Nông nghiệp Thanh Hóa đang từng ngày “thay da đổi thịt”

09:45 | 28/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sản xuất nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa những năm gần đây đã chuyển mình từ “lượng” sang “chất”. Từ một địa phương thường xuyên thiếu lương thực, nhiều năm qua, Thanh Hóa không những đã đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, mà còn phục vụ cho xuất khẩu; các vùng sản xuất cây nguyên liệu, khu chăn nuôi tập trung phát triển ổn định; cơ giới hoá trong nông nghiệp được đẩy mạnh…
Nông nghiệp Thanh Hóa sau 5 năm tái cơ cấu (2015-2020) đã có cho minh nhiều thành tựu nổi bật

Những “trái ngọt” ban đầu

Theo Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng bộ Sở NN&PTNT Thanh Hóa lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 -2025, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản nhiệm kỳ 2015-2020 tăng 3%/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đề ra. Cơ cấu giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản chuyển dịch tích cực; nông nghiệp giảm từ 76,3% từ đầu nhiệm kỳ xuống khoảng 69%; lâm nghiệp tăng từ 5,7% lên 8%; thủy sản tăng từ 17,9% lên 23%... Tổng sản lượng lương thực bình quân đạt 1,64 triệu tấn/năm, đạt mục tiêu kế hoạch. Trong trồng trọt, việc cơ giới hóa, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được đẩy mạnh; năng suất hầu hết các cây trồng chính đều tăng.

 Linh vực trồng trọt trong nông nghiệp ở Thanh Hóa đã được ứng dụng  các tiến bộ khoa học kỹ thuật nên sản lượng và chất lượng đều đã tăng

Chăn nuôi có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chuyển mạnh sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao. Mặc dù những năm qua bị ảnh hưởng do biến động giá thị trường, dịch bệnh, song tổng đàn gia súc, gia cầm, sản lượng thịt hơi, trứng, sữa tươi đều tăng so với giai đoạn trước. Đàn bò thịt chất lượng cao 70.200 con, tăng gấp 2,34 lần; đàn bò sữa 15.000 con, tăng 11.500 con; đàn trâu 200.000 con, tăng 4.400 con...; tổng sản lượng thịt hơi bình quân đạt 240.000 tấn/năm, tăng 36.300 tấn/năm. Bên cạnh đó, chăn nuôi nông hộ chuyển dịch theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, vật tư đầu vào và sản phẩm chăn nuôi được quản lý chặt chẽ hơn.

Cùng với trồng trọt và chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển ổn định, quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, có chứng nhận và truy xuất nguồn gốc tiếp tục được đẩy mạnh và nhân rộng tại nhiều địa phương. Toàn tỉnh hiện đã phát triển được 350 ha nuôi tôm thẻ chân trắng, 1.313 ha nuôi ngao.

Diện tích  nuôi trồng thủy sản những năm qua ở Thanh Hóa không ngừng được mở rộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Khai thác hải sản cũng có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, từ khai thác ven bờ sang khai thác xa bờ, đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật và thiết bị tiên tiến để bảo quản, giảm tổn thất, nâng cao chất lượng, giá trị và hiệu quả khai thác. Hiện, số tàu khai thác xa bờ có chiều dài 15m trở lên có 1.332 chiếc, với sản lượng khai thác hải sản đạt 68.000 tấn.

Tích tụ đất đất đai, sản xuất quy mô lớn tạo nên cuộc “cách mạng” cho ngành nông nghiệp xứ Thanh

Thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã tích tụ, tập trung được 26.681 ha ở 25 đơn vị cấp huyện. Cùng với đó, tỉnh và các địa phương đã tập trung đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Đến nay, toàn tỉnh có 890 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (tăng 367 doanh nghiệp so với năm 2015), 717 trang trại, 1.136 tổ hợp tác, 699 HTX nông nghiệp đang hoạt động, trong đó 100% HTX đã chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Những vùng đất rộng lớn do các nông - lâm trường cũ quản lý nhưng chưa phát huy hết tiềm năng, được khuyến khích kêu gọi doanh nghiệp vào hợp tác để chuyển đổi thành 3 công ty TNHH hai thành viên. 

Khi có quỹ đất và đường hướng phát triển nông nghiệp theo quy hoạch, các địa phương trong tỉnh đã kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư, vận động người dân để hình thành nên nhiều mô hình sản xuất hiện đại, tạo ra những bước ngoặt phát triển cho ngành nông nghiệp Thanh Hóa.

