Chuyên gia Harvard cảnh báo dấu hiệu thị trường chứng khoán đang tăng trưởng quá nóng

Trịnh Huyền Trang 17:01 | 09/02/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo giảng viên Đại học Harvard và tác giả nổi tiếng Vikram Mansharamani, sự bùng nổ của đầu tư thụ động, nỗi sợ bỏ lỡ (FOMO) và niềm tin mù quáng vào 'các CEO siêu sao' đã khiến cổ phiếu công nghệ tăng trưởng cao tăng quá nóng.
Vikram Mansharamani, Giảng viên Đại học Harvard. (Ảnh: Speakers' Spotlight).

Ông Mansharamani, người đã tạo dựng tên tuổi từ cuốn sách phát hiện bong bóng thị trường "Boombustology: Spotting Financial Bubbles Before They Burst" nói rằng một bong bóng khác có thể sắp phát nổ.

Ông Mansharamani phát biểu tại diễn đàn Future of Finance của Yahoo Finance: "Tôi tin rằng bong bóng đầu tư thụ động đang hình thành. Trên thực tế, bong bóng đã bắt đầu cho thấy dấu hiệu rạn nứt và đổ vỡ. Chúng ta đã thấy dòng tiền đẩy giá chứng khoán vượt quá giá trị cơ bản trong rất nhiều lĩnh vực. Nguồn cơn một phần là lượng tiền khổng lồ đổ vào các chỉ số chứng khoán chính".

Đầu tư thụ động là chiến lược mô phỏng diễn biến của chỉ số chứng khoán hoặc một danh mục cụ thể. Theo Bloomberg Intelligence, phương pháp này hiện được sử dụng tại hơn một nửa quỹ chỉ số giao dịch công khai tại Mỹ. Những quỹ này tăng trưởng bùng nổ trong thời gian qua một phần nhờ mức phí thấp.

Nhưng ông Mansharamani cho rằng tầm ảnh hưởng quá lớn của đầu tư thụ động đã khiến giá chứng khoán bị bóp méo, với thị trường ngày càng bị chi phối bởi dòng vốn và các thuật toán chạy theo xu thế.

Để lấy ví dụ, ông chỉ ra sự tăng trưởng của các quỹ đầu tư tập trung vào vấn đề môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Theo dữ liệu từ Refinitiv Lipper, gần 650 tỷ USD đã được đổ vào các chỉ số tập trung vào ESG tính tới tháng 11 năm ngoái, góp phần tạo ra năm 2021 huy hoàng cho chứng khoán Mỹ. Nhưng ông Mansharamani cho rằng cầu không thực sự phù hợp với cung trên thị trường.

Kết quả là dòng vốn từ các quỹ hoạt động theo tôn chỉ ESG chủ yếu tập trung vào một vài cổ phiếu được cho là đáng đầu tư, dẫn đến định giá của một số doanh nghiệp bị thổi phồng.

"Các quỹ ESG không có nhiều lựa chọn để đặt số tiền khổng lồ mà họ nhận được. Do đó số tiền này đã đẩy giá cổ phiếu lên cấp độ mà chúng không thể đạt được nếu không có bong bóng điên rồ theo phong cách ESG".

Giá cổ phiếu đang được thổi phồng

Ông Mansharamani nói rằng định giá bị thổi phồng do sự kết hợp giữa nỗi sợ bỏ lỡ và "sức mạnh của kể chuyện" bởi các CEO ngôi sao, tiêu biểu là Tesla.

Theo ông, tầm ảnh hưởng khổng lồ của CEO Elon Musk đối với Tesla và năng lực bán viễn cảnh về "thế giới mới tuyệt vời" cho nhà đầu tư tiềm năng đã đẩy giá cổ phiếu lên cao ngất, tạo ra sự chênh lệch giữa các yếu tố cơ bản của công ty và định giá của cổ đông. Mạng xã hội càng khuếch đại hiện tượng trên.

"Một bộ phận nhà đầu tư có tư tưởng hão huyền như thế này: Tất cả mọi thứ đều thành hiện thực trong tương lai. Chúng ta có xe tự lái, taxi robot, pin, vùng năng lượng mặt trời tối ưu, .... Chúng ta sẽ lên sao Hỏa và mang cả ô tô lên sao Hỏa. Dù những viễn cảnh này có xa vời đến đâu thì những người muốn tin chúng vẫn sẽ tin sái cổ. Nhưng một khi tâm lý thay đổi thì sẽ thay đổi rất nhanh".

"Nếu loại bỏ những áp lực đang nâng đỡ giá này thì cổ phiếu Tesla không thể lên cao như hiện tại".Diễn biến gần đây của Tesla dường như cho thấy tâm lý đang đổi chiều. Tesla đã lao dốc 25% kể từ đỉnh lịch sử tháng 11 năm ngoái dù công ty báo cáo lợi nhuận kỷ lục trong quý vừa qua.

Các cổ phiếu tăng trưởng cao khác cũng trên đà xuống dốc do lo ngại về lãi suất gia tăng đẩy định giá xuống gần với thực tế hơn, ông Mansharamani cho biết.

Ông cảnh báo: "Giá cổ phiếu tăng dẫn đến nhu cầu cao hơn, tạo ra vòng lặp giá tự đi lên. Nhưng vòng lặp cũng xảy ra khi giá đi xuống. Giá thấp, nhu cầu giảm, giá lại giảm tiếp, cứ thế lặp lại".