Chuyên gia ngân hàng: Để giải cứu DN, mọi thông tin DN cần qua ‘một cửa’

19:52 | 15/05/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Mọi thông tin của doanh nghiệp phải đẩy qua mạng - “một cửa” - để tránh trường hợp có doanh nghiệp nhận được cả ba gói hỗ trợ, có doanh nghiệp không được gì, theo chuyên gia Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN.
Chuyên gia ngân hàng: Để giải cứu DN, mọi thông tin DN cần qua ‘một cửa’ - ảnh 1
Các chuyên gia chia sẻ về giải pháp cứu doanh nghiệp tại buổi sinh hoạt chuyên đề của CLB Cafe Số, sáng 15/5. Ảnh: DNVN/Minh Hoa.
Tại buổi sinh hoạt chuyên đề của CLB Cafe Số “Làm gì để kinh tế Việt Nam phát triển sau đại dịch COVID-19”, sáng 15/5, trước câu hỏi của đại diện doanh nghiệp về giải pháp giải cứu doanh nghiệp bị tác động của dịch COVID-19, ông Phạm Xuân Hòe đồng tình với giải pháp cần tập trung vào trụ cột cần cứu để tạo động lực cho nền kinh tế phục hồi.

Tuy nhiên, ông Hòe nhấn mạnh Chính phủ cần một giải pháp cứu kinh tế sâu sát mang tinh thần giống như chống dịch COVID-19 thời gian vừa qua. Bởi các cơ chế chính sách không chỉ nói mà cần hành động.

Theo Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, giải cứu doanh nghiệp được Chính phủ thông qua 3 gói chính. Đó là gói 62 nghìn tỷ đồng và gói tài khóa 180 nghìn tỷ đồng; gói bảo hiểm, giãn thuế và gói tín dụng của ngân hàng.

“Vấn đề là phải phân biệt được doanh nghiệp nào ảnh hưởng 10-30%, 50-80%, trên 80% trước tác động của COVID-19 và cần giải cứu thế nào. Nếu cứ “mập mờ” thì có doanh nghiệp có thể được hưởng cả 3 gói, có doanh nghiệp lại không được hưởng gói nào, chết vẫn hoàn chết”, ông Hòe nói.

Ông Hòe khuyến nghị: Cần thành lập một tổ đặc nhiệm phục hồi nền kinh tế từ cấp Chính phủ cho tới chính quyền địa phương. Tất cả mọi thông tin của doanh nghiệp phải đẩy qua mạng – “một cửa”.

Để giải cứu doanh nghiệp hiệu quả, nghị quyết sau cuộc gặp giữa Thủ tướng với Doanh nghiệp vừa diễn ra phải được soạn thảo thật chi tiết. Tránh vĩ mô khái quát quá thì địa phương sẽ hiểu theo nhiều cách. Điều này đòi hỏi sự tập trung trí tuệ trong cùng một thời gian của đội ngũ chuyên gia ngồi cùng với các cơ quan chức năng để soạn thảo. Nếu chỉ giao cho các bộ ngành làm theo quy trình thông thường thì một năm sau chưa có nghị định. Như vậy không thể cứu được doanh nghiệp.

Bàn luận sâu về lĩnh vực ngân hàng, ông Hòe cho rằng: Không phải các ngân hàng thương mại không muốn giữ hợp tác với doanh nghiệp chịu tác động bởi COVID-19. Ngân hàng đã ngồi cùng thuyền với doanh nghiệp thì phải cứu doanh nghiệp, nếu không sẽ thành nợ xấu. Hai bên đều là doanh nghiệp cả. Vấn đề ở chỗ hồ sơ pháp lý chứng thực cho doanh nghiệp vay vốn cá nhân, đơn vị nào xác nhận tín chấp cho doanh nghiệp. Bởi vì trước khi xác nhận, cơ quan hay cá nhân có thẩm quyền tại địa phương đều e ngại liệu việc đó có bị sai và dễ bị hình sự hóa sau đó không.

Chia sẻ về giải pháp giúp doanh nghiệp Việt có cơ hội nhảy vào chuỗi giá trị toàn cầu, chuyên gia Phạm Xuân Hòe nhấn mạnh: Thể chế là quan trọng bậc nhất, nhưng vấn đề phải cụ thể ở cách thực hiện. Nếu không, doanh nghiệp Việt sẽ mãi “nằm” mà không thể “đứng dậy” khiến nền kinh tế nghiêng về “sính ngoại” từ FDI.

Chính phủ cần có chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp nhập công nghệ, với quy định chi tiết điều kiện cụ thể về dây chuyền công nghệ mà doanh nghiệp nhập về sao cho xứng đáng trong chuỗi giá trị.