Chuyên gia kinh tế hiến kế chống dịch Covid-19

10:34 | 12/07/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Làn sóng dịch Covid-19 lần 4 tấn công vào mạnh vào nền kinh tế và thị trường lao động vốn đang chật vật để hồi phục.

Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê thì trong quý 2 cả nước đã có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu những tác động tiêu cực từ đại dịch: Mất việc làm, nghỉ luân phiên, giảm thu nhập... 

Đợt Covid-19 lần thứ 4 diễn ra trực tiếp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất - nơi tập trung số lượng lớn doanh nghiệp (DN), nhà máy sản xuất lớn với nhiều lao động. Đến thời điểm hiện tại, dịch đã xuất hiện 55/63 tỉnh, thành phố, đại dịch đang là thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp và người lao động sau một thời gian dài vật lộn với dịch bệnh.

Ngoài công nghiệp thì các ngành nghề dịch vụ như: Du lịch, vận tải, hàng không đều chịu cảnh điêu đứng bởi dịch bệnh. 

Hiện tại, người lao động đang hết sức "trông ngóng" vào những giải pháp hỗ trợ đến từ Chính phủ và các ban ngành đoàn thể liên quan, nhất là nhóm người lao động thuộc nhóm thu nhập dưới trung bình đang phải "vật lộn" để kiếm sống, chi trả những khoản phí trong thời buổi dịch bệnh. 

Chuyên gia kinh tế hiến kế chống dịch Covid-19 - ảnh 1

Dịch bệnh tấn công nhiều ngành nghề, lĩnh vực trong nền kinh tế

Tổng cục Thống Kê đề xuất một số giải pháp liên quan trong việc gỡ khó cho thị trường lao động. Cụ thể là cần tiếp tục thực hiện kiên định mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng chống dịch hiệu quả, vừa tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người lao động. Trong đó vấn đề đẩy nhanh vấn đề tiêm vaccine nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm. Ưu tiên cho lao động tuyến đầu tại các khu công nghiệp, khu chế xuất để duy trì sản xuất, ngăn chặn tình trạng đứt gãy chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng cần triển khai giải pháp nhanh hơn bao giờ hết. 

Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý rằng, nên chú ý tới kinh tế hộ gia đình và khu vực phi chính thức bởi nhóm này chiếm đến 32% trong cơ cấu nền kinh tế. Nếu không làm kỹ chắc chắn có thể bỏ sót một lượng lớn người lao động trong các gói giải pháp hỗ trợ. 

Cũng theo vị chuyên gia kinh tế, thì hỗ trợ bằng tiền mặt không giúp ích nhiều cho người lao động bởi khoản trợ cấp gần như không đáng kể, trong khi ngân sách nhà nước chỉ có hạn, không thể "bao thầu" quá nhiều gói giải cứu. 

Điểm quan trọng nhất vẫn phụ thuộc vào chính quyền địa phương phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức chuyển đổi sản xuất cho một bộ phận lao động ở khu vực phi chính thức bị ảnh hưởng thu nhập bởi dịch bệnh cũng như bộ phận lao động ở khu vực chính thức bị mất việc làm. Các ngành nghề có thể triển khai tạm thời là sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp để người lao động cầm chừng, có thu nhập qua giai đoạn này. 

Dự báo đến cuối năm 2021, tình hình thiếu việc có thể trở nên trầm trọng hơn bao giờ hết, nhất là khi dịch Covid-19 đã lan đến các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước ở phía Nam. 

H.S

Xem thêm: Hà Nội khẩn trương triển khai gói 26.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch