Chuyên gia: Đầu tư công nhiều địa phương ì ạch chủ yếu do dân chờ giá đền bù GPMB mới

11:37 | 01/08/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ Tài chính ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 của cả nước đến hết tháng 7 mới đạt 32,22% tổng kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ năm 2023. Theo giới chuyên gia, vướng mắc căn bản là câu chuyện giải phóng mặt bằng, nhất là khi người dân chờ đợi giá đền bù mới theo Luật đất đai sửa đổi có hiệu lực từ 1/8/2024.

 

Giải ngân đầu tư công 7 tháng đầu năm mới đạt 32,22% tổng kế hoạch 

Bộ Tài chính ước tính thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/7/2024 là 232.091,4 tỷ đồng, đạt 32,22% tổng kế hoạch, đạt 34,68% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao nhưng thấp hơn so với mức giải ngân đầu tư công cùng kỳ năm 2023 (35,49% tổng kế hoạch và đạt 37,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Trong 7 tháng đầu năm, có 11/44 bộ, cơ quan trung ương và 38/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước.

Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt theo Bộ Tài chính gồm: Đài Truyền hình Việt Nam (100%), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (53,95%), Bộ Giao thông vận tải (50,83%), Bộ Xây dựng (47,91%), Thanh Hóa (58,45%), Hòa Bình (56,79%), Long An (52,22%).

Bên cạnh đó, 33/44 bộ, cơ quan trung ương và 25/63 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước. Đặc biệt có một số bộ, cơ quan trung ương giải ngân rất thấp hoặc có tỷ lệ giải ngân 0% như Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nguyên nhân là do chưa phân bổ kế hoạch vốn. 

Một số bộ, cơ quan trung ương giải ngân rất thấp như: Ủy ban Dân tộc (1,12%), Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh (1,43%), Đại học Quốc gia Hà Nội (2,96%)…. Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% như TP HCM (14,31%), Phú Yên (16,27%), Bắc Ninh (16,08%), Hải Dương (18,36%)

Báo cáo của Bộ Tài chính cũng chỉ ra rằng một số địa phương kế hoạch lớn (TP HCM được giao 79.263,78 tỷ đồng, chiếm 11,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao cả nước, TP Hà Nội được giao 81.033 tỷ đồng, chiếm 12,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao cả nước) nhưng tỷ lệ giải ngân không cao nên ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước. 

Dân chờ giá đền bù đất tăng, Luật mới có hiệu lực sẽ thúc đẩy đầu tư công tăng tốc

 Theo Bộ Tài chính,  vấn đề cơ chế chính sách; giải phóng mặt bằng, trọng tâm là xác định nguồn gốc đất và giá đất…  là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư công. Ảnh minh họa

Nói về nguyên nhân chủ yếu khiến tiến độ giải ngân đầu tư công chưa thực sự tích cực trong 7 tháng đầu năm, Bộ Tài chính cho rằng nhiều bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ chi tiết cho các dự án nên không thể giải ngân, cùng đó là các vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách đã tồn tại trong nhiều năm. Chẳng hạn như vấn đề cơ chế chính sách; giải phóng mặt bằng, trọng tâm là xác định nguồn gốc đất và giá đất; hay thực trạng thiếu nguồn cung nguyên vật liệu xây dựng…

Cũng đề cập đến khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Trần Quốc Phương, thực tế một vướng mắc lớn ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân đầu tư công là những tình huống phát sinh, va chạm trong các thủ tục đền bù cho người dân trong quá trình triển khai. Mà theo Thứ trưởng, việc giải quyết tình huống phát sinh tại từng dự án phụ thuộc lớn vào sự nhạy bén và linh hoạt các chủ đầu tư và các ban quản lý dự án.

“Chỉ cần vướng một vài hộ gia đình là có thể ảnh hưởng đến tiến độ của cả một dự án”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói thêm.

Theo các chuyên gia, nút thắt lớn nhất, cũng là gốc rễ vấn đề giải phóng mặt bằng tại các dự án đầu tư công hiện nay là giá đất. Với việc Luật đất đai sửa đổi (có hiệu lực từ 1/8/2024) quy định bỏ khung giá đất và cập nhật bảng giá đất hàng năm theo nguyên tắc giá trị trường, các chuyên gia kỳ vọng quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi sẽ được đảm bảo tốt hơn, qua đó thúc đẩy công tác giải phóng mặt bằng.

Trao đổi với PV, TS. Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhấn mạnh kỳ vọng việc áp dụng 3 Luật sửa đổi gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản từ 1/8/2024 sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa rất lớn trong nền kinh tế, đặc biệt là thông qua đẩy nhanh tiến độ đầu tư công.

“Đầu tư công hiện nay đang vướng mắc ở chuyện người dân chờ đợi giá đền bù mới khi Luật đất đai sửa đổi được áp dụng. Ví dụ, tỉnh Hưng Yên năm ngoái tiến độ giải ngân đầu tư công cả năm (tính đến 31/12/2023) đạt xấp xỉ 99%, nhưng đến hết 6 tháng đầu năm 2024 mới giải ngân được 16,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Nguyên nhân chủ yếu là vì không giải phóng được mặt bằng. Dân chúng cứ đợi mức giá đền bù mới, vì giá đó có lợi cho họ hơn”, TS. Lê Xuân Nghĩa cho hay.

Theo vị chuyên gia này, với câu chuyện đầu tư công hiện nay, vướng mắc lớn nhất tác động đến cả một hệ thống là do dân chờ đợi giá đền bù mới theo nguyên tắc thị trường. Ông kỳ vọng một khi 3 luật sửa đổi có hiệu lực từ 1/8/2024, không chỉ đầu tư công mà đầu tư cá nhân cũng sẽ được thúc đẩy. Lĩnh vực bất động sản và xây dựng cơ sở hạ tầng cũng sẽ có những tín hiệu tích cực hơn.

Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 1/8/2024 đã bỏ quy định về khung giá đất, theo đó đất được định giá theo nguyên tắc thị trường. Cụ thể, mỗi địa phương sẽ quyết định bảng giá đất và điều chỉnh bảng giá mỗi năm 1 lần để phù hợp với giá đất thị trường (thay vì 5 năm/ lần và căn cứ vào giá đất tối thiểu - tối đa do Chính phủ ban hành như trước đó).

Từ 1/1/2026, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ áp dụng bảng giá đất mới. Bảng giá đất mới được quy định tiệm cận với giá đất thị trường, có thể tăng lên so với hiện hành. Trong khi đó, giá đền bù được tính theo giá đất cụ thể. Như vậy, sẽ kéo theo giá đền bù đất tăng so với hiện nay, trong đó có đất nông nghiệp.

Ngoài ra, theo Luật Đất đai mới, người dân được đền bù đất nông nghiệp cũng sẽ được hưởng thêm một số khoản chi phí như chi phí hỗ trợ di dời vật nuôi, chi phí hỗ trợ tháo dỡ, di dời tài sản gắn liền với đất… và một số quyền lợi về bồi thường, đền bù tái định cư khi bị thu hồi đất...