Khan hiếm nguồn cung, TP HCM đề xuất vay vốn từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng làm NOXH

Đông Bắc 14:58 | 30/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mới đây, TP HCM đã có 6 dự án được phê duyệt vay vốn từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Từ đó, nhiều người kỳ vọng TP HCM sẽ tiếp tục khởi công nhiều dự án nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu của người dân.

  

Bộ Xây dựng vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc giải ngân gói tín dụng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân 120.000 tỷ đồng và giao Sở Xây dựng một số địa phương rà soát hồ sơ, lập danh mục dự án trình UBND tỉnh, thành phố công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của địa phương.

Theo đó, tỉnh Bình Định đang có 6 dự án đề xuất, tỉnh Phú Thọ, TP Đà Nẵng có 3 dự án, tỉnh Trà Vinh và tỉnh Bắc Giang có 2 dự án. Mới đây nhất, TP HCM cũng đã có 6 dự án được phê duyệt vay vốn từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Sở Xây dựng TP HCM cho biết, đã nhận được 6 đề nghị của các chủ đầu tư có nhu cầu vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Trong đó, có 3 chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, 1 chủ đầu tư dự án cho công nhân thuê và 2 chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Ba dự án nhà ở xã hội đăng ký vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng trong đợt này gồm: khu nhà ở xã hội - giai đoạn 2 thuộc khu nhà ở Nguyên Sơn (huyện Bình Chánh) do Công ty Cổ phần Bất động sản Nguyên Sơn làm chủ đầu tư, diện tích đất xây dựng dự án có quy mô hơn 22 ha với 242 căn hộ; dự án nhà ở xã hội tại địa chỉ 324 đường Lý Thường Kiệt (quận 10) do Công ty Cổ phần Đức Mạnh làm chủ đầu tư, quy mô 18 ha diện tích đất xây dựng với 1.254 căn hộ; dự án Khu nhà ở phường Long Trường (Thành phố Thủ Đức) do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng và kinh doanh Nhà Điền Phúc Thành làm chủ đầu tư với quy mô diện tích đất xây dựng là 14,3 ha cho 558 căn hộ.

 TP HCM có 6 dự án nhà ở đủ điều kiện vay vốn gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Ảnh BĐS.

Ngoài ra, có 1 dự án nhà ở xã hội phục vụ cho công nhân thuê tại Cụm Công nghiệp Quận 2, phường Thạnh Mỹ Lợi (Thành phố Thủ Đức) do Công ty Cổ phần ThuThiemGroup làm chủ đầu tư. Dự án này có quy mô diện tích đất xây dựng hơn 20 ha với hơn 1.000 căn hộ.

Hai dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư đăng ký vay hơn 1.160 tỷ đồng còn lại là: dự án xây dựng mới chung cư 350 Hoàng Văn Thụ (Tân Bình) do Công ty Cổ phần Đức Khải Tân Bình làm chủ đầu tư và dự án Khu dân cư Trung tâm Sài Gòn (quận 1), do Công ty Cổ phần địa ốc Downtown làm chủ đầu tư.

Quá trình rà soát, Sở Xây dựng cho biết, cả 6 dự án nêu trên đều đáp ứng các tiêu chí và điều kiện theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Cụ thể, 3 dự án nhà ở xã hội và 1 dự án nhà cho công nhân thuê đã có giấy phép xây dựng. Trong khi đó, 2 dự án xây dựng lại chung cư cũ cũng đã có chấp thuận chủ trương đầu tư.

“Về nhu cầu vay vốn, đây là nội dung đăng ký của chủ đầu tư, các ngân hàng sẽ thực hiện thẩm định theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước để cho vay”, Sở Xây dựng TP HCM cho biết.

Trong thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố các đợt tiếp theo khi có dự án đủ điều kiện, tiêu chí theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

Tháo gỡ vướng mắc cho nhà ở xã hội

Tại Hội thảo: "Một triệu căn nhà ở xã hội: Giải pháp nâng cao khả năng thụ hưởng cho người thu nhập thấp" mới đây, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM cho biết, mục tiêu của TP HCM, giai đoạn 2021 - 2025: dự kiến phát triển khoảng 2,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội tương ứng khoảng 35.000 căn nhà. Trong đó, nhà ở cho thuê phấn đấu đạt khoảng 500.000 m2 sàn, tương ứng khoảng 7.000 căn hộ; nhà ở lưu trú công nhân phấn đấu đạt trên 220.000 m2 sàn, tương ứng khoảng 4.500 căn hộ.

