tiền tệ. Tôi nghĩ rằng trong giai đoạn tiếp theo, bên cạnh chính sách tiền tệ, cần quan tâm và tập trung hơn nữa đến chính sách tài khoá” - vị này cho hay. 

 Cần kết hợp linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh: Dân trí. 

Thứ hai là những yếu tố thúc đẩy các yếu tố đầu vào của doanh nghiệp, điển hình như giảm thuế, hạ chi phí đầu vào khác. Theo chuyên gia, chính sách tài khoá sẽ có độ trễ so với chính sách tiền tệ. Do đó, ông Thành kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ được thẩm thấu lợi ích trong những tháng còn lại của năm 2023. 

“Ngoài ra là việc bao phủ an sinh xã hội hơn nữa, hướng tới những đối tượng bị tổn thương lớn của nền kinh tế như khu vực phi chính thức. Điều này cũng góp phần tăng mức chi tiêu, tác động tốt tới sự tăng trưởng” - chuyên gia nhận định. 

Hiện nay, tốc độ giải ngân đầu tư công có thể cao hơn so với trước nhưng vẫn chưa đạt kế hoạch. Dù vậy, đầu tư công cũng không nên dàn trải, cần tập trung vào những khu vực có sự lan toả, có hiệu như giáo dục, khoa học công nghệ,... Theo ông Thành, đầu tư công phải là điểm nhấn. Cần tập trung đầu tư chất lượng, quy mô để đầu tư công là “bệ đỡ” cho sự tăng trưởng của nền kinh tế. 

Về phía dài hạn, khi nguồn lực của nền kinh tế còn khó khăn như hiện nay, một trong những động lực tăng trưởng tốt trong thời gian tới là sử dụng công nghệ và kinh tế số. “Theo nghiên cứu của chúng tôi, hiện nay kinh tế số chiếm tỷ trọng tương đối thấp, chiếm khoảng 9,6% trong GDP nền kinh tế, trong khi kế hoạch đến năm 2025 chiếm khoảng 20% và đến 2030 chiếm 25%. Do đó, nếu ta không tập trung vào phát triển kinh tế số, thúc đẩy mô hình tăng trưởng dựa vào công nghệ số, đổi mới sáng tạo thì có lẽ các vấn đề về tổng cung như hiện nay sẽ còn lặp lại” - ông Thành nhấn mạnh.