Chuyên gia: Temu có chiến dịch chào sân, 'thả tiền' thông minh để tạo tệp khách hàng
Báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến quý III và dự báo quý IV của Metric cho thấy thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong 9 tháng đầu năm, với tổng doanh số đạt 227.700 tỷ đồng, tương đương 9,5 tỷ USD, tăng tới 37,66% so với cùng kỳ 2023.
Đặc biệt, quý III đã ghi nhận doanh thu 84.750 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 18,15% so với quý trước. Điều này đã cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của các sàn TMĐT, trong bối cảnh ngày càng ưa chuộng tiêu dùng nhanh, nhất là với những sản phẩm có mức giá vài trăm nghìn.
Trong bối cảnh đó, Temu bước vào thị trường Việt Nam và được dự báo sẽ có tác động đáng kể đến các “ông lớn” đã đứng vững như Shopee, Lazada, Tiki, bởi nền tảng này sử dụng cách tiếp cận và mở rộng tệp khách hàng tương đối đặc biệt.
Trao đổi với phóng viên, ông Hạ Hồng Việt, Giám đốc Công ty Truyền thông Sellator đánh giá: “Cá nhân tôi cho rằng, Temu đang làm khá tốt công tác tư tưởng, khi thực hiện chính sách hoa hồng cho người giới thiệu mới.
Đặc biệt, để tiếp cận lượng tệp khách hàng lớn và nhanh trong thời gian ngắn, Temu đã liên kết với 3 nền tảng bao gồm TikTok, Instagram, Youtube để có thể đọc được dữ liệu nếu người dùng uỷ quyền cho họ. Và nếu bạn mời thêm được 1 người dùng có kênh TikTok trên 50 nghìn follower (người theo dõi), bạn có thể được nhận ngay 180.000 đồng, với kênh Youtube 50 nghìn follower thì là 300.000 đồng. Việc này hay ở chỗ nếu bình thường phải đặt quảng cáo, trả tiền để họ quảng cáo thì ở đây không cần làm gì cả, đã có rất nhiều người có kênh với nhiều lượt theo dõi tham gia.
“Nước đi này giúp Temu nhanh chóng có thể có cơ sở dữ liệu của hàng loạt Content Creator (nhà sáng tạo nội dung) đang sở hữu các kênh mạng xã hội có tầm ảnh hưởng tại Việt Nam, để dựa vào đó có thể triển khai các bước tiếp theo, các chương trình dành riêng cho họ. Những người có kênh rồi cũng sẽ có những ưu đãi vượt trội hơn người bình thường.
Có thể thấy nền tảng này khá hiểu sức mạnh của Content Creator và đang đứng trên vai những người khổng lồ. Đây là một chiến dịch chào sân và thả tiền rất thông minh. Nhờ đó nó đã tạo nên một làn sóng để mọi người ở Việt Nam nhắc về nó", ông Việt cho hay.
Temu đã giới thiệu tới người dùng Việt Nam chương trình tiếp thị liên kết, với chính sách hoa hồng hấp dẫn cùng quy trình đăng ký đơn giản, thu hút đông đảo người tham gia. Với mức thưởng lên tới 150.000 đồng cho mỗi người dùng mới tạo tài khoản qua link giới thiệu, cao gấp ba lần so với Shopee, Temu nhanh chóng trở thành lựa chọn mới cho những ai muốn kiếm thêm thu nhập từ việc giới thiệu sản phẩm.
Tuy nhiên, để nhận được phần thưởng này, những người dùng mới phải thực hiện giao dịch mua hàng.
Temu áp dụng mô hình hoa hồng đa cấp, theo đó người giới thiệu cấp trên được hưởng 20% hoa hồng từ thành viên cấp dưới. Mức hoa hồng trên mỗi đơn hàng dao động từ 10% đến 30%, vượt trội so với các đối thủ như TikTok Shop hay Shopee. Điều này không chỉ tạo ra sức hút lớn với người dùng mà còn khiến cho cơn sốt Temu lan tỏa mạnh mẽ trên các nền tảng mạng xã hội.
Không chỉ thu hút người dùng tham gia kiếm tiền, Temu còn tận dụng sức mạnh của chiến lược tiếp thị liên kết để mở rộng độ phủ thương hiệu một cách nhanh chóng. Bất kỳ ai có tài khoản mạng xã hội đều có thể đăng ký tham gia chương trình tiếp thị liên kết của Temu.
Sau khi đăng ký, người tham gia sẽ nhận được một liên kết duy nhất để chia sẻ với bạn bè hoặc khán giả của mình, và khi có người mua hàng thông qua liên kết đó, họ sẽ nhận được hoa hồng lên tới 20% cho mỗi đơn hàng mới.
Mức hoa hồng được chia theo giá trị đơn hàng, từ 5% cho đơn hàng dưới 50 USD, 10% cho đơn hàng từ 50 đến 99,99 USD, và 20% cho đơn hàng trên 100 USD. Ngoài ra, Temu còn thưởng 5 USD cho mỗi lượt tải ứng dụng thành công qua liên kết giới thiệu. Với những chính sách hoa hồng hấp dẫn, Temu nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhiều đối tác tiếp thị tại Việt Nam.
Chiều 23/10, tại họp báo thường kỳ quý III. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã trả lời câu hỏi liên quan tới việc quản lý các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới đang hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt gần đây là sự xuất hiện của sàn Temu.
"Bộ Công Thương sẽ triển khai đề án để đảm bảo quản lý chặt chẽ, chống gian lận, hàng giả, hàng nhái trên môi trường thương mại điện tử. Về giá cả, tôi cũng giật mình khi thấy giá của họ rẻ, nhưng phải điều tra, nghiên cứu cụ thể, vì chưa thể khẳng định giá đó thật hay không. Trước hết phải tôn trọng việc mua bán là thỏa thuận trên thị trường", ông Tân nói và cho hay sẽ có thông tin về kết quả và có giải pháp để kiểm soát phù hợp.
Temu chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam
Theo VnExpress, đại diện Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số cho biết, tới tối 23/10, phía Temu chưa đăng ký với cơ quan quản lý Việt Nam.
Trước đó tại cuộc họp báo chiều 23/10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân dẫn Nghị định 85 ban hành năm 2021 khẳng định, các sàn giao dịch thương mại điện tử bắt buộc phải đăng ký khi hoạt động tại Việt Nam.
Temu thuộc PDD Holdings (Trung Quốc) - tập đoàn sở hữu trang thương mại điện tử Pinduoduo. Mặc dù chưa đăng ký hoạt động ở Việt Nam, tuy nhiên từ cuối tháng 9, người dùng đã có thể vào các kho ứng dụng trên điện thoại để tải app và mua hàng, thanh toán trên nền tảng này với phiên bản tiếng Việt.
Đầu tháng 10, Indonesia cấm nền tảng này để bảo vệ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Một số nước cũng nghiên cứu các biện pháp thuế quan để kiểm soát hàng hoá nhập khẩu thông qua sàn thương mại điện tử xuyên biên giới này.
Trong văn bản gửi Bộ Công thương chiều 23/10, Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh đề xuất chế tài nghiêm khắc các sàn thương mại điện tử khuyến mãi quá 50% và vi phạm nhiều lần.