Chuyên gia: Nhiều yếu tố tiềm ẩn tác động lên lạm phát năm 2025

Ngọc Bảo 10:09 | 09/01/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Với mức tăng CPI 3,63% năm 2024, Việt Nam đã thành công kiểm soát lạm phát dưới 4% trong 10 năm liên tiếp. Tuy nhiên, năm 2025 vẫn còn nhiều yếu tố tiềm ẩn tác động lên chỉ số này.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý IV/2024 tăng 2,87% so với quý IV/2023. Tính chung cả năm 2024, CPI tăng 3,63% so với năm trước, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Một thập kỷ lạm phát thấp

Nhìn nhận kết quả này, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính cho rằng, Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4% trong 10 năm liên tiếp. Theo đó, giai đoạn 2015 - 2024, tính trung bình lạm phát chỉ ở mức 2,8%/năm, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình 10,2%/năm của 10 năm trước đó (giai đoạn 2005 - 2014).

Lạm phát tại Việt Nam giai đoạn 2015-2024. (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Về nguyên nhân, theo ông Độ, tốc độ tăng cung tiền trong giai đoạn 2014-2023 (độ trễ 1 năm) chỉ ở mức 13,8%, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình 27,1% của giai đoạn 2004-2013.

Ngoài ra, lãi suất trong giai đoạn 2014-2024 luôn được duy trì thực dương, trung bình ở mức 3,7%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn 12 tháng. Trong khi đó, mức lãi suất thực trung bình của giai đoạn 2004-2014 là 0%/năm.

Về tỷ giá, trong giai đoạn 2014-2024 cũng được duy trì ổn định hơn so với giai đoạn 2004-2014. Nếu như tốc độ giảm giá của VND so với USD trong giai đoạn 2004-2014 ở mức trung bình 2,9%/năm, thì trong giai đoạn 2014-2024 đã giảm xuống còn 1,6%/năm.

“Tăng trưởng cung tiền thấp, lãi suất thực dương và tỷ giá ổn định là những yếu tố cơ bản giải thích tại sao lạm phát tại Việt Nam được duy trì ổn định ở mức thấp trong 10 năm gần đây. Đây là yếu tố giúp kiểm soát lạm phát trong năm 2025”, ông Độ nêu rõ.

TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính. (Ảnh: BTC).

Còn theo bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ thống kê giá, Tổng cục Thống kê, để ổn định kinh tế vĩ mô, thành công trong việc kiểm soát lạm phát, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai quyết liệt nhiều giải pháp như đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của người dân.

Chú trọng tăng cường công tác quản lý, điều hành giá, đặc biệt trong thời điểm thiên tai, bão lũ, kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia để hỗ trợ, cứu trợ người dân bị thiệt hại do bão lũ. Điều hành giá các mặt hàng nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường một cách thận trọng.

Các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp cũng được Chính phủ tiếp tục thực hiện . Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả đã góp phần kiểm soát lạm phát. Sự hạ nhiệt của lạm phát thế giới đã tác động tới lạm phát của Việt Nam, giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu lạm phát.

Lạm phát có thể thấp hơn 2,5%

Tuy vậy, đại diện Tổng cục Thống kê, hiện nay xung đột quân sự ở một số quốc gia leo thang căng thẳng, diễn biến khó lường, có nguy cơ lan rộng. Cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn ngày càng gay gắt.

Cùng với đó, hiện tượng thời tiết cực đoan tác động nghiêm trọng tới kinh tế - xã hội toàn cầu. Điều này có thể tạo nên sự đứt gãy chuỗi cung ứng, làm gia tăng chi phí vận tải, tác động đến biến động giá các mặt hàng chiến lược trên thế giới, gây ra các rủi ro về an ninh năng lượng, an ninh lương thực.

Đặc biệt, các chính sách thuế trong nhiệm kỳ của Tổng thống đắc cử Donald Trump có khả năng rất khắc nghiệt, dẫn đến các phản ứng trả đũa từ các quốc gia.

Ở trong nước, chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất có thể tăng lên theo giá thế giới và chịu tác động từ biến động tỷ giá, ảnh hưởng đến chi phí, giá thành sản phẩm, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên và tạo áp lực lên lạm phát.

Bên cạnh đó, việc tiếp tục thực hiện lộ trình thị trường đối với các dịch vụ do Nhà nước quản lý như giá điện, học phí, giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố, chi phí sẽ tác động làm tăng chỉ số giá tiêu dùng năm 2025.

Các gói kích cầu, hạ mặt bằng lãi suất cho vay, mở rộng tín dụng, đẩy mạnh đầu tư công giúp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế nhưng cũng có thể tạo sức ép lên mặt bằng giá nếu nguồn cung tiền không được kiểm soát hợp lý.

"Ngoài ra, theo quy luật, vào các tháng cuối năm và dịp Lễ, Tết, giá lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc, thiết bị và đồ dùng gia đình thường tăng, trong năm nếu thiên tai, dịch bệnh xảy ra sẽ gây ảnh hưởng đến giá lương thực, thực phẩm tại một số địa phương, những điều này cũng sẽ tác động làm tăng CPI", bà Oanh nêu rõ.

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ thống kê giá, Tổng cục Thống kê. (Ảnh: Nguyễn Ngọc)

Dẫn dự báo của của các tổ chức quốc tế, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính kinh tế cho rằng, thế giới trong năm 2025 vẫn tăng trưởng ổn định với mức 3,2%, tương đương năm 2024, còn giá dầu và giá các hàng hóa cơ bản đầu vào, tính trung bình, có xu hướng giảm nhẹ. Tuy nhiên, tỷ giá và lãi suất sẽ là các yếu tố còn nhiều bất định và tác động đến giá cả ở Việt Nam.

Vì vậy, trong 3 kịch bản lạm phát trong năm 2025, kịch bản cơ sở dự báo CPI sẽ tăng trung bình 0,23%/tháng và lạm phát trung bình cả năm 2025 sẽ ở mức khoảng 3,0% khi tỷ giá USD/VND ổn định và lãi suất chỉ tăng nhẹ do nhu cầu tín dụng tăng.

Trong kịch bản cao, áp lực tỷ giá lớn do đồng USD tăng giá mạnh trên thị trường thế giới, còn ngân hàng nhà nước (NHNN) tăng mạnh lãi suất để ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát, CPI có thể sẽ tăng 0,28%/tháng và lạm phát trung bình sẽ ở mức khoảng 3,3%.

Trong kịch bản thấp, kinh tế thế giới và Việt Nam tăng trưởng yếu, giá dầu giảm đáng kể, đồng thời giá USD và lãi suất ổn định hoặc giảm nhẹ, CPI có thể chỉ tăng 0,18%/tháng và lạm phát trung bình sẽ ở mức khoảng 2,7%.

Tuy vậy, ông Độ lưu ý các dự báo trên chưa tính đến trường hợp Chính phủ tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục theo lộ trình, cũng như khả kinh tế thế giới rơi vào suy thoái do lãi suất tại các nước phát triển được duy trì ở mức cao trong một thời gian dài.

"Nếu Chính phủ điều chỉnh giá dịch vụ trong nửa cuối năm 2025, lạm phát trung bình có thể ở mức 3,5% trong kịch bản cao. Đối với kịch bản thấp, trong trường hợp kinh tế thế giới rơi vào suy thoái trong năm 2025 và giá dầu giảm mạnh, lạm phát trung bình có thể giảm xuống còn 2,5% hoặc thậm chí thấp hơn", ông Độ nêu rõ.