Việc tích tụ đất đai đã tạo điều kiện cho người nông dân có thể yên tâm chuyển đổi cây trồng, hình thành nên nhiều vùng sản xuất nguyên liệu lớn. 

Trong trồng trọt, đến nay, diện tích liên kết sản xuất và bao tiêu các sản phẩm trồng trọt đạt 67.761 ha. Trong lâm nghiệp, tỉnh đã hình thành liên kết giữa người trồng rừng và các cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm; một số chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp hiệu quả. Nền nông nghiệp tỉnh nhà đang có những bước phát triển mới, hiệu quả cao hơn, nhiều mô hình theo hướng tăng trưởng xanh, hiện đại gắn với thị trường tiêu thụ cho sản phẩm.

Nỗ lực thực hiện các giải pháp tích tụ đất đai, xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp tập trung (SXNNTT), nên đến hết quý II-2020, toàn tỉnh đã tích tụ được 15.891 ha tại 25 huyện, thị xã, thành phố. Trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 17 vùng trồng cây tập trung, chuyên canh cấp tỉnh, như: Vùng sản xuất lúa thâm canh, tổng diện tích 158.158 ha/vụ; vùng ngô thâm canh 20.000 ha; vùng mía thâm canh 15.000 ha; vùng nguyên liệu sắn 11.000 ha; vùng sản xuất giống lúa lai F1 700 ha; vùng trồng cây ăn quả tập trung gần 7.000 ha; vùng rau an toàn tập trung 12.560 ha; vùng trồng cây thức ăn chăn nuôi 12.700 ha... Xây dựng được 55 vùng SXNNTT cấp cơ sở. Việc hình thành các vùng SXNNTT đã giúp cơ cấu, chủng loại giống cây trồng tiếp tục chuyển đổi phù hợp với điều kiện sinh thái, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường và từng bước thích ứng với sự biến đổi của khí hậu, như: Vùng sản xuất giống lúa thuần, lúa lai F1, sản xuất rau an toàn tập trung chuyên canh tại các huyện Thọ Xuân, Đông Sơn, Thiệu Hóa, Quảng Xương; vùng sản xuất chuyên canh các loại cây rau màu, như: Ngô ngọt, bí, đậu tương rau, cải chân vịt, hành lá tại các huyện Thọ Xuân, Yên Định, Hoằng Hóa; vùng trồng cây ăn quả tại các huyện Thọ Xuân, Như Xuân, vùng chăn nuôi bò sữa tập trung tại các huyện Yên Định, Thọ Xuân, Như Thanh; vùng chăn nuôi bò thịt tại các huyện miền núi, trung du... Đồng thời, hình thành các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng, ngao... áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP... Lĩnh vực lâm nghiệp cũng đã bắt đầu hình thành nhiều vùng nguyên liệu gỗ, luồng ở nhiều huyện miền núi: Như Xuân, Thạch Thành, Như Thanh, Thường Xuân, Lang Chánh...

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đánh giá, việc xây dựng và phát triển các vùng sản xuất tập trung đã và đang góp phần nâng cao trình độ sản xuất của người dân, tạo sức lan tỏa lớn trong việc thay đổi tư duy sản xuất của đông đảo các tầng lớp Nhân dân, giúp hiệu quả kinh tế được nâng lên từ 15 đến 20%. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, từ việc tổ chức, chỉ đạo sản xuất; thu mua chế biến, tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch; áp dụng khoa học - kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản trên thị trường. Đến nay, toàn tỉnh có 807 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (tăng 280 doanh nghiệp so với năm 2015), như: Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty CP Xuất nhập khẩu nông sản Đồng Xanh, Công ty CP Thương mại Cảnh Long, Công ty TNHH bò sữa Thống Nhất Thanh Hóa, Tập đoàn TH True Milk,... Tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa khâu làm đất đạt 89,7%, gieo trồng 15,4%, thu hoạch 55,7%, vận chuyển 78,2%, chế biến 50%. Trong chăn nuôi, đã áp dụng 100% máy vắt sữa bò; trang trại chăn nuôi lợn và nuôi gà có hệ thống chuồng kín, chuồng mát, điều hòa độ ẩm, máng ăn, máng uống tự động đạt 55%.

Chuyển mình cùng những dự án tỷ đô

Làn sóng đầu tư vào nông nghiệp tại Thanh Hóa bắt đầu tăng mạnh vào năm 2016. Tuy nhiên, phải từ năm 2019, địa phương này mới thực sự chứng kiến những cuộc “đổ bộ” của nhiều nhà đầu tư lớn.

