Chuyên gia: Đồng yen phục hồi là nguyên nhân khiến chứng khoán Mỹ bị bán tháo
CNBC dẫn lời ông Russell Napier, nhà đồng sáng lập của cổng thông tin nghiên cứu đầu tư ERIC, cho biết các nhà đầu tư vừa được chứng kiến tác động của sự thay đổi chính sách tiền tệ từ Nhật Bản tới thị trường tài chính Mỹ.
“Mối quan hệ chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ của Trung Quốc và Nhật Bản với giá tài sản ở Mỹ sẽ gây sốc cho hầu hết các nhà đầu tư của Mỹ”, ông Napier cho hay.
Chuyên gia cho biết thêm rằng mọi người trong nhiều thập kỷ qua thường tin rằng Mỹ là một "ốc đảo" độc lập về mặt kinh tế và tài chính, không chịu tác động bởi các xu hướng toàn cầu. Tuy nhiên, những diễn biến gần đây đã chứng minh điều ngược lại.
Chứng khoán Mỹ đang trải qua một đợt bán tháo mạnh. Ở chiều ngược lại, nhiều nhà đầu tư bị bất ngờ trước đà tăng giá của đồng yen (JPY). JPY đã tăng khoảng 8% so với USD trong một tháng qua. Tính đến cuối ngày 1/8, đồng tiền này đã giao dịch ở mức 146,54 JPY đổi một USD. Trước đó chỉ một tháng, JPY từng tụt xuống mốc 161,96, thấp nhất kể từ tháng 12/1986.
Sự giảm giá của chứng khoán Mỹ trước đà tăng của JPY đã “cho thấy tác động từ sự thay đổi chính sách tiền tệ của phương Đông đối với giá tài sản tại Mỹ nói riêng và các nước phát triển nói chung”, chuyên gia nói thêm.
JPY tăng giá đã làm dấy lên những đồn đoán về cái kết của “giao dịch chênh lệch lãi suất” (carry trade). Với loại hình này, nhà đầu tư vay bằng một loại tiền tệ có lãi suất thấp và tái đầu tư số tiền này vào một loại tiền tệ có tỷ suất sinh lời cao hơn. Do có mức lãi suất thấp, JPY thường được lựa chọn là đồng tiền cấp vốn trong các giao dịch carry trade.
Khi JPY tăng giá, các nhà đầu tư đi vay đồng tiền này sẽ chịu áp lực lớn. Nếu đóng vị thế, họ có thể thua lỗ. Để có tiền duy trì vị thế (không hiện thực hóa khoản lỗ), nhà đầu tư có thể phải bán bớt một số tài sản , chẳng hạn như chứng khoán Mỹ.
Ông Napier cho rằng áp lực bán từ những nhà đầu tham gia carry trade đã đẩy chứng khoán Mỹ đi xuống, bất chấp việc lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ vẫn giảm.
Ông Napier nhấn mạnh: “Việc thị trường chứng khoán Mỹ phản ứng tiêu cực trước đợt tăng giá của JPY chính là lời cảnh báo cho các nhà đầu tư về mối liên hệ giữa giá chứng khoán Mỹ và hệ thống tiền tệ toàn cầu”.
Ông Cedric Chehab, Giám đốc rủi ro quốc gia tại công ty nghiên cứu BMI, cho biết có nhiều yếu tố gây ra biến động trong khoảng thời gian 10 ngày qua. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh những “đợt điều chỉnh là hoàn toàn bình thường” vào khoảng thời gian này trong năm.
“Trước hết, Ngân hàng trung ương Nhật Bản đã gây ra sự sụp đổ của carry trade trong ngắn hạn. Ngoài ra, dữ liệu về sản xuất yếu từ Mỹ và một số chỉ số khác khiến thị trường lo sợ”, ông Chehab nói với CNBC.
“Và sau đó, chúng ta thấy nhiều biến động về lợi nhuận của doanh nghiệp lớn. Tất cả những điều đó đã đẩy thị trường chứng khoán, vốn đã khá đắt đỏ, xuống thấp hơn nữa”, ông nhận định. Chuyên gia nhắc nhở nhà đầu tư rằng thị trường chứng khoán Mỹ thường có nhiều biến động trong giai đoạn quý III.
Ông Napier đánh giá rằng sự sụt giảm gần đây của chứng khoán Mỹ có khả năng sẽ gây ra tác động đáng kể với các nhà đầu tư thực hiện carry trade bằng JPY.
Ông cảnh báo chứng khoán Mỹ sẽ chịu biến động nhiều hơn khi cả nhà đầu tư tham gia carry trade bị thua lỗ và các tổ chức tài chính của Nhật Bản cùng bán tháo. Những tổ chức này phải bán tài sản khác để mua vào trái phiếu chính phủ Nhật Bản theo yêu cầu của các nhà chức trách, ông Napier nói.
“Với việc JPY bị định giá thấp và nhu cầu áp chế tài chính tại Nhật Bản đang rất cấp thiết, các nhà đầu tư không nên kỳ vọng định giá chứng khoán Mỹ sẽ tiếp tục tăng”, ông nhận định.
Chuyên gia kết luận rằng biến động của JPY trong vài tuần gần đây và tác động của nó lên giá chứng khoán Mỹ là cảnh báo về những thách thức đối với thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới khi nhà đầu tư nước ngoài bước vào giai đoạn chuyển vốn về nước và tập trung đầu tư trong nước. Ông Napier dự báo xu hướng này có thể sẽ kéo dài hơn một thập kỷ.