TP.HCM: 1 triệu lao động tạm thời mất việc hoặc mất việc sau 5 tháng giãn cách xã hội
Tham dự hội thảo có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; cùng sự tham dự của đại diện các sở, ban ngành, các hiệp hội doanh nghiệp và các chuyên gia, nhà khoa học.
Hội thảo nhằm nhận diện, dự báo các thách thức, rủi ro ảnh hưởng đến các động lực tăng trưởng của TP Hồ Chí Minh, từ đó xây dựng các giải pháp mang tính đột phá, tạo đà phát triển trong thời gian tới, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau thời gian bị tác động bởi đại dịch COVID-19.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhận định, TP Hồ Chí Minh chưa bao giờ gặp khó khăn, chịu sự tác động nặng nề về kinh tế - xã hội do đại dịch COVID-19 như vừa qua. Đến nay, tình hình dịch bệnh đã được cải thiện, Thành phố cơ bản kiểm soát được dịch. Tuy nhiên, dịch vẫn còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, đòi hỏi Thành phố cần nỗ lực nhiều hơn để kiểm soát được hoàn toàn. Trong bối cảnh hiện nay, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh, Thành phố tiến hành song song 2 nhiệm vụ, đó là vừa tập trung phòng chống dịch, vừa phải tính toán có lộ trình để phục hồi kinh tế - xã hội.
Thay mặt lãnh đạo Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi mong muốn nhận được sự góp ý, đánh giá của các chuyên gia để giúp Thành phố nhận diện, đánh giá xu hướng, diễn biến dịch; nhanh chóng hồi phục kinh tế, củng cố và giữ vững vai trò đầu tàu về kinh tế của cả nước, giữ vị trí trong mối tương quan với khu vực và thế giới.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS. Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh cho biết, hội thảo đã nhận được 14 bài tham luận có chất lượng từ các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo trường đại học gửi về. Trong đó, tập trung vào 4 nội dung gồm lao động, việc làm; thu nhập, chi tiêu; sức khoẻ cộng đồng; văn hoá - giáo dục, xã hội. Đặc biệt, vấn đề miễn dịch cộng đồng để sống chung an toàn và bền vững với COVID-19 được các chuyên gia đặt ra cùng với một số kiến nghị nhằm phục hồi kinh tế bao gồm tuân thủ quy tắc phòng, chống dịch bệnh, xây dựng và thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế, trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp; xây dựng mạng lưới giám sát dịch tễ, đánh giá mức độ miễn dịch của người lớn tuổi.
“Trong bối cảnh bùng phát dịch COVID-19 vừa qua, danh tiếng và thương hiệu TP Hồ Chí Minh cũng đã bị tổn hại. Do vậy, một trong những giải pháp phải đề cập đến là xây dựng thương hiệu Thành phố trên cơ sở kết hợp các khía cạnh độc đáo của văn hóa và năng lực đổi mới, sáng tạo, văn minh, hiện đại, nghĩa tình để thu hút nhân tài và các nguồn lực đầu tư, tạo ra giá trị phù hợp với công chúng”, PGS.TS. Trần Hoàng Ngân nêu vấn đề.
Tại Hội thảo, các chuyên gia cho rằng, muốn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh, trước mắt phải xác định sống chung an toàn với COVID-19 và muốn sống chung an toàn phải đạt miễn dịch cộng đồng thông qua tiêm vắc xin. Một số chuyên gia cũng nhấn mạnh, TP Hồ Chí Minh phải triển khai ngay các chính sách phục hồi kinh tế, trong đó có ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Dẫn chứng những con số cụ thể cho thấy sự sụt giảm kinh tế TP.HCM sau làn sóng thứ 4 của dịch Covid-19, PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM, cho hay tháng 7, TP.HCM mất đi khoảng 1 tỷ USD trong xuất khẩu. Và chỉ một tháng sau, TP phải gánh chịu thiệt hại hơn 3,63 tỷ USD.