Tháng 11/2019 đánh dấu một cột mốc mới trong làn sóng đầu tư vào nông nghiệp tại Thanh Hóa với sự kiện khánh thành nhà máy giết mổ và chế biến gia cầm xuất khẩu Viet Avis hiện đại nhất miền Bắc.

Đây là dự án liên danh giữa Công ty Cổ phần Nông sản Gia Phú và Tập đoàn Master Good (Hungagry) với công suất giết mổ 8 triệu con gà/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng.

Như lời ông Ba-ranh, Chủ tịch Tập đoàn Master Good tại sự kiện này, sự ra đời của nhà máy giết mổ và chế biến gia cầm xuất khẩu Viet Avis sẽ khởi đầu cho một cuộc cạnh tranh đối với lĩnh vực giết mổ gia cầm xuất khẩu tại Việt Nam.

Điều này không chỉ kích thích sự tò mò của các nhà đầu tư về tiềm năng, cơ hội đầu tư của vùng đất Thanh Hóa mà còn giúp nội lực nền nông nghiệp của địa phương tăng trưởng bền vững.

Quả thực, không chỉ mang tính cạnh tranh ở thị trường trong nước, việc Công ty Cổ phần Nông sản Gia Phú và Tập đoàn Master Good nhảy vào đầu tư tại Thanh Hóa ngay sau đó đã kéo theo một loạt những dự án lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại địa phương này.

Những năm gần đây, nông nghiệp Thanh Hóa đã thu hút được nhiều nhà đầu tư, nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi.

Nhiều doanh nghiệp lớn trong nước và nước ngoài đã quan tâm và đăng ký đầu tư hay đã khởi công dự án đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Điều này cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư đối với cơ chế, chính sách thu hút và môi trường đầu tư của tỉnh Thanh Hóa.

Theo thống kê từ Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa, đến nay tỉnh đã thu hút được 176 dự án đầu tư vào nông nghiệp, với tổng vốn đầu tư trên 20 nghìn tỷ đồng. Tổng diện tích thực hiện các dự án trên 3,7 nghìn ha. Trong đó có những đại dự án được kỳ vọng làm thay đổi hẳn bộ mặt của cư dân nông thôn Thanh Hóa.

Trong số này, có 7 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng mức đầu tư gần 3,9 nghìn tỷ đồng, bình quân trên 553 tỷ đồng/dự án.

Chỉ tính riêng giai đoạn 2016 - 2020, Thanh Hóa đã thu hút được 142 dự án đầu tư vào nông nghiệp, với tổng vốn đầu tư trên 18,5 tỷ đồng. Tổng diện tích thực hiện dự án gần 3,6 nghìn ha.

Ngoài việc thu hút được các đại dự án, Thanh Hóa hướng tới việc ưu tiên những dự án áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Có thể kể đến một số dự án khép kín từ khâu sản xuất đến chế biến như Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) đầu tư xây dựng các trại bò quy mô 16.000 con, tổng vốn đầu tư 1.600 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Ứng dụng công nghệ cao Nông nghiệp và thực phẩm sữa TH đang đầu tư dự án bò sữa với quy mô 20.000 con, tổng vốn đầu tư 3.800 tỷ đồng.

Công ty TNHH New Hope Singapore đầu tư dự án trang trại chăn nuôi, quy mô trên 10 nghìn lợn nái và sản xuất 500 nghìn lợn thịt, tổng vốn đầu tư 1.125 tỷ đồng. Công ty Cổ phần đầu tư Phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu An Phước đầu tư dự án nhà máy sản xuất sợi dệt, tổng vốn đầu tư 628 tỷ đồng…

Mới đây, Tập đoàn Xuân Thiện đang hoàn thiện thủ tục đầu tư 18 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 32.400 tỷ đồng (1,4 tỷ USD). Tập đoàn AVG dự kiến đầu tư dự án Tổ hợp chế biến thịt lợn tại Khu kinh tế Nghi Sơn với tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD. 

Với những  thành tựu đã đạt được, ngành nông nghiệp Thanh Hóa đang dần khẳng định được vị thế của mình trên bản đồ nông nghiệp Việt Nam; xứng đáng với những tiềm năng, lợi thế vốn có của mình. Thành công của công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững; cùng việc “trải thảm” đón nhà đầu tư đã tạo nên một “cú hích” cho những thay đổi lịch sử của ngành nông nghiệp xứ Thanh. Và, một niềm tin mãnh liệt rằng: Việc nông nghiệp Thanh Hóa chuyển đổi từ nền sản xuất nông nghiệp sang nền kinh tế nông nghiệp cũng không còn lâu nữa.

 

ĐỌC NHIỀU