Chuyện khởi nghiệp thời “cô vít”
Thấm cảnh “lên thác xuống ghềnh”
Trung bình mỗi ngày quán cafe TEAMO – DRINK&FOOD của anh Nguyễn Văn Trường (thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) bán được 800 nghìn đồng. Số tiền này chỉ vừa đủ để trang trải tiền nhân viên, tiền điện, nước và các loại dịch vụ khác, còn tiền thuê nhà thì anh phải chấp nhận bù lỗ. Cảnh kinh doanh này anh Trường đã gắng gượng được hơn một năm, đó là cả một quá trình đầy khó khăn và thử thách. “Tôi giằng xéo giữa hai lựa chọn, từ bỏ hoặc gồng mình vượt khó. Mỗi một ngày trôi qua, khó khăn lại chất chồng lên khó khăn, đủ thứ tiền phải chi trong khi dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức khó lường” – anh Trường than thở.
Mới 2 năm trở về trước thôi, anh Trường còn tự tin “vẽ” ra bao kế hoạch “lung linh” cho tương lai. Nào sẽ mua đất, xây nhà, sắm ô tô để thuận tiện đi lại, nào sẽ dành một khoảng nghỉ trong năm để đưa vợ con đi du lịch, khám phá nhiều vùng đất mới,… Vào thời điểm đó, với 3 cơ sở kinh doanh cafe mỗi tháng mang về số tiền lời hơn 100 triệu đồng, những kế hoạch này với anh không phải quá mộng mơ, viễn vông.
Chỉ là, mọi dự liệu trong anh đều đi chệch hướng bởi dịch COVID-19. Từ việc kinh doanh có lãi, anh Trường bất lực nhìn cảnh khách hàng vơi dần đi từng ngày, thậm chí phải làm quen với việc giãn cách và đóng cửa quán, Để rồi, sau hơn một năm gồng gánh, anh Trường chỉ còn giữ lại được một cơ sở kinh doanh, còn lại phải thanh lí để cắt lỗ. “Bỏ thì thương mà vương thì tội. Phải tự tay đóng cửa, chào bán đi những “đứa con tinh thần” của mình, lòng tôi xót lắm. Nhưng hết cách rồi, để duy trì hoạt động kinh doanh, tôi đã phải chạy vạy khắp nơi từ vay nợ bạn bè, đến mang cả sổ đỏ đi cầm cố ngân hàng, nếu kéo dài thêm chắc phá sản mất. Thôi thì tìm một nẻo mưu sinh khác vậy” – anh Trường ngậm ngùi.
Chung cảnh kinh doanh bế tắc như anh Trường, nhưng tình trạng của anh Lê Văn Quang, chủ nhà hàng Hương Biển (xã Hoằng Tiến, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) còn khốn cùng, nghiệt ngã hơn nhiều. Trước khi về quê lập nghiệp, anh Quang đã có 8 năm lao động bên Nhật Bản. Anh chấp nhận cảnh làm thuê, bán thanh xuân bên xứ người chỉ để vun vén cho một ước mơ duy nhất: Có tiền để gây dựng sự nghiệp trên chính mảnh đất quê hương.
Để rồi, sau 8 năm xa quê, với số tiền hơn 3 tỷ dành dụm được, anh về quê và mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực ăn uống, phục vụ khách du lịch về với biển Hải Tiến (xã Hoằng Tiến, huyện Hoằng Hóa). Ngày nhà hàng Hương Biển ra đời, anh nói giấc mơ của mình đã thực hiện được một nửa. Một nửa giấc mơ còn lại là nâng tầm thương hiệu Hương Biển, anh tin mình sẽ làm được. Gia đình, bạn bè cũng dành trọn niềm tin nơi anh. Bởi ai cũng hiểu và cảm nhận được khát vọng lớn lao bên trong chàng trai bản lĩnh, chịu thương, chịu khó này
Nhưng rồi, dịch COVID-19 ập đến, “cướp” dần đi từng đồng tiền mồ hôi nước mắt của anh, “cướp” thô bạo, lạnh lùng đến nỗi người đàn ông từng rắn rỏi, kiên định ngày nào buộc phải cúi đầu xót xa mà thốt lên: “Tôi thua rồi”.
Tìm cơ hội từ trong gian khó
Nguyễn Minh Toàn, 29 tuổi (xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) là chủ của 2 cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống và chuỗi quán cà phê. Cũng như nhiều bạn trẻ khác khi khởi nghiệp với các mô hình quán cà phê, Đạo cũng phải chịu những ảnh hưởng rất nghiêm trọng vì đợt dịch Covid-19 từ đầu năm đến nay.
Thế nhưng, với kinh nghiệm nhiều năm khởi nghiệp, anh tự tìm thấy cơ hội trong khủng hoảng. Toàn kể: “Ngay thời điểm phải đóng cửa vì giãn cách xã hội, doanh số giảm 100%. Sau đó, mình nhanh chóng đẩy mạnh hình thức bán hàng trực tuyến thì khôi phục được 3/10 doanh số mỗi ngày, nhưng vẫn chưa thể vực dậy được. Sau đó mình triển khai thêm nhiều chương trình giảm giá, tinh gọn lại một số quy trình bán hàng, kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào và tiết kiệm tối đa các khoản phí: điện, nước, giờ làm của nhân viên,… Đồng thời, đa dạng hóa các sản phẩm bán ra chứ không chỉ xoay quanh café. Dần dần doanh thu cũng kéo về được hơn một nửa so với thời điểm trước dịch, thế là sống ổn rồi”.
Với 2 cơ sở sản xuất mắm thì trong thời gian qua, gia đình anh Toàn đã chú trọng hơn đến đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống nhận diện thương hiệu (bao bì, nhãn mác), quy trình hoàn thiện, đóng gói sản phẩm... Đặc biệt, gia đình nỗ lực liên kết với một số cửa hàng nằm trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, những đại lý lớn có yêu cầu cao về chất lượng đầu vào sản phẩm trên địa bàn toàn huyện, nhiều địa phương trong tỉnh và một số tỉnh, thành phố khác như: Hà Nội, Cao Bằng...
Trong tình hình dịch bệnh ngày càng căng thẳng, việc đẩy mạnh kinh doanh online trở nên thiết yếu đối với các doanh nghiệp. Nắm rõ xu thế này, anh Toàn đã nhạy bén cập nhật công nghệ thông tin, đẩy mạnh marketing, truyền thông để tiếp cận được lượng khách hàng rộng hơn, đa dạng hơn. “Hiện nay, thương hiệu nước mắm của gia đình Toàn đã có cho mình nhiều kênh phân phối sản phẩm trên không gian mạng. Nhờ những kênh bán hàng mới này mà sản phẩm của gia đình anh đã, đang tiếp cận được với nhiều phân khúc khách hàng khác nhau, từ bình dân đến trung lưu, thượng lưu”, anh Toàn hồ hởi.
Sẽ cần một khoảng thời gian rất lâu nữa để chất lượng cuộc sống, nhịp độ kinh tế mới ổn định trở lại. Anh Trường, anh Quang, anh Toàn, và còn hàng nghìn, hàng vạn giấc mơ khởi nghiệp thật đẹp ngoài kia nữa sẽ còn gặp không ít khó khăn, trắc trở. Nhưng tôi luôn tin, sẽ không có con đường nào là cụt nếu chúng ta luôn trong tâm thế người mở đường.