“Hoạt động xuất nhập khẩu giảm đi từng ngày, xảy ra ở tất cả lĩnh vực, nhưng rất may mắn khi trong nguy cơ đó có một số ngành hàng le lói phục hồi vào tháng 7 như cao su, dệt may…”, chuyên gia đánh giá.
Trong tháng 9, tốc độ suy giảm chậm lại, không có ngành nào giảm sâu dưới 6% so với tháng 8/2021. Mặc dù vậy, ông Khánh cho biết mức độ phục hồi kinh tế của TP trong tháng 9 vẫn chưa đạt 50% so với cùng kỳ năm 2020.
“Nếu mức độ hồi phục chậm của TP.HCM kéo dài thêm, thành phố có thể đối mặt suy thoái”, ông Khánh cảnh báo và đề nghị thành phố triển khai khẩn cấp các chính sách hỗ trợ, kích cầu.
Đưa ra con số hơn 1 triệu lao động tạm thời mất việc hoặc mất việc sau 5 tháng giãn cách xã hội, ông Khánh nhìn nhận cơ hội việc làm sẽ tiếp tục khó khăn. Ông cũng dự báo các dòng lao động sẽ chậm trở lại TP.HCM, gây nên tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là người có tay nghề và kỹ năng chuyên môn.
Chuyên gia đề nghị TP có chính sách để chia sẻ chi phí lương, tăng tái tạo việc làm. Mục tiêu là giúp doanh nghiệp hạn chế sa thải lao động, tuyển dụng trở lại số lao động đã nghỉ trước đây, thu hút lao động có tay nghề quay trở lại TP.HCM.
Ông đề xuất TP.HCM sử dụng ngân sách để hỗ trợ 25% lương tối thiểu vùng, áp dụng từ tháng 9/2021 đến 3/2022. Ước tính quy mô gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng, tương đương 0,29% GRDP TP.HCM.
Theo TS Nguyễn Xuân Thành (Đại học Fulbright), vấn đề các nước có độ phủ vắc xin mũi 2 cao phải đối mặt là khi mở cửa tỷ lệ lây nhiễm tăng trở lại. Tuy nhiên, vắc xin sẽ khiến tỷ lệ người nhiễm chuyển nặng và tử vong được kiểm soát ở mức thấp. Vì vậy, các nền kinh tế đã mở cửa đều thực hiện chính sách không tái giãn cách xã hội trên diện rộng, ngay cả khi số ca nhiễm bùng phát.
Về lộ trình mở cửa trong năm 2022, TS Nguyễn Xuân Thành cho rằng TP Hồ Chí Minh phải là nơi đi đầu trong mở cửa. Kinh nghiệm quốc tế, những nơi không may mắn bị dịch bệnh tác động, đã trải qua điều tệ nhất sẽ trở thành nơi đầu tiên mở cửa phục hồi.
Theo TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn Chính phủ, việc phục hồi và phát triển kinh tế của Thành phố đều phải dựa vào việc an toàn với COVID-19. Việc gãy đổ kinh tế tại TP Hồ Chí Minh không phải do thị trường gãy mà do phòng chống COVID-19 đã gây ra nên khi nhà nước mở chỗ nào thì chỗ đó phục hồi tự nhiên theo kinh tế thị trường.
TS Trần Du Lịch cũng nhấn mạnh, TP Hồ Chí Minh mà “liệt” thì cả vùng kinh tế và cả nước bị ảnh hưởng nên việc phục hồi kinh tế này không chỉ của riêng Thành phố mà là vấn đề chung của quốc gia. Trước hết là vấn đề của vùng kinh tế trọng điểm phía nam, Đông Nam bộ, Tây nguyên, Đồng bằng Sông Cửu Long... Do đó TS Trần Du Lịch cho rằng, Thành phố cần dùng đầu tư công, kích tổng cầu; Nâng cao hiệu quả hành chính công, quản trị công theo nguyên tắc cung cấp dịch vụ hành chính công là trách nhiệm, chứ không phải xin - cho. Đồng thời thực hiện hỗ trợ tài chính; cải thiện môi trường đầu tư để kích cầu đầu tư tư nhân…
Đăng Khôi (T/h