Giai đoạn 2026 - 2030: dự kiến phát triển khoảng 4,08 m2 sàn nhà ở xã hội tương ứng khoảng 58.000 căn nhà. Trong đó, nhà ở cho thuê phấn đấu đạt khoảng 816.000 m2 sàn, tương ứng khoảng 11.600 căn hộ; nhà ở lưu trú công nhân phấn đấu đạt trên 480.000 m2 sàn, tương ứng khoảng 8.000 căn hộ.

Theo ông Khiết, hiện có nhiều vướng mắc trong các quy định pháp luật, chồng lấn nhau: "Pháp luật đất đai không có chuyện giao đất để xây dựng nhà ở xã hội mà phải đấu giá, đấu thầu. Không có cơ chế giao cho liên đoàn lao động làm, dẫn đến 1 bên có tiền, một bên có đất, có nhu cầu rất lớn mà không giải quyết được".

Về giải pháp thời gian tới, ông Khiết nhấn mạnh, TP HCM sẽ yêu cầu rà soát, ban hành quy trình giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính trong thủ tục đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở, dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo quy định của pháp luật.

 

 Nhiều dự án nhà ở xã hội tại TP HCM chưa thể triển khai do vướng mắc. Ảnh CFL.

Bên cạnh đó, sẽ bổ sung các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào chương trình kích cầu đầu tư của thành phố để tổ chức triển khai thực hiện sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.

Lãnh đạo Sở Xây dựng TP HCM nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu, TP HCM sẽ đôn đốc chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của các dự án này theo tiến độ được phê duyệt; trường hợp chủ đầu tư không thực hiện thì tham mưu UBND TP để thu hồi quỹ đất 20% để lựa chọn, giao cho các chủ đầu tư khác.

Liên quan đến tài chính cho nhà ở xã hội, theo ông Huỳnh Thanh Khiết hiện hạn mức vay mua nhà ở xã hội của Ngân hàng Chính sách xã hội là không vượt qúa 80% giá trị căn hộ, đối tượng cho vay không vượt qua 500 triệu đồng.

"Tính bình quân, giá căn hộ nhà ở xã hội của TP HCM hiện nay là 18 triệu đồng đến 20 triệu đồng/m2. Nếu căn hộ 50 m2, giá bán lên đến gần 900 triệu đồng/căn, người được cho vay chỉ được vay trong hạn mức 500 triệu đồng, vậy khoản còn lại, họ sẽ phải vay ở đâu? Chính sách thu hẹp phạm vi, nên đối tượng cho vay rất hẹp", ông Khiết phân tích.

Theo ông Khiết, TP HCM có Chương trình vay từ quỹ phát triển nhà ở TP HCM với lãi suất 4,8%, thời gian vay 25 năm, nhưng đối tượng chỉ giới hạn hưởng lương ngân sách TP HCM, không cho vay quá 900 triệu đồng, lãi suất vay 7%/năm. Tuy nhiên đối tượng cũng khá hạn hẹp.

 

Nhà ở xã hội tại TP HCM chỉ đạt 1,31% chỉ tiêu

UBND TP HCM vừa báo cáo kết quả thực hiện giữa nhiệm kỳ chương trình phát triển nhà ở TP HCM giai đoạn 2021-2030.

Theo đó, thành phố đặt chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người của thành phố đến năm 2025 là 23,5 m2/người và tổng diện tích nhà ở tăng thêm thành phố giai đoạn 2021-2025 đạt 50 triệu m2 sàn.

Trong đó, nhà ở thương mại 15,5 triệu m2 sàn, nhà ở riêng lẻ tự xây dựng của hộ gia đình 32 triệu m2 sàn, nhà ở xã hội 2,5 triệu m2 sàn, nhà ở công 2 vụ 1.400 m2.

Kết quả, từ năm 2021 đến tháng 6-2023, tổng diện tích xây dựng mới đạt 15,33 triệu m2/50 triệu m2, đạt 30,66% chỉ tiêu đề ra trong giai đoạn 2021-2025 (diện tích ở bình quân đến tháng 6/2023 của thành phố đạt 21,44 m2/người).

Trong đó, nhà ở thương mại phát triển 3,9 triệu m2 sàn, chiếm 25,19% so với chỉ tiêu đề ra; nhà ở riêng lẻ do dân tự xây phát triển 11,38 m2 sàn, chiếm 35,6% so với chỉ tiêu đề ra; nhà ở xã hội phát triển 32.668 m2 sàn, chiếm 1,31% so với chỉ tiêu đề ra.

Để đạt được chỉ tiêu đề ra tại thời điểm cuối nhiệm kỳ, thành phố phải phát triển khoảng 36,65 triệu m2 sàn trong giai đoạn 2023-2025, tương ứng mỗi năm phát triển bình quân khoảng 12,2 triệu m2 sàn. Đây là con số chưa từng đạt được trong giai đoạn trước, khi thị trường bất động sản phát triển vượt bậc.