Chuyên gia tin rằng muốn doanh nghiệp hồi phục thì cần có bàn tay đỡ đầu của Nhà nước

07:00 | 17/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tiến sỹ Trần Du Lịch cho biết trong bối cảnh các doanh nghiệp đang vật lộn hồi phục sau dịch COVID-19, Nhà nước cần thể hiện vai trò hơn bao giờ hết.

Theo đó, trong Hội thảo khoa học Chương trình phục hồi và phát triển Kinh tế - Xã hội TP giai đoạn 2022-2025 do UBND Tp.HCM, TS Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn Chính phủ đã đặt ra vấn đề về sự hồi phục của doanh nghiệp. 

Ông Lịch góp ý rằng, từ những hậu quả do dịch bệnh gây ra thì vấn đề hồi phục sản xuất kinh doanh phải đặt lên hàng đầu. Đồng thời nhanh chóng khôi phục  những gãy đổ chuỗi sản xuất, cung ứng, giúp những doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường và thúc đẩy quá trình phục hồi tăng trưởng chung cho thành phố. 

Toàn cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Báo Thanh Niên

Bàn đạp để hoạt động kinh tế trở lại đó là khi nhà nước cho phép các ngành kinh tế được hoạt động trở lại, thu hẹp “vùng cấm”, những ức chế do sự cấm đoán được gỡ bỏ và mạng lưới logistics quốc gia và quốc tế được khai thông, ông Lịch đưa ra quan điểm của mình dựa trên nguyên tắc kinh tế thị trường. 

Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng nêu ra những vấn đề của thị trường và doanh nghiệp sau dịch. Việc gãy đổ kinh tế tại Tp.HCM không phải do thị trường gãy mà do phòng chống COVID-19. Tp.HCM bị “liệt” thì cả vùng kinh tế và cả nước bị ảnh hưởng nên ông nhấn mạnh, việc phục hồi kinh tế này không chỉ của riêng TP mà là vấn đề chung của quốc gia. 

Sau nhiều đợt dịch, muốn sức khỏe của doanh nghiệp trở lại trạng thái bình thường thì không thể trông chờ vào sự hồi phục tự nhiên của thị trường. Nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ sụp đổ, không thể tự đứng dậy được. Do đó, rất cần tới vai trò của Nhà nước làm “bà đỡ” bằng chức năng, quyền hạn để giúp doanh nghiệp và nền kinh tế trở lại, ông Lịch phân tích. 

Từ những vấn đề kinh tế sau dịch, TS Lịch góp ý cho Tp.HCM về 3 tiêu chí hỗ trợ doanh nghiệp: Đóng góp nhiều vào cơ cấu GRDP của TP, có tác động lan tỏa cao và ít có khả năng tự hồi phục.

TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn Chính phủ. Ảnh: VTC

Dựa trên các tiêu chí này, vị chuyên gia đề nghị lựa chọn ngành du lịch (Bao gồm lưu trú, lữ hành, vận tải và các dịch vụ gắn với du lịch); Ngành xây dựng; Kinh doanh bất động sản; Các doanh nghiệp hoạt động trong 4 nhóm ngành công nghiệp chủ lực và các doanh nghiêp thương mại (nội địa và xuất - nhập khẩu) để hỗ trợ.

Thành phố cần tập trung vào các chủ thể: Các doanh nghiệp khó khăn về vốn ở mọi quy mô và thành phần kinh tế; các doanh nghiệp vừa và nhỏ; các Hợp tác xã; Các hộ kinh doanh dịch vụ phục vụ dân sinh.

Bên cạnh đó, thành phố cần chủ động nghiên cứu, xin Chính phủ các nội dung trong chính sách hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp là  thời gian và đối tượng được giảm, miễn thuế; việc khoanh nợ, giãn nợ tín dụng; giảm lãi xuất vay và các gói tín dụng ưu đãi… Doanh nghiệp tại thành phố nên được hưởng mức hỗ trợ cao hơn mặt bằng chung cả nước bởi Tp.HCM là nơi chịu tác động tiêu cực lớn nhất của đại dịch và nơi có thời gian chịu biện pháp giản cách xã hội nghiêm ngặt lâu nhất. 

Trước mắt, Tp.HCM nên linh hoạt triển khai hiệu quả Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 12/10 của Chính phủ trên địa bàn TP về mở rộng các hoạt động kinh tế để doanh nghiệp và người dân tự tổ chức lại sản xuất kinh doanh an toàn, với động lực tự nhiên của “lò xo bị nén”. Đây là sự phục hồi tự nhiên theo quan hệ thị trường. 

Theo ông Lịch, vấn đề kết nối với các địa phương các cũng cần được thành phố chú ý nhằm khai thông hệ thống vận tải, chấm dứt tình trạng chia cắt theo ranh giới hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp. Chỉ đạo Ban quản lý các khu công nghiệp - khu chế xuất phối hợp với các doanh nghiệp hỗ trợ đưa lao động ở các địa phương trở về làm việc theo nhu cầu mờ rộng hoạt động của doanh nghiệp. Song song với đó giao Sở LĐ-TB&XH trực thuộc điều tra, tìm hiểu nhu cầu lao động của doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn để có kế hoạch phối hợp với các địa hỗ trợ lao động quay lại làm việc.

Về những biện pháp căn cơ, vị chuyên gia đề xuất thành phố chú trọng về việc quản lý công và hành chính công. Xác định rõ: cung cấp dịch vụ hành chính công là trách nhiệm của bộ máy hành chính nhà nước, không phải là cơ chế xin cho. Đồng thời sớm gỡ vướng các khúc mắc liên quan tới quy trình thủ tục cấp phép đầu tư do tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định đối với các dự án đầu tư đang tồn đọng, đặc biệt là trong lĩnh vực địa ốc để nhanh chóng thu hút vốn đầu tư tư nhân.

 

Tp.HCM: Mở cửa tiếp như thế nào?

Cung cấp thông tin cho báo chí, lãnh đạo Tp.HCM cho biết đang bám sát các chỉ đạo của T.Ư, hướng dẫn của Bộ Y tế để đánh giá linh hoạt và sát thực tế ở quy mô nhỏ nhất có thể, qua đó xác định tình hình dịch bệnh từng quận, huyện; phường, xã, thị trấn và từng khu phố. “Nơi nào an toàn thì được phép mở rộng các hoạt động trên tinh thần an toàn tới đâu thì mở cửa tới đó”. 

Thành phố đang huy động các cơ quan chức năng, chuyên gia để thành lập tổ công tác để chuẩn bị cho giai đoạn đưa nền kinh tế trở lại trong thời gian sắp tới. 

Các hoạt động được trở lại ra sao sẽ căn cứ vào từng khu vực riêng biệt do mức độ dịch bệnh ở từng nơi khác nhau. TP dự định thí điểm hoạt động kinh doanh ăn uống phục vụ tại chỗ; có thể tổ chức ở quận 7 hoặc địa bàn khác đảm bảo an toàn.